Chiều 11/6, chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương - ông Vũ Huy Hoàng, Đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) – Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đề cập tới chuyện nông sản bị thương lái Trung Quốc mua gom nông sản trong nước, làm rối loạn thị trường, đồng thời yêu cầu Bộ trưởng nêu rõ trách nhiệm của ngành, của người đứng đầu khi để tình trạng này “tái đi tái lại”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng không trả lời thẳng vào vấn đề Đại biểu quan tâm mà lại kiến giải lòng vòng.
Vì vậy, khi có điều kiện được hỏi lần 2, Đại biểu Nguyễn Thị Khá đặt thẳng vấn đề: Thương lái Trung Quốc hoành hành đã được đặt ra cho Bộ trưởng trong những lần chất vấn trước, nhưng chưa thấy được giải pháp mà ngành triển khai để ngăn chặn?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá. Ảnh: Ngọc Quang. |
Ở lần chất vấn này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phủ nhận thông tin trên. Theo ông Hoàng, sau khi báo chí phản ánh, Bộ Công thương đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành rà soát và xử lý nghiêm túc nên tình trạng này đã phần nào được đẩy lùi.
Ông Hoàng trả lời: “Tôi kiểm tra lại thì chưa nghe thấy thông tin về thương lái nước ngoài thu mua gom hàng tại Việt Nam. Vừa rồi có thông tin thương lái thu mua Rêu non và Cau non, chúng tôi có trao đổi với Sở Công thương của một số địa phương thì được biết là hoạt động này chủ yếu do thương nhân Việt Nam đứng ra mua, sử dụng vào các mục đích khác nhau. Thí dụ rêu đá làm cảnh. Cau non mua về để làm nguyên liệu thuốc.
Vì vậy, nếu nói là có thương lái nước ngoài, tôi nghĩ nó không đúng như vậy. Còn nếu đúng có chuyện như Đại biểu Khá nêu, hôm nay chúng tôi sẽ kiểm tra lại và xử lý”.
Ngay lập tức, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ngắt lời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đưa ra yêu cầu: “Thương lái bất cứ nước nào nếu làm ăn gian lận, không đúng pháp luật đều bị xử lý. Không chỉ có thương lái nước mà Đại biểu Khá nêu, mà thương lái nhiều nước khác cũng có tình trạng đó. Ngay cả trong nước ta, người mua người bán nước ta, cũng có tình trạng đó, đều cần phải xử lý".
Thương lái Trung Quốc làm rối loạn thị trường Hồ Tiêu miền Trung. Bộ trưởng Công thương không biết? ảnh: Người lao động. |
Đại biểu đòi nợ Bộ trưởng
Vấn đề tiêu thụ nông sản ế ẩm là một trong những vấn đề gây ra nhiều bức xúc trong xã hội, đặc biệt là với người nông dân thời gian qua.
ĐB Trần Khắc Tâm (đoàn Sóc Trăng) nêu thực tế tại địa phương và đặt câu hỏi "đòi nợ": Ba năm trước, khi chất vấn Bộ trưởng về chuyện hành tím Sóc Trăng rớt giá, Bộ trưởng có hứa với tôi sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan tạo điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu tiếp tục tìm đầu ra, tăng cường cung cấp thông tin về tình hình thị trường trong, ngoài nước để bà con tham khảo.
Xin hỏi lời hứa trên đã được thực hiện ra sao trong 3 năm qua? Bộ trưởng cũng có nói đừng đổ lỗi cho nông dân trong chuyện dưa, hành được mùa rớt giá. Vậy xin hỏi ai phải chịu trách nhiệm?
Cũng liên quan tới tiêu thụ nông sản, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) chất vấn: “Cử tri cho rằng, tiêu thụ nông sản vẫn là vấn đề nóng, hệ thống lưu thông và vận chuyển sản phẩm là nguyên nhân gây ách tắc. Dưa hấu miền Trung chỉ vài trăm đồng/kg thì người dân Hà Nội mua dưa đến 18 – 20.000 đồng/kg... Bộ trưởng có đồng quan điểm với ý kiến cử tri không?”.
Bộ trưởng không thể "hứa suông", nhận "trách nhiệm suông"
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận có phần trách nhiệm của Bộ Công thương trong báo cáo, cung cấp thông tin, tìm hiểu giá cả và định hướng thị trường.
“Với mặt hàng hành tím Sóc Trăng, do thị trường xuất khẩu chủ yếu sang Indonesia chiếm khoảng 80% lượng hành sản xuất trong nước, nên khi nước này thay đổi chính sách nhập khẩu chuyển sang tự cung trong nước, ngay lập tức hành tím Sóc Trăng bị dồn ứ. Có phần lỗi của chúng tôi là đã thông tin chưa kịp thời đến người dân khi mùa vụ thu hoạch cận kề”, ông Hoàng cho hay.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là khắc phục tình trạng này thế nào thì ông Hoàng lại cho rằng "sẽ khó một sớm một chiều, do đây là chính sách của một quốc gia".
Đối với sự chênh lệch giá mặt hàng dưa hấu giữa giá thị trường và giá dưa thu mua tại miền Trung, Bộ trưởng Hoàng cho biết ba nguyên nhân:
Thứ nhất, hoa quả hao hụt sau thụ hoạch thông thường hao hụt 15 – 20% (bị hỏng) dẫn đến giá thay đổi.
Thứ hai, do địa bàn sản xuất đến tiêu thụ xa làm tăng cước vận tải.
Thứ ba, thương nhân thu mua dưa ở ruộng và đưa vào chợ, siêu thị thì phải phân loại, sản phẩm không đạt yêu cầu mẫu mã thì loại.
"Những nguyên nhân này khiến dưa đội giá lên cao khi đưa từ ruộng ra chợ, siêu thị", ông Hoàng nói.
Những trả lời trên chưa thực sự thỏa mãn yêu cầu của các Đại biểu Quốc hội. Sáng nay, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tiếp tục trả lời chất vấn.