Hàng chục triệu người đang cần trợ giúp dịch vụ công tác xã hội

12/06/2015 11:14
ĐỨC MINH
(GDVN) - Hiện nay, số người cần trợ giúp các dịch vụ công tác xã hội rất lớn, có hàng chục triệu người, gồm: người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em...

Ngày 11/6/2015, tại Hải Phòng, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTB&XH) phối hợp với Tạp chí Lao động và Xã hội tổ chức hội thảo “Tăng cường công tác truyền thông phát triển nghề công tác xã hội năm 2015”. 

Theo báo cáo của Cục Bảo trợ xã hội, hiện nay, số người cần trợ giúp của các dịch vụ công tác xã hội rất lớn, có hàng chục triệu người, gồm: người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người nhiễm HIV, người nghiện ma túy, người bán dâm, người bị bạo lực, bạo hành…

Để trợ giúp cho đối tượng, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để trợ giúp cho đối tượng, nhiều Luật, Bộ luật đã được ban hành như: Bộ Luật lao động; Luật Người cao tuổi; Luật Người khuyết tật; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật Phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; Luật Phòng chống bạo lực gia đình.

Đồng thời triển khai nhiều chương trình, Đề án và chính sách trợ giúp xã hội giải quyết trợ cấp hàng tháng cho hàng triệu người; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho trên chục triệu người nghèo và các đối tượng trợ giúp xã hội.

Đặc biệt, Bộ LĐTB&XH và Bộ Nội vụ cũng đã hướng dẫn các địa phương về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các mô hình trung tâm Công tác xã hội; phối hợp với Bộ Tài Chính hỗ trợ cho trên 35 tỉnh/thành phố xây dựng mô hình trung tâm Công tác xã hội, nâng tổng số cơ sở có liên quan đến cung cấp dịch vụ Công tác xã hội là 432 cơ sở với 35.000 cán bộ, nhân viên Công tác xã hội. Các trung tâm này đã cung cấp dịch vụ Công tác xã hội cho hàng ngàn lượt đối tượng yếu thế.

Toàn cảnh hội thảo “Tăng cường công tác truyền thông phát triển nghề công tác xã hội năm 2015”. Ảnh: Đức Minh

Toàn cảnh hội thảo “Tăng cường công tác truyền thông phát triển nghề công tác xã hội năm 2015”. Ảnh: Đức Minh

Phát biểu tại hội thảo, ông Đàm Hữu Đắc nguyên thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, Phó Chủ tịch thường trực TW Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết: Hiện nay, nghề công tác xã hội tại Việt Nam đang phát triển rất nhanh và theo chiều hướng tốt.

Mặc dù Đề án 32 về phát triển nghề công tác xã hội mới được triển khai hơn 4 năm song các cấp, các ngành đã và đang nhận thức rất rõ nét về tầm quan trọng của nghề này.

Hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân viên làm việc trong lĩnh vực an sinh xã hội ngày càng được mở rộng, đáp ứng phần nào nhu cầu thực tiễn ở nước ta về số lượng và yêu cầu của thị trường lao động về hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội.

Rất nhiều tỉnh, thành đã thành lập và vận hành mô hình Trung tâm công tác xã hội để giúp đỡ nhiều đối tượng yếu thế trong xã hội có cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ tư vấn và hỗ trợ.  ​

Chia sẻ những kinh nghiệm và đề xuất đẩy mạnh công tác truyền thông phát triển nghề công tác xã hội trên báo chí, ông Bùi Văn Trạch, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của báo chí trong việc xây dựng và phát triển nghề Công tác xã hội, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với các đơn vị liên quan và các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác truyền thông phát triển nghề CTXH liên tục trong nhiều năm qua và đã thu được những kết quả đáng khích lệ.

Kể từ trước và sau khi Đề án 32 về phát triển nghề Công tác xã hội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các thông tin về phát triển nghề Công tác xã hội đã được báo chí phản ánh khá thường xuyên với mật độ tương đối lớn ở hầu hết các loại hình báo chí, từ báo in đến báo điện tử, góp phần tác động quan trọng đến nhận thức của các nhà quản lý và các tầng lớp xã hội, có sức lan truyền và ảnh hưởng đối với cộng đồng xã hội ngày càng rõ nét hơn.

Đề xuất một số giải pháp tăng cường tuyên truyền về công tác này trong thời gian tới, theo ông Bùi Văn Trạch các ban, ngành, cơ quan chức năng đặc biệt là Cục Bảo trợ xã hội và các cơ quan báo chí cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc đẩy mạnh truyền thông về phát triển nghề Công tác xã hội.

Các cơ quan báo chí cũng cần đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động của truyền thông nhằm tăng cường sự tác động cùng chiều đến sự phát triển lĩnh vực công tác xã hội; phối hợp liên kết truyền thông Đề án 32 với thông tin, truyền thông về các lĩnh vực kinh tế, luật pháp, đối ngoại, văn hóa…

ĐỨC MINH