Xuất phát từ thực tế nhiều hành khách đi máy bay đã bị mất, thất lạc hành lý hoặc tài sản trong hành lý ký gửi, nhằm thắt chặt hơn nữa an ninh tại các cảng Hàng không và đảm bảo quyền lợi của hành khách, Cục Hàng không đã mở đợt kiểm tra an ninh tại 3 Cảng hàng không Quốc tế lớn nhất cả nước là: Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng từ ngày 10-12/6/2015.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong năm 2014 đã ghi nhận 48 vụ việc mất, thất lạc hành lý. Từ đầu 2015 đến nay, cơ quan này cũng đã nhận báo cáo của 23 vụ việc mất tài sản trong hành lý ký gửi.
Bị rách, mất trước khi về nước
Sau hai ngày (10 và 11/6) kiểm tra an ninh khu vực vận chuyển hành lý ký gửi tại hai sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, Phó Cục trưởng Hàng không Đào Văn Chương đánh giá, tài sản trong hành lý ký gửi qua đường hàng không luôn tiềm ẩn nguy cơ bị mất cắp bởi khi vận chuyển quốc tế về Việt Nam, rất phổ biến tình trạng cơ quan an ninh các nước thường mở khóa để kiểm tra rồi gói lại bằng băng dính hoặc có thông báo bên trong hành lý.
Khi valy bị mở khóa kiểm tra thì nguy cơ mất tài sản trong quá trình vận chuyển sẽ rất cao, nhất là các chuyến bay quá cảnh qua nhiều nước.
Cục phó Đào Văn Chương phát hiện hành lý của khách từ Mỹ về Tân Sơn Nhất bị cắt đứt băng dính (ảnh nguồn Vietnamnet) |
“Chúng ta cần làm rõ những vụ việc hành lý bị mất mát trong trường hợp nào, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng một mất mười ngờ, làm mất uy tín của ngành hàng không trong nước”, ông Chương nói.
Trước đó khi đoàn thanh tra đang tiến hành kiểm tra an ninh tại khu vực vận chuyển, bốc xếp hàng hóa sân bay Tân Sơn Nhất và nhận được phán ảnh một hành khách người Việt từ Mỹ về cho biết, thùng hàng của bà đã quá cảnh qua Nga, Singapore, bị bung dây đai, có dấu hiệu bị mở và mất một gói thịt.
Sau khi kiểm tra, an ninh sân bay Tân Sơn Nhất cho biết, thùng hàng đã được bộ phận an ninh tại Mỹ (TSA) kiểm tra và dán tem niêm phong. Nhiều khả năng hộp thịt được phía Mỹ mang đi kiểm định.
Theo quy định nhân viên bốc xếp hàng hóa không được mặc quần áo có túi nhưng thực tế vẫn còn nhiều nhân viên phục vụ hành lý mặc trang phục có túi (ảnh nguồn Thanh niên) |
Từ thực thế này ông Trần Doãn Mậu - Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam cho rằng, hành lý càng quá cảnh nhiều thì càng có nguy cơ bị mất trộm.
Xí nghiệp thương mại mặt đất (TIGAS) báo cáo: 5 tháng qua có 16 hành khách đến sân bay Tân Sơn Nhất báo mất cắp tài sản trong hành lý, trong đó 9 chuyến bay từ nước ngoài về. Công ty phục vụ mặt đất (SAGS) thống kê có 3 hành khách mất hành lý từ nước ngoài về.
Có nguyên nhân khách quan dẫn đến hành khách dễ mất trộm đồ như trong các trường hợp hành lý bị va đập, rách vỡ khiến tài sản hành khách lộ ra, tạo điều kiện cho những người tiếp xúc có điều kiện trộm đồ trong kiện hành lý.
Theo ông Nguyễn Đức Tiến, Phó giám đốc Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, có trường hợp hành lý của hành khách đi chuyến bay nước ngoài bị an ninh sân bay nước bạn mở kiểm tra nhưng sau đó lại to tiếng đổ lỗi cho an ninh và hãng hàng không trong nước.
Cụ thể mới đây có một vị khách Việt kiều Mỹ khi nhận hành lý bị bung từ băng chuyền đã nổi cáu, chửi bới xúc phạm các nhân viên hàng không gây mất trật tự. Sau đó, valy được mở kiểm tra thì khách không thấy bị mất đồ, trong hành lý có giấy xác nhận đã mở khóa kiểm tra của Cục an ninh giao thông Mỹ.
Phát hiện tiêu cực
Tiếp tục kế hoạch kiểm tra an ninh tại sân bay Đà Nẵng, Thanh Niên đưa tin: Theo quy định nêu rõ nhân viên thực hiện công việc vận chuyển hành lý không được có túi, nhưng thực tế tại sân bay Đà Nẵng vẫn còn.
Tại buổi kiểm tra ở sân bay Đà Nẵng, Trung tâm An ninh hàng không sân bay này cho biết, việc vận chuyển hành lý theo một quy trình khép kín. Bên cạnh đó, công tác giám sát cũng được thực hiện rất chặt chẽ với việc lắp đặt 163 camera trong nhà ga sân bay và 11 camera giám sát ngay khu vực vận chuyển hàng để giám sát lực lượng vận chuyển, kiểm soát hàng trước khi lên máy bay.
Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đào Văn Chương cho rằng, nhân viên thực hiện công việc vận chuyển hành lý không được có túi, nhưng thực tế kiểm tra thì vẫn có.
Nhân viên bốc xếp hành lý tại sân bay Tân Sơn Nhất phải khám người sau ca làm việc. Ảnh: Đ.Loan - nguồn VnExprees |
Mặc dù nhân viên bốc xếp hành lý mặc quần áo có túi nhưng theo bộ phận an ninh sân bay, sau mỗi ca làm việc nhân viên bốc xếp đều được bộ phận an ninh khám người.
Cục phó Cục Hàng không Đào Văn Chương đặt câu hỏi “Liệu có hay không sự móc ngoặc, thông đồng giữa nhân viên sân bay với lực lượng bốc xếp để trộm đồ trong hành lý của khách?”.
Đặc biệt nếu có sự móc ngoặc của cả bộ phận an ninh sân bay thì rõ việc mất trộm tài sản hành khách là điều khó tránh khỏi.
Sau khi kiểm tra toàn bộ quy trình nhận và vận chuyển, giao hàng hóa của hành khách của 3 sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng, bước đầu ông Chương nhận định: Việc triển khai thực hiện những chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải về an ninh hàng không dù được triển khai kỹ nhưng trên thực tế vẫn xảy ra tiêu cực.
40 vụ báo mất hành lý ở sân bay Đà Nẵng
Theo Cảng HK quốc tế Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, tại Đà Nẵng có khoảng 40 trường hợp hành khách báo mất hành lý chưa rõ nguyên nhân.
Việc truy tìm thủ phạm cũng khá khó khăn, bởi theo ông Từ Văn Sửu, Phó giám đốc Trung tâm an ninh Hàng không Đà Nẵng, việc mất mát do từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là những hành khách transit nhiều nơi mới về đến sân bay Đà Nẵng.
Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Đào Văn Chương đánh giá: “Đà Nẵng có cách làm khá hay là để những hộp thư tố giác, để nhân viên có thể tố giác những hành vi không trung thực của các đồng nghiệp.
Dù vậy, việc này cũng chỉ mang tính răn đe. Việc mức lương của các lao động nhân viên phục vụ hành lý quá thấp, chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng nên không tạo được tâm lý an toàn cho họ, họ sẵn sàng bỏ việc bởi có thể kiếm việc khác với mức lương này dễ dàng.
Vì vậy, trong số những giải pháp nghiên cứu tránh mất cắp hành lý cần quan tâm đến vấn đề này. Cũng cần có những chế tài xử lý mạnh để răn đe hành vi trộm cắp trong sân bay!” - Theo Thanh Niên.