Trung Quốc "nhét" 5 triệu lao động vào các dự án đầu tư ở nước ngoài

16/06/2015 13:22
Nguyễn Hường
(GDVN) - Bloomberg quan ngại về việc Trung Quốc có thể sử dụng 5 triệu công dân của họ đang lao động ở nước ngoài như một cái cớ cho sự tham gia vào chiến tranh.

Tờ Bloomberg ngày 16/6 tỏ ra quan ngại về việc Trung Quốc có thể sử dụng 5 triệu công dân của họ đang lao động ở nước ngoài như một cái cớ cho sự tham gia của họ vào các cuộc chiến tranh trong tương lai.

Theo Bloomberg, Trung Quốc có hàng tỷ USD đầu tư ở nước ngoài. Đi kèm với các khoản đầu tư như xây dựng đường ống năng lượng và đường xá, đập thủy điện ở các điểm nóng là Nam Sudan, Yemen và Pakistan, trong những năm gần đây Trung Quốc đã đặt ra điều kiện là phải cho phép các công nhân của họ sang thực hiện dự án. 

Một kỹ sư Trung Quốc đứng giám sát công nhân xây dựng một cây cầu ở Ghari Dopatta, Pakistan Kashmir. Nhiếp ảnh gia: Sajjad Qayyum / AFP / Getty Images.
Một kỹ sư Trung Quốc đứng giám sát công nhân xây dựng một cây cầu ở Ghari Dopatta, Pakistan Kashmir. Nhiếp ảnh gia: Sajjad Qayyum / AFP / Getty Images​.

​Jonas Parello-Plesner và Mathieu Duchatel, đồng tác giả của cuốn "China’s Strong Arm: Protecting Citizens and Assets Abroad” (Quân đội mạnh mẽ của Trung Quốc: Bảo vệ công dân và tài sản ở nước ngoài), ước tính có khoảng 5 triệu công dân Trung Quốc đang làm việc ở nước ngoài. Ước tính này cao gấp 5 lần con số được Bộ Thương mại Trung Quốc ban hành chính thức. 

David Tweed, tác giả bài viết trên tờ Bloomberg cho rằng hậu quả của các điều khoản này có thể kéo theo sự việc quân đội Trung Quốc sẽ hiện diện tại các quốc gia trên danh nghĩa của cái gọi là "bảo vệ hoặc giải cứu công dân của họ".

Parello-Plesner và Duchatel ước tính khoảng 80 công dân Trung Quốc đã thiệt mạng ở nước ngoài từ năm 2004 đến năm 2014. Trung Quốc đã từng điều tàu hải quân đến vùng biển Yenmen hồi tháng 4 năm nay để giải cứu 629 công dân Trung Quốc và 279 người nước ngoài thoát khỏi tình trạng bạo động leo thang. Đây là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc tham gia sơ tán các công dân ở nước ngoài. 

Điều đó có thể sẽ đi ngược với chính sách mà Bắc Kinh thường tuyên bố là "không can thiệp vào vấn đề nội bộ của các nước khác" mà Trung Quốc từng lấy làm lý do từ chối tham gia các chương trình trừng phạt Nga và Syria của phương Tây.

"Do Trung Quốc không có khả năng công khai từ bỏ nguyên tắc không can thiệp nên càng có sự biến động trong cách họ áp dụng nó", Alexander Sullivan - một chuyên gia tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ ở Washington cho biết.

Với kế hoạch xây dựng tuyến đường thương mại "con đường tơ lụa", Trung Quốc dự kiến sẽ thu hút được nhiều hơn nữa các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở Trung Á, Ấn Độ Dương, từ Trung Đông đến châu Âu. Dấu ấn của Trung Quốc ở nước ngoài có thể sẽ còn mở rộng hơn nữa. Điều này sẽ buộc Bắc Kinh phải có cách tiếp cận chủ động hơn để bảo vệ lợi ích và sự an toàn của công dân của mình ở nước ngoài.

Bản đồ cho thấy sự hiện diện của lao động Trung Quốc tại 25 quốc gia trong khoảng năm 2005-2014.
Bản đồ cho thấy sự hiện diện của lao động Trung  Quốc tại 25 quốc gia trong khoảng năm 2005-2014.

​"Bảo vệ công dân và quyền lợi ở nước ngoài, đặc biệt là với các dự án lớn mới như con đường tơ lụa, có khả năng là một chiến lược dài hạn rất quan trọng cho sự phát triển của Trung Quốc như một cường quốc lớn," Parello-Plesner, một nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Đan Mạch ở Washington cho biết. "Cách Trung Quốc hành xử ở phần khác của thế giới sẽ là một phép thử trên đường đưa họ tới vị trí quyền lực hơn nữa".

Sự mở rộng hiện diện của Trung Quốc ở nước ngoài trong bối cảnh nước này đang là một cường quốc quân sự mới nổi đã khuấy động các cuộc xung đột với láng giềng và căng thẳng trong quan hệ với Mỹ đang thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà phân tích.

Sự tham gia lớn hơn của Trung Quốc trong các dự án trên toàn thế giới bên cạnh việc mở rộng sức mạnh quân sự của mình đến tìm cách triển khai sức mạnh của mình ở nước ngoài đã thách thức một thập kỷ thống trị của trật tự kinh tế và chiến lược toàn cầu của Mỹ. Nó khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ phải tranh luận gay gắt về việc có nên tìm cách để thích ứng với sự trỗi dậy của Trung Quốc hay để tìm cách ngăn chặn nó.

Sllivan cho biết, Sudan và Nam Sudan đã là một thử nghiệm cho chính sách Trung Quốc. Sau sự bùng nổ của cuộc nội chiến ở Nam Sudan, Trung Quốc đã thuyết phục các thành viên khác của Hội đồng Bảo an mở rộng nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở miền Nam Sudan, nơi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc có mỏ dầu ở đó. Theo quyết định của Liên Hợp Quốc, Trung Quốc đã điều động 700 binh sĩ tới Nam Sudan để thực hiện sứ mệnh này. 

Sự can thiệp ra nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc là ở Libya vào năm 2011, khi 35.000 công nhân được đưa về nước khi cuộc nổi dậy chống lại chính quyền Muammar Gaddafi bắt đầu.  

Khi "con đường tơ lụa" được hình thành, Pakistan sẽ trở thành một trong những rủi ro lớn nhất đối với sự an toàn của các công nhân Trung Quốc. Trung Quốc đã đầu tư 1,46 tỉ USD xây dựng đập Karot trên sông Jhelum ở miền bắc Pakistan. Trước khi công bố dự án, Pakistan đã đồng ý đào tạo một lực lượng an ninh mạnh mẽ gồm 10.000 người để bảo vệ công dân của Trung Quốc. Con đường tơ lụa chạy qua Baluchistan, một tỉnh thường xuyên xảy ra các cuộc nổi dậy chết người của Pakistan./.

Nguyễn Hường