Chính phủ chịu trách nhiệm những gì trước Quốc hội?

19/06/2015 11:01
Anh Dũng
(GDVN) - Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về các quyết định, chủ trương, kết quả, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy hành chính...

Sáng nay (19/6), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) với 83% Đại biểu có mặt tán thành.

Bổ sung trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng

Một số nội dung quan trọng sau khi có ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội đã được tiếp thu, điều chỉnh.

Thứ nhất, đối với đề nghị bổ sung các quy định về trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ cho tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao;

Làm rõ trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ; trách nhiệm trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân; trách nhiệm trong việc tổ chức điều hành bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ và thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật.

Tiếp thu ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát các quy định trong dự thảo và đề nghị Quốc hội cho bổ sung, chỉnh lý các nội dung quy định về trách nhiệm của các chủ thể này, cụ thể:

Bổ sung quy định: “Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về các quyết định, chủ trương, chính sách của mình; về kết quả, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước; về các chủ trương, chính sách do mình đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền” (khoản 1 Điều 27);

Bổ sung quy định trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ: “Chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương; về các quyết định và kết quả thực hiện các quyết định của mình trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao” (khoản 1 Điều 29); “giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội” (khoản 2 Điều 29).

83% Đại biểu Quốc hội có mặt đã đồng ý thông qua dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). ảnh: TTBC Quốc hội
83% Đại biểu Quốc hội có mặt đã đồng ý thông qua dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). ảnh: TTBC Quốc hội

Bổ sung quy định Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm “về kết quả, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ, cơ quan ngang bộ, về các quyết định và kết quả thực hiện các quyết định của mình trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao” (khoản 1 Điều 37); có trách nhiệm “giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội” (khoản 2 Điều 37). 

Không quy định cứng số lượng Phó Thủ tướng 

Tuy nhiên, cũng có một số nội dung sau khi có ý kiến của Đại biểu Quốc hội thì vẫn được giữ nguyên như dự thảo:

Về cơ cấu tổ chức và thành viên của Chính phủ: Có ý kiến đề nghị quy định rõ số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ hoặc quy định cụ thể một số bộ, cơ quan ngang bộ đã ổn định trong Luật (ví dụ như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao...), còn những bộ, cơ quan ngang bộ khác thì có thể tùy theo yêu cầu quản lý, tình hình phát triển của đất nước trong từng thời kỳ mà trình Quốc hội quyết định.

Về vấn đề này, như Ủy ban thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội tại Báo cáo số 873/BC-UBTVQH13, việc không quy định cứng số lượng cũng như tên gọi các bộ, cơ quan ngang bộ trong luật sẽ tạo điều kiện chủ động hơn để Quốc hội quyết định cơ cấu của Chính phủ phù hợp với thực tiễn và yêu cầu tổ chức bộ máy của Chính phủ trong từng thời kỳ phát triển của đất nước.

Đồng thời, bảo đảm cho Chính phủ thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước của mình. Quy định như vậy phù hợp với các quy định của Hiến pháp. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định trong dự thảo luật.

Chính phủ chịu trách nhiệm những gì trước Quốc hội? ảnh 2

Quốc hội nghỉ họp sớm: Đại biểu đồng tình hay thiếu nhiệt huyết?

Đối với ý kiến đề nghị quy định rõ số lượng thành viên Chính phủ phải bảo đảm phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới; đề nghị quy định tỷ lệ nữ tham gia Chính phủ ít nhất là 20%.

Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc bảo đảm yêu cầu về bình đẳng giới trong tổ chức bộ máy nhà nước ta nói chung cũng như trong cơ cấu tổ chức của Chính phủ nói riêng là một chủ trương lớn, quan trọng luôn được Đảng và Nhà nước ta chú trọng, quan tâm, bảo đảm.

Tuy nhiên, tỷ lệ nữ tham gia Chính phủ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, từ yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình nhân sự thực tế cụ thể của mỗi nhiệm kỳ Chính phủ để bố trí, quyết định. Do đó, đề nghị Quốc hội cho phép không quy định “cứng” tỷ lệ nữ tham gia Chính phủ trong luật.

Đối với ý kiến đề nghị quy định Thủ tướng Chính phủ là đại biểu Quốc hội còn các thành viên khác của Chính phủ không đồng thời là đại biểu Quốc hội.

Ủy ban thường vụ Quốc hội xin được báo cáo như sau: bộ máy nhà nước ta được tổ chức theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Trong đó, Chính phủ không chỉ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp mà còn là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Do đặc điểm của hệ thống chính trị nước ta, Quốc hội không phải là cơ quan hoạt động thường xuyên, chuyên trách, nên việc bố trí một số thành viên Chính phủ đồng thời là đại biểu Quốc hội là cần thiết để bảo đảm mối quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định như trong Dự thảo Luật.

Đối với đề nghị quy định rõ số lượng Phó Thủ tướng Chính phủ trong Luật nhằm bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo đảm sự giám sát của Nhân dân.

Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy định của Hiến pháp, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng là thành viên Chính phủ; đồng thời, Hiến pháp quy định, số lượng thành viên Chính phủ do Quốc hội quyết định.

Trên cơ sở quyết định số lượng thành viên Chính phủ, Quốc hội sẽ quyết định cụ thể số lượng Phó Thủ tướng Chính phủ. Do đó, đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định số lượng Phó Thủ tướng Chính phủ trong dự thảo luật.

Anh Dũng