Cẩu thả...
Trận giông lớn xảy ra hôm 13/6 khiến cả ngàn cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội bị quật ngã. Đáng chú ý, trong số đó có nhiều cây sau khi bật gốc lộ nguyên bầu được bọc kín bằng lưới, nilon…
Bình luận về vấn đề này, hôm 19/6, trao đổi với Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải (biệt danh ông già Ozon) cho rằng, đây là hành vi cẩu thả, gian lận, làm ăn chụp giật, thiếu trách nhiệm.
“Về nguyên tắc, khi cây trồng được đưa lên khỏi mặt đất, cần phải giữ bầu đất kết dính với phần rễ cây, bọc bằng lưới, nilon, nhằm đảm bảo quá trình trao đổi chất diễn ra ở cây xanh.
Nếu trồng cây không cắt bỏ bọc bầu thì cây hấp thụ chất dinh dưỡng từ môi trường bên ngoài sẽ kém. Điều này dẫn đến việc cây trồng không phát triển được hoặc sẽ chết không lâu sau khi trồng", Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải phân tích.
Cây mới được trồng khi bị bật gốc trên đường Khuất Duy Tiến thì "lộ" nguyên bọc bầu (ảnh: Báo Lao động) |
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, việc trồng cây không cắt túi bọc bầu là hành vi cẩu thả, khó chấp nhận.
“Đây là chuyện lạ ở Việt Nam. Trên thế giới này không có nơi nào trồng cây không cắt vỏ bọc bầu. Tôi cho rằng, trong quá trình trồng, chăm sóc cây, đơn vị chịu trách nhiệm đã không tuân thủ các thao tác kỹ thuật. Mặt khác họ chưa tính toán trong việc chọn, chăm sóc cây để phù hợp khi trồng trong đô thị…”
Từ những phân tích trên, Tiến sĩ Khải cho rằng, trách nhiệm để xảy ra những sự cố vừa qua thuộc về đơn vị quản lý, thi công: “Không lẽ trong quá trình thực hiện, không có đơn vị kiểm tra giám sát, để công nhân trồng cây để nguyên bọc bầu?
Do vậy, cần phải làm rõ trách nhiệm của đơn vị quản lý, thi công trong vấn đề này”, Tiến sĩ Khải đề nghị.
Theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch các ngành
Sinh học Việt Nam, việc cây bị đổ lộ bọc bầu là do kỹ thuật trồng chưa đảm bảo.
"Bên cạnh đó, phải có kế hoạch chống đỡ cho những cây non mới trồng, tránh gãy, đổ”, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho biết.
Cần có hội thảo khoa học về cây xanh
Nhiều chuyên gia cho rằng, từ sự việc cả nghìn cây xanh bị bật gốc, đổ, gãy, cũng cho thấy vấn đề quy hoạch cây xanh trong đô thị còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Để tránh những thiệt hại tương tự có thể xảy ra, cơ quan quản lý cần thực hiện lộ trình khoa học trong việc quy hoạch cây xanh đô thị.
“Cơ quan hữu quan cần mở một cuộc hội thảo để đánh giá xem nên trồng loại cây nào trong đô thị? Từ đó chọn cây trồng phù hợp với từng địa thế, chất đất, môi trường…
Thực hiện quy hoạch cây xanh đô thị một cách căn bản, toàn diện, tránh trường cây vừa trồng đã bật gốc...
Nếu thực hiện được điều này, sẽ hạn chế rất nhiều những tác động tiêu cực từ cây xanh đối với môi trường, con người khi gặp hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải nêu quan điểm.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải (ảnh: Báo Đất việt) |
Đồng quan điểm trên, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Việc cần làm ngay bây giờ là thống kê số cây bị đổ gồm những cây gì, trạng thái khi đổ ra sao?
Từ đó phải nghiên cứu đầy đủ, để làm quy hoạch cho các dự án trồng cây xanh ở Hà Nội.
Bởi việc thay thế cây phụ thuộc vào nhiều yếu tố (đất, khí hậu...). Một đường phố không phải chỗ đất nào cũng tốt như nhau. Do vậy, không thể quy hoạch cây theo ý chí của con người được", Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh.
Trong một diễn biến có liên quan, hôm 16/6 tại buổi họp báo do thành ủy Hà Nội tổ chức, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, sau khi nhận được chỉ đạo của thành phố về vụ việc có liên quan, Sở đã giao cho các đơn vị tiến hành kiểm tra.
Nếu phát hiện vi phạm về quy trình trồng cây sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Bên cạnh đó, Sở đang tiến hành rà soát, kiểm tra cụ thể doanh nghiệp nào trồng các loại cây để nguyên bọc nilon, đồng thời thông tin rộng rãi tới báo chí khi có kết quả.