Tờ Financial Times ngày 21/6 bình luận, trong suốt các cuộc đàm phán căng thẳng kéo dài giữa Hy Lạp và các chủ nợ, Mỹ chỉ ngồi trên ghế dự bị. Nhưng khi Hy Lạp đang lấp ló trên bờ vực phá sản, Washington mới bắt đầu lo lắng về các hậu quả chính trị và sốt sắng tìm cách tách Athens ra khỏi Moscow.
Theo tạp chí này, chính quyền Barack Obama đang tăng cường đoàn kết trong mặt trận chống lại Nga ở phương Tây. Washington lo ngại về những hậu quả chính trị từ cuộc khủng hoảng kinh tế tại Hy Lạp và tiềm năng Nga gia tăng ảnh hưởng tại quốc gia thành viên NATO này cũng như khả năng có thể sẽ lôi kéo thêm các đồng minh khác của Mỹ ở châu Âu.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (trái) và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev. Ảnh Rian. |
Theo một nghiên cứu của Sebastian Mallaby, một thành viên cấp cao tại Hồi đồng Chính sách đối ngoại Hoa Kỳ, cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp đã cho Nga cơ hội mở rộng "hiện diện địa chính trị" tại châu Âu.
Chuyến thăm Petersburg tham dự một diễn đàn kinh tế của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras gần đây là bằng chứng cho thấy có một sự hiện hữu của "các kết nối chính trị" giữa chính phủ Hy Lạp với Tổng thống Vladimir Putin. Đồng thời nó cho thấy ý định của Athens muốn tìm kiếm sự giúp đỡ của Moscow để giải quyết các bất đồng đặc biệt nghiêm trọng với các chủ nợ của mình. Chuyến đi đã củng cố cho các suy đoán nói rằng Moscow có thể sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho Athens.
Phản ứng trước đồn đoán trên, nhà phân tích Thomas Wright của Viện Brookings ở Washington cho rằng, Nga không phải là một thị trường tiềm năng của Hy Lạp và cũng chưa từng là một lựa chọn kinh tế đối với Athens trước cuộc khủng hoảng. Hơn nữa, nền kinh tế của chính Nga cũng đang bị tổn thương bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây nên tiềm năng hỗ trợ kinh tế cho Hy Lạp của Moscow không nhiều.
Nỗi sợ hãi lớn nhất của Mỹ hiện nay là khủng hoảng kinh tế ở Hy Lạp kéo dài có thể làm gia tăng sự thù địch chính trị với phần còn lại của châu Âu trong lòng các cử tri Hy Lạp. Điều đó sẽ mở ra cho Nga một cơ hội để tăng ảnh hưởng của mình tại quốc gia này cũng như các phần khác của châu Âu, Financial Times nhận định.
Trong suốt cuộc khủng hoảng Ukraine, Moscow đã nỗ lực rất nhiều để làm suy yếu các biện pháp trừng phạt của EU vốn đòi hỏi phải có sự nhất trí từ 28 thành viên của khối. Để làm suy yếu các biện pháp trừng phạt, Moscow đã tìm cách phá vỡ sự đoàn kết trong khối thông qua khuyến khích tâm lý chính trị ủng hộ Nga ở Hungary, ở đông nam châu Âu phần lớn thông qua các chương trình ngoại giao năng lượng.
Theo Financial Times, trong vài tháng gần đây chính quyền Tổng thống Barack Obama đã nhận thức được mối đe dọa từ sự gần gũi hơn trong quan hệ Nga-Hy Lạp và tìm mọi cách để ngăn chặn điều này.
Bên cạnh việc nhiều lần thúc giục Đức và các thành viên khác của EU phải tìm kiếm được một giải pháp cho vấn đề Hy Lạp, Mỹ và các lãnh đạo EU cũng thúc đẩy các tuyên bố cũng như các biện pháp đoàn kết khối và lập trường chống lại Nga./.