Kiều bào tại Đức xuống đường phản đối Trung Quốc xâm phạm Biển Đông

23/06/2015 06:23
Trương Anh Tú
(GDVN) - Ngày 21/6, tại Frankfurt Main - CHLB Đức diễn ra cuộc biểu tình đòi Trung Quốc phải chấm dứt ngay các hoạt động xây dựng và chiếm đóng trái phép ở biển Đông.

LTS: Những hình ảnh dưới đây được độc giả Trương Anh Tú gửi về Tòa soạn từ CHLB Đức. Cuộc biểu tình trong hòa bình đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo bạn bè quốc tế. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Tiếp theo những tiếng nói đòi hòa bình và công lý cho biển Đông, ngày 21/6/2015 tại thành phố Frankfurt Main - CHLB Đức đã diễn ra cuộc biểu tình của đông đảo bà con người Việt và những người bạn quốc tế, đòi Trung Quốc phải chấm dứt ngay các hoạt động xây dựng và chiếm đóng trái phép tại biển Đông.

Mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng những đoàn người từ rất xa (nơi xa nhất cách địa điểm biểu tình khoảng 600 Km), từ Schwerin, Berlin, Trier, Augsburg, Erfurt, Nürnberg… vẫn đổ vể Frankfurt để cùng xuống đường, phản đối những hành động phi pháp của Trung Quốc.

Ảnh trước Tổng lãnh sự quán Trung Quốc
Ảnh trước Tổng lãnh sự quán Trung Quốc

Cuộc biểu tình tuần hành bắt đầu tại Tổng lãnh sự quán Trung Quốc, với rất nhiều những tấm biểu ngữ bằng nhiều thứ tiếng: “Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp và công ước quốc tế”, “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”, “Đoàn kết chống Trung quốc xâm lược”, “Việt Nam yêu hòa bình”…

Người nước ngoài tham gia biểu tình
Người nước ngoài tham gia biểu tình

Trong lời phát biểu mở đầu cuộc biểu tình, chị Nguyễn Bích Nga - đại diện cho Liên Hiệp người Việt tại CHLB Đức, trưởng ban tổ chức cuộc biểu tình nhấn mạnh: “Biển Đông đang gọi! Biển Đông đang rất cần những tiếng nói của sự thật và lẽ phải để chặn đứng cái ác!... Hành động xâm lược biển Đông của Trung Quốc cần phải bị cả thế giới tố cáo và lên án đanh thép”!

Những người tham gia biểu tình đã dành một phút tưởng niệm tưởng nhớ những người con đất Việt đã ngã xuống để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền thiêng liêng của đất nước.

Ca khúc “Trái tim Việt Nam” – một ca khúc được Trương Anh Tú sáng tác trong những ngày xuống đường ngay tại Frankfurt phản đối Trung Quốc dùng giàn khoan 981 xâm phạm chủ quyền Việt Nam, cũng được vang lên trong cuộc biểu tình này, với những lời ca mạnh mẽ: “Hãy nghe Hoàng Sa nói – từ ngàn năm giống nòi / Hãy nghe Trường Sa nói – từ trái tim Việt Nam”.

Một điểm đặc biệt đáng mừng dễ nhận thấy trong cuộc biểu tình là sự hiện diện của rất nhiều những thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên người Việt, là thế hệ thứ hai sinh ra tại Đức. Dường như các bạn trẻ đang làm nòng cốt cho cuộc biểu tình!


Được biết, có cháu đang là học sinh lớp 11 của một trường phổ thông trung học đã hăng hái dịch bản: “Lời kêu gọi tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc” từ tiếng Việt sang tiếng Anh, rồi cùng Ban tổ chức đọc và diễn thuyết tại cuộc biểu tình.

Một bản Kháng thư cũng được Ban tổ chức dõng dạc tuyên bố trước Tổng lãnh sự quán Trung Quốc và sẽ được chuyển cho cơ quan ngoại giao của Trung Quốc tại đây. 

Kháng thư có đoạn: “Những tranh chấp tại biển Đông - nơi có lượng tàu thuyền, vận tải hàng hóa nhiều bậc nhất trên thế giới, cần phải được giải quyết bằng con đường đối thoại đa phương, bằng pháp luật và các công ước quốc tế...Vì hòa bình và công lý, vì sự phát triển chung của nhân loại, chúng tôi hy vọng và khẩn thiết kêu gọi chính phủ Trung Quốc hãy hành động có trách nhiệm, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, của các nước láng giềng trong khu vực, thực thi luật biển và các công ước quốc tế”!...

Sau gần 2 tiếng biểu tình trước Tổng lãnh sự quán Trung Quốc, đoàn biểu tình đã đi qua các con phố, tiến về quảng trường Römerberg, nơi có Tòa thị chính của thành phố Frankfurt. 

Tại quảng trường Römerberg
Tại quảng trường Römerberg

Những lá cờ, những tấm biểu ngữ, những tà áo dài Việt Nam cùng những tiếng hô vang dội của đoàn tuần hành đã gây sự chú ý và cảm tình cho những người Đức và rất đông khách du lịch quốc tế. 

Một số lượng lớn những tờ rơi đã được phân phát cho những người đứng hai bên đường theo dõi cuộc biểu tình, để họ được hiểu rõ hơn những hành động sai trái, bất chấp luật pháp và các chuẩn mực quốc tế của Trung Quôc hiện nay.

Khi qua cầu trên sông Main, mặc dù trời mưa nhưng đoàn biểu tình vẫn giữ vững đội hình, già trẻ, gái trai cùng sát cánh, tỏ rõ tinh thần kiên quyết đấu tranh chống Trung Quốc xâm lược.

Cuộc biểu tình kết thúc trong tiếng nhạc của những ca khúc "Dậy mà đi", "Nối vòng tay lớn"… với bao tấm lòng đang đau đáu hướng về Tổ Quốc!

Sau đây là một số ảnh đoàn tuần hành mà tác giả Trương Anh Tú ghi lại được:

Trương Anh Tú