Mỹ-Nhật-Phi tăng cường hợp tác quân sự, tác dụng kiềm chế Trung Quốc

24/06/2015 04:48
Đông Bình (nguồn báo Hoàn Cầu)
(GDVN) - Mỹ-Nhật-Philippines một khi đã sử dụng trang bị tương đồng và thông qua diễn tập để tăng cường phối hợp sẽ tạo ra mối đe dọa to lớn đối với Hải quân Trung Quốc
Mỹ và Malaysia trong một cuộc diễn tập liên hợp trên Biển Đông (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Mỹ và Malaysia trong một cuộc diễn tập liên hợp trên Biển Đông (nguồn mạng sina Trung Quốc)

Philippines mua vũ khí, tập trận chung, cùng Mỹ-Nhật kiềm chế Trung Quốc

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 23 tháng 6 dẫn tờ "Nihon Keizai Shimbun" Nhật Bản ngày 21 tháng 6 đưa tin, Philippines đang tăng cường quân bị, ngân sách quốc phòng năm 2015 đạt 144,5 tỷ Peso (1 Peso khoảng 0,14 nhân dân tệ), tăng khoảng 2 lần so với 5 năm trước.

Máy bay chiến đấu mà Philippines gần đây đặt mua của Hàn Quốc cũng sắp bàn giao sử dụng. Gần đây, Philippines cũng đã lần đầu tiên tiến hành diễn tập liên hợp với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Mục đích là thông qua tăng cường hợp tác với Nhật Bản và Mỹ để kiềm chế Trung Quốc.

Theo bài báo, trong cuộc hội đàm của các nhà lãnh đạo Nhật Bản-Philippines tổ chức vào tháng này, nhà lãnh đạo hai nước đã bày tỏ đặc biệt lo ngại đối với công trình lấn biển do Trung Quốc tiến hành (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), đồng thời đạt được đồng thuận về khởi động đàm phán Philippines nhập khẩu vũ khí trang bị của Nhật Bản.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản và Philippines tiến hành diễn tập chống cướp biển ở vịnh Manila ngày 6 tháng 5 năm 2015
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản và Philippines tiến hành diễn tập chống cướp biển ở vịnh Manila ngày 6 tháng 5 năm 2015

Theo bài báo, năm 2014, Philippines quyết định chi 18,9 tỷ Peso mua 12 máy bay chiến đấu FA-50 do Hàn Quốc sản xuất, dự tính năm nay sẽ có vài máy bay chiến đấu bàn giao sử dụng. Nước này còn có kế hoạch mua sắm 2 tàu hộ vệ.

Năm 2013, Trung Quốc ám chỉ có thể thiết lập (đơn phương, phi pháp) Vùng nhận dạng phòng không Biển Đông, Philippines không sở hữu máy bay chiến đấu, nên đã bộc lộ vấn đề không thể tiến hành hành động cất cánh khẩn cấp.

Một phần nguyên nhân Trung Quốc đẩy nhanh công trình lấn biển (bất hợp pháp) cũng là đã thấy được điểm yếu về thực lực quân sự của Philippines.

Bài báo cho rằng, mặc dù Philippines muốn tiến hành hiện đại hóa trang bị quân sự, nhưng so với các nước xung quanh thì họ vẫn rất yếu. Đối với Philippines, tăng cường hợp tác với Nhật Bản và Mỹ mới là trọng điểm.

Hạm đội liên hợp Nhật Bản-Philippines tiến hành tập trận ở Biển Đông (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Hạm đội liên hợp Nhật Bản-Philippines tiến hành tập trận ở Biển Đông (nguồn mạng sina Trung Quốc)

Bắt đầu từ ngày 22 tháng 6, Hải quân Philippines tiến hành diễn tập liên hợp với Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Mặc dù diễn tập lấy tìm kiếm cứu nạn làm mục đích, nhưng máy bay tuần tra P-3C nổi tiếng với năng lực dò tìm và trinh sát tàu ngầm của Lực lượng Phòng vệ Biển cũng tham gia.

Mặc dù vào tháng 5, Lực lượng Phòng vệ đã từng tiến hành diễn tập liên hợp với Philippines, nhưng đây lại là lần đầu tiên tiến hành diễn tập liên hợp ở khu vực xung quanh Trường Sa.

Do khoảng cách bay của máy bay tuần tra P-3C ngắn, nếu như có căn cứ tiếp dầu và tiếp tế ở Philippines, sẽ có thể thực hiện hành động trinh sát tiện lợi hơn. Chính phủ Philippines có kế hoạch tiến hành chuẩn bị cho thúc đẩy ký kết hiệp định liên quan để Lực lượng Phòng vệ thường trú ở Philippines.

Máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 do Hàn Quốc sản xuất, Philippines đặt mua 12 chiếc
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 do Hàn Quốc sản xuất, Philippines đặt mua 12 chiếc

Máy bay săn ngầm P-3C đe dọa tàu ngầm Trung Quốc trên Biển Đông

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 23 tháng 6 cũng cho rằng, cuộc diễn tập liên hợp Mỹ-Philippines lần này mặc dù tiến hành ở khu vực lân cận Philippines, nhưng thực ra là một cuộc diễn tập do Mỹ đóng vai trò chính.

Cuộc huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trên biển liên hợp này được gọi là diễn tập CARAT, do cụm tiếp tế hậu cần Tây Thái Bình Dương Hải quân Mỹ (đội đặc nhiệm 73) hoạch định thống nhất, là cuộc diễn tập thường lệ đa phương giữa Mỹ và các nước Đông Nam Á.

Do những năm gần đây Mỹ thực hiện chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương", cuộc diễn tập này được coi là bố trí chiến lược can thiệp tranh chấp chủ quyền Biển Đông của Mỹ.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Nhật Bản
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Nhật Bản

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cho rằng, Mỹ-Nhật-Philippines một khi đã sử dụng trang bị tương đồng, lại thông qua diễn tập để tăng cường phối hợp ngầm, sẽ tạo ra mối đe dọa rất lớn đối với Hải quân Trung Quốc, đặc biệt là tàu ngầm ra vào Biển Đông.

Bởi vì, máy bay tuần tra săn ngầm P-3C có hệ thống thông tin và liên kết dữ liệu tương đồng, một khi bên nào tìm kiếm thông tin tình báo liên quan thì có thể lập tức tiến hành chia sẻ và liên kết với hai bên khác, đồng thời áp dụng hành động liên hợp ở Biển Đông.

Hiện nay, năng lực tuần tra trên biển của Philippines rất yếu, sở hữu máy bay tuần tra săn ngầm P-3C sẽ có thể tiến hành tuần tra tìm kiếm trên diện tích lớn, tốc độ cao, hơn nữa năng lực săn ngầm của máy bay P-3C rất mạnh, điều này có thể tạo ra mối đe dọa khá lớn đối với hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc trên Biển Đông.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Nhật Bản
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Nhật Bản

Đồng thời, P-3C cũng có năng lực tấn công rất mạnh, không chỉ có thể săn ngầm, mà còn có thể tấn công các mục tiêu mặt nước và mục tiêu đảo đá.

Tuy nhiên, Lý Kiệt cho rằng, Trung Quốc cũng sẽ áp dụng biện pháp ứng phó tương ứng, điều này vừa bao gồm phát triển về trang bị, vừa bao gồm ứng dụng và tập luyện chiến thuật và phương pháp tác chiến mới nhất. 

Đông Bình (nguồn báo Hoàn Cầu)