LTS: Trên Biển Đông, nhà chức trách Trung Quốc đang có nhiều hành động gây rối, trong đó, có nhiều việc làm thiếu tính nhân văn với các tàu đánh bắt thủy, hải sản của ngư dân Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế chỉ rõ và lên án.
Do đó, thời điểm hiện tại sóng gió không còn là nỗi nguy hiểm duy nhất của người ngư dân, mà cạnh đó còn nhiều mối nguy hiểm đang ẩn mình rình rập họ qua từng chuyến ra khơi.
Giờ đây, mỗi chuyến ra khơi của ngư dân không chỉ còn là nỗi lo cơm áo gạo tiền mà họ đã trở thành những cột mốc sống để khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Để nắm rõ cuộc sống, tinh thần ra khơi bám biển để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ Quốc từ những người ngư dân, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có 8 ngày cùng tàu cá ngư dân tỉnh Nghệ An ra khơi đánh bắt tại ngư trường Vịnh Bắc Bộ...
Mỗi tháng chỉ nghỉ 10 ngày trăng sáng
Nghệ An có hơn 4.000 tàu, thuyền đánh bắt thủy hải sản, với hơn 19.000 lao động đang hành nghề. Huyện Quỳnh Lưu cũng là địa phương có lượng tàu, thuyền đánh bắt hải sản lớn với hơn 1.200 chiếc, trong đó số lượng tàu thuyền công suất lớn đánh bắt xa bờ chiếm đa số.
Các xe tải đang chở đá ướp cá đến cho tàu cá "ăn" để chuẩn bị ra khơi (ảnh Xuân Hòa) |
Riêng xã Quỳnh Long, hiện có 184 tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản. Trong đó, có 113 chiếc công suất lớn đánh bắt xa bờ (trên 90CV) và 71 tàu thuyền công suất nhỏ (dưới 90CV).
Trong 113 tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn có đến 67 tàu hành nghề đánh cá bằng lưới vây, số còn lại là tàu đánh bắt mực.
Sau gần 2 tuần liên lạc, ngày 17/6, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã được ông Trần Quang Vệ - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long liên hệ giúp để lên tàu cá NA 90567 TS ra ngư trường cùng ngư dân.
Cũng như hầu hết các tàu cá khác tại Nghệ An, tàu cá NA 90567 TS chuyên đánh cá bằng lưới vây xa bờ ở khu vực Vịnh Bắc Bộ.
Các thuyền viên trên tàu cá NA 90567 TS đang cho đá đã được xay vào các hầm lạnh trên tàu (ảnh Xuân Hòa) |
“Tàu về là tôi liên lạc với các chú ngay để ra cho kịp còn lên tàu. Tàu đánh cá xa bờ chỉ về 1 ngày để bán cá và tiếp nhu yếu phẩm là lại ra khơi ngay.
Trong khi giữa biển sóng điện thoại không có nên không thể liên lạc với các ngư dân được”, ông Vệ cho biết ngay khi vừa gặp chúng tôi.
14 giờ ngày 17/6, khi chúng tôi có mặt tại cảng cá Lạch Quèn (thuộc xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu) nơi tàu xá NA 90567 TS đang neo đậu. Lúc này trời đang nắng như đổ lửa nhưng bên hông tàu các xe tải chở đá chở hàng trăm cây đá cho tàu cá này “ăn” để chuẩn bị lên đường.
Trên boong tàu thuyền trưởng tàu cá NA 90567 TS – Trần Văn Định đang chỉ đạo các thuyền viên chuyển đá đã được xay nhỏ vào các hầm lạnh. Phía dưới các hầm lạnh các thuyền viên thay nhau xuống hầm lạnh để cào đá lạnh được băng tải chuyển xuống đều các hầm.
Các thuyền viên khác trên tàu đang may và sửa lại lưới để chuẩn bị cho chuyến ra khơi cận kề (ảnh Xuân Hòa) |
“Nghề đánh cá bằng lưới vây vất vả lắm các chú! Nghề này đánh cá bằng cách nhử cá vào ánh đèn sáng được thắp khắp tàu nên mỗi tháng chỉ được nghỉ có 10 ngày giữa tháng khi trăng sáng thôi.
Vì trăng sáng cá không ăn đèn chứ về mùa hết trăng thì cả tháng lênh đênh trên biển luôn chứ không nghỉ”, thuyền trưởng Định cho biết.
Do phụ thuộc vào trăng nên để tận dụng hết thời gian đánh bắt các tàu cá mỗi lần vào bờ chỉ nghỉ lại 1 ngày để tiếp nhu yếu phẩm và bán cá.
Các thuyền viên trên tàu khi cập bến vừa phải bốc cá lên bờ bán vừa may vá lại lưới và kiểm tra máy móc chuẩn bị cho chuyến ra khơi sau.
Mỗi lần cập bến các tàu đánh bắt thủy hải sản chỉ nghỉ một ngày để bán cá và tiếp nhu, yếu phẩm cho chuyến ra khơi sau (ảnh Xuân Hòa) |
Máy trưởng tàu cá NA 90567 TS - Trần Văn Ngọc chia sẻ: “Mỗi lần tàu vào bờ chỉ có một ngày, anh em thuyền viên người thì lo kiểm tra máy móc, người may vá lại lưới rồi còn bốc cá xuống bán và cho tàu “ăn” để chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp.
Nhiều lúc về gần nhà mà chẳng ghé nhà ăn được bữa cơm. Quần áo hết thì phải gọi điện cho người nhà mang ra cảng cá để đi luôn”.
Mang tiền triệu ra ngoài biển lớn
Để chuẩn bị cho một chuyến ra khơi mỗi tàu cá phải chi phí tiền xăng dầu, nước sạch, lương thực, thực phẩm, thuốc men … từ 50 triệu – 100 triệu đồng. Như tàu cá NA 90567 TS có công suất 560 CV, đánh bắt cá cách bờ luôn kéo dài từ 7 đến 10 ngày nên chi phí cho mỗi chuyến đi giao động từ 60 đến 80 triệu đồng.
“Tàu chúng tôi đánh cá cách bờ 60 hải lý trở lên với thời gian đánh bắt kéo dài từ 7 đến 10 ngày nên mỗi lần ra khơi phải tốn kém chi phí từ 60 đến 80 triệu đồng.
Riêng tiền dầu cho máy mỗi lần ra khơi phải chuẩn bị hơn 3.000 lít cũng đã tốn hàng chục triệu đồng”, thuyền trưởng Định cho biết.
Để có chi phí cho mỗi chuyến đi các thuyền trưởng phải tự bỏ ra chi phí trên. Số tiền trên sẽ được hoàn trả sau đợt đánh bắt kết thúc từ số tiền bán cá.
Cảng cá Lạch Quèn là nơi neo đậu của hàng nghìn tàu cá 4 xã của huyện Quỳnh Lưu gồm: xã Quỳnh Long, Quỳnh Tiến, Sơn Hải, Quỳnh Nghĩa nên nghề cung cấp nhu yếu phẩm cho các tàu cá ra khơi trở thành một nghề hái ra tiền.
“Mỗi lần ra khơi cả hàng nghìn tàu cá với chi phí bỏ ra tương đương nhau. Mỗi năm một tàu cá phải ra khơi hàng trăm chuyến. Do đó, các mối đổ hàng cho tàu “ăn” thu được nguồn thu lớn và trở thành nghề hái ra bạc tại cảng cá này.
Nhưng những gia đình làm được nghề tiếp tế cho tàu này phải có kinh phí lớn vì nhiều tàu nợ tiền mua nhu yếu phẩm xong chuyến đánh bắt mới chi trả. Mỗi năm hoạch thu của các thương lái tiếp tế cho tàu phải lên đến hàng chục tỷ đồng”, thuyền trưởng Định cho biết thêm.
Khi chúng tôi đang đứng đợi cho tàu “ăn” thì xung quanh hàng chục tàu cá khác đã nối đuôi nhau ra khơi đánh bắt cá. Những ngày tàu cá ra khơi cảng biển Lạch Quèn trở nên tấp nập, ồn ào như nơi phố thị đông đúc…
Hành trình trên biển cùng ngư dân của chúng tôi cũng sắp bắt đầu. Biển đã vào mùa mưa bão, bão lớn có thể xuất hiện bất cứ khi nào...
Còn tiếp...