Sáng nay, khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật an toàn thông tin, Đại biểu Phạm Trọng Nhân đề cập tới thông tin bị đánh cắp ngoài ý muốn, mạng thông tin có thể bị tấn công do sử dụng các thiết bị thiếu an toàn, và việc phát tán thông tin phản động từ các máy chủ đặt ngoài Việt Nam.
Ông Nhân cảnh báo: "Chúng ta không thể làm ngơ trước cảnh báo của một số hãng bảo mật trên thế giới rằng Việt Nam là quốc gia đứng đầu trong danh sách các quốc gia sử dụng internet, máy tính dễ bị lây nhiễm phần mềm độc hại cục bộ lớn nhất thế giới.
Việc lây lan các virus chứa mã độc là do thói quen sử dụng dịch vụ miễn phí trên internet, dịch vụ phần mềm từ các trang mạng xã hội, thư điện tử trá hình, đến việc tải các ứng dụng miễn phí cài mã độc vào điện thoại không ngừng tăng lên cả số lượng lẫn tính chất phức tạp.
Ngay trong hội trường này, khi đã phá sóng tất cả các đường truyền internet, thế nhưng nguy cơ bị tấn công cục bộ từ nguồn các máy tính xách tay khi kết nối với mạng nội bộ văn phòng quốc hội vẫn có thể diễn ra. Các usb, máy tính cá nhân nhiễm virus đều không có quy định để kiểm soát.
Mức độ nguy hiểm ở đây không phải là hệ thống bị đánh sập, mà là các phần mềm gián điệp có thể âm thầm kích hoạt điện thoại di động để ghi âm lấy thông tin trong hội trường này và chuyển về máy chủ khi máy tính xách tay kết nối trở lại với internet bên ngoài.
Đó là phương thức phổ biến của các hacker chuyên nghiệp có hệ thống, thậm chí có sự tài trợ của chính phủ các quốc gia xung đột chính trị với nước ta".
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân. ảnh: TTBC Quốc hội. |
Đại biểu Nhân chỉ rõ, trong 138,6 triệu thuê bao di động hiện nay thì đã có hơn 52% sử dụng điện thoại di động thông minh, 34% sử dụng internet mạng di động.
Trên thị trường, các cửa hàng bày bán công khai các thiết bị điện thoại thông minh, cấu hình vô cùng mạnh nhưng giá thì vô cùng rẻ, xuất xứ từ Trung Quốc.
Điện thoại của các thương hiệu nổi tiếng từ cao cấp tới bình dân đều có bo mạch, chíp xử lý cũng được gia công từ Trung Quốc.
Chưa kể đang có hơn 200 nghìn thiết bị mạng ở các hộ gia đình, các công sở và vô số các thiết bị thông minh từ lò vi song, tủ lạnh, ti vi, camera quan sát, các thiết bị điều khiển từ xa… tất cả đều có khả năng kết nối internet, nhưng lại có lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng.
Nếu dân chưa đồng tình mà lên tiếng, có bị "quy chụp" là xuyên tạc? |
Vì vậy, nhiều mã độc có thể được cài vào dễ dàng và có chủ đích, có thể gây ảnh hưởng bất kỳ thiết bị nào kết nối tới chúng, nhưng lại đang được bày bán công khai trên thị trường mà không bị kiểm soát.
Và bài toán đặt ra lúc này là: Ai kiểm định các thiết bị đó có an toàn? Làm sao kiểm soát được các thông tin phản động?
Tấn công mạng không còn là nguy cơ mà đang diễn ra hàng ngày hàng giờ và có mức độ nguy hiểm ngày càng tăng, đặc biệt là nhắm đến các cơ quan nhà nước từ trung ương tới địa phương.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội an toàn thông tin thì có tới 81% các đơn vị cho phép nhân viên sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng truy cập vào mạng nội bộ.
Con số này trong các cơ quan nhà nước còn cao hơn rất nhiều. Trong số đó có đến 74% chưa có giải pháp quản lý các thiết bị bảo mật, kiểm soát hệ thống. Giải pháp đơn giản nhất là cài mật khẩu để hạn chế truy cập.
"Tôi đề nghị cần phải quan tâm hơn để chế định thêm các nội dung bảo mật, bảo an một cách đặc biệt hệ thống mạng, đặc biệt là với các cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt là chế định cho người dùng, các thiết bị được phép sử dụng trong môi trường này.
Trên hết phải hướng tới đảm bảo an toàn tối ưu cho hệ thống mạng nói chung, nhằm phục vụ cho an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Bên cạnh đó còn là sự đảm bảo cho các dự án thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo tuyệt đối an toàn tuyệt đối cho hàng triệu giao dịch mỗi ngày, khi mà chip điện tử trên thẻ căn cước công dân chính thức đưa vào sử dụng", ông Nhân nói.