Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định, các vị đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn đánh giá mặt được, chưa được, chỉ ra những yếu kém, tồn tại trong các ngành, lĩnh vực, dự báo nguy cơ tiềm ẩn cản trở sự phát triển của đất nước.
Chủ tịch nhấn mạnh, nhất là trong bối cảnh chủ quyền biển đảo của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc Trung Quốc tiến hành xây đắp với quy mô lớn tại các bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, đe dọa cuộc sống yên bình của người dân và hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. ảnh: TTBC Quốc hội. |
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, nâng cao hiệu quả, chất lượng, sức cạnh tranh của kinh tế nước nhà, giữ vững đà tăng trưởng, thực hiện thành công tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình kinh tế; mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, kiên quyết đấu tranh giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…
"Hiện nay, Trung Quốc đang xây dựng các bãi đá tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Vì vậy, tại phiên họp trù bị, đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã báo cáo trước Quốc hội về nội dung này, khẳng định hành vi của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế và trái với Hiến chương của Liên Hợp Quốc. Chúng tôi có theo dõi các thông tin từ Bộ Ngoại giao và đồng tình với những thông tin của Bộ Ngoại giao. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và sẽ có tuyên bố chính thức nếu thấy cần thiết", ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. |
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho biết, công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được Quốc hội xác định là một nội dung trọng tâm của kỳ họp. Quốc hội đã xem xét nhiều dự án luật:
Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật kiểm toán nhà nước, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật an toàn vệ sinh lao động.
Quốc hội cũng dành sự quan tâm thích đáng trong thảo luận, cho ý kiến về các dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật tố tụng hành chính (sửa đổi), Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật tạm giữ, tam giam, Luật trưng cầu ý dân và một số luật khác nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tư pháp theo quy định của Hiến pháp, định hướng cải cách tư pháp; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân…
Quốc hội đưa ra 9 giải pháp chống án oan sai và đảm bảo bồi thường |
Tại kỳ họp này, thể theo nguyện vọng của một bộ phận người lao động, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động, trong đó xác định:
Người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014;
Trường hợp người lao động có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần, tạo điều kiện để người lao động được lựa chọn phù hợp.
Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về vấn đề này, ghi nhận nỗ lực, cố gắng của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo chuyển biến căn bản, không để xảy ra oan, sai và bồi thường cho người bị thiệt hại trong tố tụng hình sự.
Quốc hội đã thảo luận, cân nhắc thận trọng và thông qua Nghị quyết chủ trương đầu tư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; coi đây là dự án quan trọng đặc biệt quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng động lực phát triển phía Nam và cả nước.
Tại kỳ họp này, theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã thảo luận, cân nhắc một cách thận trọng và quyết định bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.
Quyết định này khẳng định sự nghiêm khắc, công minh của Quốc hội khi xem xét tư cách đại biểu Quốc hội, là yêu cầu về sự phấn đấu, rèn luyện để đại biểu Quốc hội luôn xứng đáng với niềm tin và sự tín nhiệm của cử tri và của nhân dân.
Tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 9, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, trường hợp của bà Châu Thị Thu Nga sẽ là bài học khi chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng XII và Quốc hội khóa XIV.