Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ tại cuộc họp giữa các Bộ ngành Việt Nam với đại diện các đối tác đến từ nước ngoài về hướng hỗ trợ, hợp tác trong quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam, rằng “ở ngoại thành Hà Nội, và vùng lân cận người nông dân có 2 luống rau, luống để ăn và luống để bán. Luống để ăn thì rau xấu hơn, luống để bán thì xanh tốt hơn…”.
BBC Vietnamese, phiên bản mạng xã hội đưa tin:“Bắt quả tang thịt thối 40 năm tuổi từ Trung Quốc sang Việt Nam”. Bài báo dẫn nguồn AFP, rằng “rất nhiều trong số này là thịt từ hơn 40 năm trước, tức từ thời Mao Trạch Đông còn sống”.
Ảnh chụp màn hình https://www.facebook.com/BBCVietnamese |
Chuyện “hai luống rau” với người nhà quê thì chẳng có gì lạ, điều đáng suy ngẫm là đến nay mới được nghe một vị Phó Thủ tướng Chính phủ nhắc tới, cũng cần phải nói thêm sự việc không còn là ở “ngoại thành Hà Nội và vùng lân cận” mà là khắp nơi, kể cả vùng núi.
Hơn chục năm trước, người viết đến thăm gia đình một Phó Chủ tịch xã tại Bắc Quang, Hà Giang, cam sành chất hàng đống trong nhà, dưới gầm giường, chủ nhà nói “cam này phun thuốc bảo quản để dành bán cho thương lái miền xuôi lên mua, em không dám mời thầy…”
Tiếc rằng, ít khi được nghe quan chức cấp cao của Đảng, Chính phủ nhắc đến hoa quả Trung Quốc, thịt thối từ Trung Quốc, quần áo, đồ sứ nhiễm độc từ Trung Quốc hiện diện khắp hang cùng ngõ hẻm của Việt Nam.
Có một nhận định hơi cực đoan nhưng mà đúng, rằng “con người là sinh vật ngu xuẩn nhất vì chỉ có con người mới hủy hoại môi trường sống của chính mình”.
Người Việt chặt cây phá rừng, chặt cây xanh giữa phố, lấp sông làm nhà, thậm chí như ở quận Long Biên, Hà Nội, người ta còn định lấp sông Hồng làm … nghĩa trang! Nếu nghĩa trang ấy mà hình thành, liệu có ai còn dám ăn cá sông Hồng? Đấy không phải là “dân trí”, đấy là “quan trí”, mà lại là “quan” ở ngay Long Biên, Hà Nội.
Ảnh chụp màn hình Vietnamnet.vn ngày 23/6/2015 |
Không chỉ hủy hoại môi trường sống, trực tiếp hoặc gián tiếp thế hệ hôm nay còn đang hủy hoại chính nòi giống mình, đó là câu trả lời vì sao ở một làng thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội vài năm gần đây hàng chục người chết vì ung thư?
Nước sạch mà Công ty kinh doanh nước Gia Lâm bán, người dân phải nộp thêm phí môi trường, thêm thuế giá trị gia tăng, khi đun sôi đọng đầy chất bột trắng dưới đáy ấm, thế nhưng đó vẫn là nước sạch?
Trách nhiệm phải chăng là do “dân trí thấp” như có vị đại biểu Quốc hội phát biểu?
Trả lời câu hỏi này trước hết phải hỏi Cơ quan quản lý. Hàng lậu tràn vào Việt Nam không thể bằng cách thả dù mà bắt buộc phải qua cửa khẩu, phương tiện vận chuyển vào sâu trong nội địa chỉ có thể là ô tô, xe lửa, một số trường hợp bằng tàu thủy.
Vận chuyển ma túy có thể bị tội tử hình, vận chuyển thực phẩm độc hại, chế tài xử phạt rất nhẹ. Nếu các lái xe vận chuyển vài trăm kilogam nội tạng thối bị xử tù vài năm liệu họ có tiếp tục vận chuyển?
Câu hỏi khác là ở tầm vĩ mô, những thực phẩm ngon nhất, sạch nhất chỉ để dành cho xuất khẩu, phế phẩm còn lại dành cho tiêu dùng nội địa.
Ai cũng thấy phi lê cá tra, cá basa hầu hết xuất ra nước ngoài, chả cá, bò viên nội địa bán cho người lao động chỉ là một thứ hỗn tạp các phụ phẩm còn lại, vì sao lại thế?
Câu trả lời thật đơn giản, những người nhiều tiền đa số mua hàng siêu thị, ít nhất thì nó cũng không “bẩn” như ngoài chợ, thế nên họ không quan tâm nhiều đến chuyện hàng chợ bẩn hay sạch.
Hàng chợ là dành cho người ít tiền, đó là lực lượng chiếm 80% người tiêu dùng toàn quốc như nội dung bài viết nêu trên của vtc.vn.
Vậy ai là người nhiều tiền? Ngoại trừ một số thương gia, những người nhiều tiền còn lại như lời Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng nói trước Quốc hội: “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ…”. Hay như ý kiến nêu trong bài báo của Vietnamnet.vn: “Quan huyện, lãnh đạo sở các tỉnh mua nhà Hà Nội rất nhiều”.
Không biết từ ý kiến của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ và bài báo của Vietnamnet.vn đã đủ cơ sở kết luận, rằng từ “quan huyện, lãnh đạo sở các tỉnh” trở lên đến quan “trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ” là người “nhiều tiền” hay chưa? Lại càng không thể biết gia đình các “quan” ấy có bao giờ mua phải thịt thối vượt biên trái phép vào nước ta hay chưa?
Cũng xin nói thêm, người viết không dám thêm từ “một số” vào trước cụm từ “quan huyện, lãnh đạo sở các tỉnh” bởi sợ làm thay đổi nội dung bài viết.
Điều có thể khẳng định là trong số những “quan huyện, lãnh đạo sở các tỉnh” đủ tiền mua nhà ở Hà Nội đến “cán bộ trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng” ấy thể nào cũng có người liên quan đến chuyện chống buôn lậu, chống hàng giả, chống… “thịt thối”, và biết đâu có thể còn có người chịu trách nhiệm về quyết sách chống hàng bẩn, hàng độc? Vậy họ “để dành” lương tâm và trách nhiệm cho ai và cho cái gì?
Người Hà Nội ngày xưa đều biết những cửa hàng đặc biệt ở Vân Hồ, Tôn Đản, Ba Đình, ngày nay loại cửa hàng này không còn nhưng đã có các siêu thị. Vậy nên, có người đùa rằng muốn chống thịt bẩn, rau bẩn thì cách hữu hiệu là xóa sổ siêu thị, tất cả đều cùng ra chợ!
“Trong thời gian trước mắt cần tiếp tục triển khai đặt máy xét nghiệm an toàn thực phẩm lưu động tại chợ để người mua hàng khi nghi ngờ về chất lượng thực phẩm có thể kiểm tra ngay”, ý kiến nêu trong cuộc họp (đã dẫn) là một hướng giải quyết giúp cho người nghèo không mua phải thực phẩm “bẩn”.
Tuy nhiên nếu thiết kế được cái máy xét nghiệm “độ sạch của cán bộ” thì chắc chắn người dân sẽ thực sự hài lòng vì khi đó không cần đặt máy xét nghiệm ở chợ, dù “dân trí thấp” cứ nhắm mắt “ăn bừa” thì cũng không có thực phẩm “bẩn” mà ăn. Và phải chăng đây mới là cốt lõi của vấn đề?
Quả vải Lục Ngạn, Bắc Giang xuất khẩu sang Mỹ, Úc mua tại vườn khoảng 30.000 đồng/kilogam, người ta cử chuyên gia sang tận Việt Nam chọn từng quả rồi mang vào TP. Hồ Chí Minh chiếu xạ diệt khuẩn trước khi đóng gói xuất khẩu. Đấy là các nước tư bản, đấy là thức ăn dành cho mọi công dân của họ, chúng ta bao giờ được như thế?
Trong khi chờ đợi, người nhiều tiền mua máy lọc nước, trồng rau trong nhà, chẳng lẽ nên quay lại thời kỳ bao cấp, mỗi gia đình nên nuôi thêm con lợn trong căn hộ chung cư?
Sau bốn mươi năm thống nhất, người Việt đang sống trong một không gian rừng bị tàn phá, ao hồ, sông suối bị san lấp, thực phẩm bẩn tràn lan, văn hóa đạo đức xuống cấp trầm trọng.
Đó không phải là thời kỳ phong kiến với kinh tế tự cấp tự túc, cũng không phải tư bản với đòi hỏi khắt khe về an toàn thực phẩm, phải chăng chúng ta đang đi trước nhân loại, trở lại điểm xuất phát của nền văn minh nhưng ở mức cao hơn?
Để có một xã hội "không lo rau bẩn", hoặc là giải tán các siêu thị, tất cả cùng ra chợ, hoặc là phát triển siêu thị để ai cũng có thể vào đó mua thực phẩm sạch.
Bà con chọn phương án nào?