Quốc hội dứt khoát không thể có thị phi, gian dối, rơi vãi cả sự tôn nghiêm

29/06/2015 05:00
Ngọc Quang
(GDVN) - Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao của cả nước. Vì vậy, ở đâu đó có thể gian dối, nhưng ở Quốc hội dứt khoát không thể gian dối.

Xin được bắt đầu bằng nội dung làm việc của Quốc hội vào sáng ngày 25/6. Trong buổi sáng này, số Đại biểu tham gia biểu quyết các điều luật cụ thể và dự án luật trồi sụt rất thất thường, mặc dù thời gian biểu quyết có những lúc chỉ cách nhau 1 phút đồng hồ.

Biểu quyết thông qua Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

Đầu tiên,Quốc hội biểu quyết thông qua Điều 41, có 456 Đại biểu tham gia. Trong đó, số Đại biểu tán thành là 455. Số Đại biểu không tán thành là 0. Số Đại biểu không biểu quyết là 1.

Nhưng 1 phút sau, khi biểu quyết thông qua Điều 76 thì chỉ còn 453 Đại biểu tham gia. Trong đó, Đại biểu tán thành là 451. Đại biểu không tán thành là 0. Đại biểu không biểu quyết là 2.

Vậy là chỉ sau 1 phút đồng hồ thì có 3 Đại biểu “bỗng dưng” biến mất? Vì sao vậy? Có thể giải thích như sau: Hoặc có 3 Đại biểu đã bấm hộ cho người bên cạnh khi biểu quyết Điều 41, nhưng quên bấm hộ khi biểu quyết Điều 76? Bên cạnh đó, còn một lý do nữa có thể đem ra giải thích (dù biết rằng không ai chấp nhận được) đó là 3 Đại biểu này gặp chuyện “cháy nhà, chết người” nên bỏ ngang khi Quốc hội đang biểu quyết thông qua luật?

Và chắc chắn là chẳng có chuyện “cháy nhà, chết người” ở đây được, vì chỉ 1 phút sau, khi Quốc hội biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thì lại có đủ 456 vị Đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết như ban đầu.

Mỗi Đại biểu Quốc hội đang gánh trên vai trách nhiệm và cũng là niềm tự hào được đại diện cho 90 triệu nhân dân Việt Nam. ảnh: quochoi.vn
Mỗi Đại biểu Quốc hội đang gánh trên vai trách nhiệm và cũng là niềm tự hào được đại diện cho 90 triệu nhân dân Việt Nam. ảnh: quochoi.vn

Biểu quyết thông qua dự thảo Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi).

Đầu tiên, Quốc hội biểu quyết thông qua Điều 5, phạm vi ngân sách nhà nước. Có 455 Đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết. Trong đó, 440 Đại biểu tán thành. Số Đại biểu không tán thành là 12. Số Đại biểu không biểu quyết là 3.

Nhưng đến khi biểu quyết Điều 7, nguyên tắc cân đối ngân sách nhà nước, thì lại chỉ có 452 Đại biểu tham gia biểu quyết. Trong đó, số Đại biểu tán thành là 428. Số Đại biểu không tán thành là 22. Số Đại biểu không biểu quyết là 2.

Như vậy chỉ sau 1 phút đồng hồ thì đã có 3 Đại biểu “biết mất” (giống như khi biểu quyết Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo).

Cuối cùng, khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo luật thì lại có tới 456 Đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết. Trong đó, số Đại biểu tán thành là 442. Số Đại biểu không tán thành là 11. Số Đại biểu không biểu quyết là 3.

Biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành

Lúc này đã có tới 461 Đại biểu tham gia biểu quyết. Trong đó có 428 Đại biểu tán thành. 17 Đại biểu không tán thành. 16 Đại biểu không biểu quyết.

Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 13, khi biểu quyết thông qua Luật Căn cước công dân sáng 21/10 chỉ có 403/497 đại biểu tham dự. Nhưng ngay sau đó vài phút, khi biểu quyết thông qua Luật Hộ tịch thì 8 đại biểu bỗng dưng “biến mất”, tức là trên bảng điện tử chỉ hiện lên 395 đại biểu có mặt.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói thẳng “có tình trạng đại biểu bấm hộ người khác”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng cũng từng nói: “Nhiều khi đang biểu quyết cùng một dự án luật, nhưng số lượng đại biểu tham gia biểu quyết thay đổi liên tục: lúc thì 480, lúc bốn trăm bảy mấy, lúc cao hơn năm người, lúc tụt xuống ba người... Có nghĩa là người ta biểu quyết hộ người khác nên lúc bấm nút, lúc thì quên”.

Như vậy, so với lần biểu quyết ngay trước đó thì bất ngờ có thêm 5 Đại biểu tham gia biểu quyết về chủ trương đầu tư Cảng Hàng không Long Thành.

Biểu quyết thông qua Luật an toàn, vệ sinh lao động

Đầu tiên, Quốc hội biểu quyết thông qua Điều 2. Có 448 Đại biểu tham gia biểu quyết. Số Đại biểu tán thành là 440. Số Đại biểu không tán thành là 6. Số Đại biểu Quốc hội không biểu quyết là 2.

Như vậy, có 13 Đại biểu “biến mất” so với nội dung biểu quyết chủ trương đầu tư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Đáng nói hơn nữa, chỉ 2 phút, khi biểu quyết thông qua Điều 89 thì lại chỉ còn 440 Đại biểu tham gia. Trong đó số Đại biểu tán thành là 421. Số Đại biểu không tán thành là 13. Số Đại biểu không biểu quyết là 6.

Như vậy là 8 vị Đại biểu Quốc hội bỗng dưng “biến mất”. Và nếu so với phần biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư Cảng Hàng không Long Thành thì lúc này có tới 21 Đại biểu “lặn mất tăm”.

Rồi 1 phút sau, khi Quốc hội biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật an toàn, vệ sinh lao động thì lại có 448 Đại biểu tham gia biểu quyết (tức là 8 vị biến mất kia bỗng nhiên xuất hiện). Trong đó, Đại biểu tán thành là 439. Đại biểu không tán thành là 6. Đại biểu không biểu quyết là 3.

Nhìn vào một loạt những con số trồi sụt như thế này, thật chẳng khó để thấy rằng rất nhiều Đại biểu đã nhờ bấm nút hộ. Vấn đề này cũng tiếp tục được đặt ra với ông Nguyễn Hạnh Phúc – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Tuy nhiên, ông Phúc tỏ ra rất ngạc nhiên: “Tôi cũng chẳng biết làm sao con số lại thay đổi như thế, vì chúng tôi đã phát thẻ cho Đại biểu rồi. Nếu không có thẻ thì không biểu quyết được. Tôi cũng không biết tại sao lại có chuyện này. Còn về nội quy thì không ai được biểu quyết thay. Tôi có theo dõi thì sai số chỉ có một, hai người. Tôi cho là không có vấn đề gì lớn”.

Quốc hội dứt khoát không thể có thị phi, gian dối, rơi vãi cả sự tôn nghiêm ảnh 2

Quốc hội biết có việc… bấm nút hộ và tìm cách ngăn chặn

Đúng là cho dù sự trồi sụt về số Đại biểu tham gia biểu quyết luật không quá lớn so với số Đại biểu tán thành thông qua luật.

Thế nhưng điều đáng lo ở đây chính là chuyện một số Đại biểu Quốc hội đã vi phạm nội quy của kỳ họp – nhờ người khác bấm nút hộ, chuyện này Quốc hội đã biết từ kỳ họp thứ 8 nhưng xem ra chưa có biện pháp nào đủ mạnh để chấm dứt.

Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao của cả nước, là nơi thể hiện được tâm tư, nguyện vọng của toàn dân. Ở đâu đó có thể gian dối, nhưng ở Quốc hội dứt khoát không thể gian dối. Ở đâu đó còn thiếu sự nghiêm túc, nhưng ở Quốc hội dứt khoát không thể mất đi sự tôn nghiêm. Ở đâu đó có thể còn thị phi, nhưng đã ở Quốc hội – người Đại biểu vinh dự gánh trên vai trọng trách vô cùng lớn lao là đại diện cho tiếng nói của nhân dân thì không thể làm bừa, không thể dối trá.

Trên hết đó phải là sự gương mẫu trong mỗi con người mang danh Đại biểu của dân và sự liêm sỉ trong đời sống chính trị quốc gia.

Nói như ông Dương Trung Quốc thì mỗi người đứng ở một vị trí xã hội khác nhau đều phải tự ý thức được rằng, chính anh cũng là một phần của liêm sỉ quốc gia.

Vấn đề bây giờ là phải "sống cho trung thực, làm trung thực, nói cho thực". Đó là những gì rất bình thường trong đời sống hàng ngày, nhưng sẽ là môi trường cực kỳ quan trọng để chúng ta đi đến sự đòi hỏi gương mẫu, minh bạch.

Ngọc Quang