CNN ngày 29/6 đưa tin cho biết, các ngân hàng ở Hy Lạp sẽ không mở cửa làm việc trong ngày hôm nay cho đến ngày 6/7 để ngăn chặn hệ thống tài chính sụp đổ trong cơn hoảng loạn thúc đẩy người dân đi rút tiền ồ ạt.
Người Hy Lạp xếp hàng dài trước những cây ATM còn hoạt động khi các ngân hàng đồng loạt đóng cửa. |
Ngoài ra, các chủ tài khoản cũng sẽ bị giới hạn lượng tiền mặt rút từ các cây ATM trên khắp cả nước, tối đa là 60 euro mỗi ngày.
Tuy nhiên, Daily Mail dẫn nguồn tin trong giới ngân hàng Hy Lạp cho biết, hiện chỉ còn 40% số máy ATM tại Hy Lạp là còn hoạt động được. Do đó, những nơi nào ATM còn hoạt động được đều có một hàng dài người xếp hàng chờ rút tiền trong suốt những ngày qua.
Các biện pháp trên được áp dụng một ngày sau khi Hy Lạp quyết định kéo các nhà đàm phán của nước này ra khỏi cuộc đàm phán về cứu trợ tài chính và gia hạn nợ, thực hiện các bước rời khỏi khu vực đồng euro.
Các chủ nợ chính của Hy Lạp phần lớn là các tổ chức tài chính quốc tế và các chính phủ châu Âu như: ECB, Tây Ban Nha, IMF, Ý, Pháp, Đức. |
Theo CNN, các nhà lãnh đạo châu Âu đang phải đối mặt với một trong những khoảnh khắc tồi tệ nhất trong lịch sử đồng euro. Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 28/6 đã kêu gọi Thủ tướng Đức Angela Merkel làm mọi bước cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Thủ tướng Alexis Tsipras hôm 27/6 đã bác bỏ dự thảo do Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đề xuất và cho biết sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về những cải cách khắc khổ do các chủ nợ của Athens đưa ra như một biện pháp để đổi lấy sự mở rộng các gói cứu trợ.
Hàng tỉ euro đã chảy ra ngoài các ngân hàng của Hy Lạp trong nhiều tháng qua, trước cả khi cuộc khủng hoảng nợ của nước này diễn biến xấu đi trong cuối tuần vừa qua dẫn tới hàng người xếp hàng trước các cây ATM để rút tiền.
Ngân hàng ở Hy Lạp tiếp tục đóng cửa tới ngày 6/7 sau khi có kết quả trưng cầu dân ý. |
Hy Lạp cũng phải đối mặt với một thời hạn rất quan trọng vào ngày 30/6, thanh toán số nợ 1,6 tỉ euro cho IMF. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Hy Lạp hoàn toàn không có khả năng để thanh toán số nợ này.
Tình trạng xấu của nền kinh tế Hy Lạp đã khiến các nhà đầu tư đang lũ lượt rút khỏi nước này gây tác động lớn tới du lịch và hoạt động thương mại. Được biết, hầu hết các chủ nợ chính của chính phủ Hy Lạp là các chính phủ khác, không phải là các nhà đầu tư.
Tương lai và quyết định ở lại hay rời khu vực đồng euro có ảnh hưởng rất lớn đến toàn khối. Nhiều người lo sợ rằng cơn chấn động tại Hy Lạp có thể lây lan ra toàn khối và phá hỏng các tiêu chuẩn sống mà châu Âu vốn tự hào.
Khủng hoảng tài chính giống như lũ lụt, nơi nước sẽ luồn đến những kẽ hở yếu nhất trong cấu trúc trước khi chảy xuống như thác đổ. Nếu nền kinh tế Hy Lạp sụp đổ, khối đồng tiền chung châu Âu eurozone sẽ lung lay và dẫn tới tan vỡ.