Tân Hoa Xã nói gì về chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng bí thư?

29/06/2015 15:49
Hồng Thủy
(GDVN) - Sự thay đổi mà Tân Hoa Xã gọi là "đầy kịch tính" từ quan hệ thù địch không đội trời chung sang đối tác hợp tác toàn diện có thể xem như "phong vân biến đổi...
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Tân Hoa Xã ngày 29/6 đưa tin, năm nay tròn 40 năm kết thúc Chiến tranh Việt Nam, cũng vừa đến dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Một trong những hoạt động trọng điểm đánh dấu năm kỷ niệm này là 2 nước Việt Nam và Hoa Kỳ đang tích cực chuẩn bị cho chuyến công du nước Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Đồng thời hai bên cũng xúc tiến để cuối năm nay Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể thăm chính thức Việt Nam.

Diễn biến của quan hệ Việt Mỹ hơn 60 năm qua, từ năm 1954 đến nay theo Tân Hoa Xã có thể dùng điển tích "bãi biển biến thành nương dâu" để nói lên mức độ thay đổi to lớn. Nói cách khác, hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc bình luận rằng quan hệ Việt - Mỹ đã thay đổi từ chỗ "chiến tranh nóng" sang "chiến tranh lạnh" và bây giờ là bắt tay hợp tác.

Sự thay đổi mà Tân Hoa Xã gọi là "đầy kịch tính" từ quan hệ thù địch không đội trời chung sang đối tác hợp tác toàn diện có thể xem như "phong vân biến đổi khôn lường".

Điều này một lần nữa minh chứng cho phát biểu của Thủ tướng Anh Churchill rằng, không có bè bạn mãi mãi, cũng không có kẻ thù vĩnh cửu, chỉ có lợi ích là vĩnh hằng, Tân Hoa Xã bình luận.

Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc cho biết, hiện tại lịch trình cũng như hoạt động chi tiết chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chưa được công bố, nhưng truyền thông Mỹ - Việt đã bắt đầu "đồn đoán", quan chức 2 nước cũng liên tục lên tiếng với những lời lẽ ngọt ngào.

Tân Hoa Xã cho rằng những tiếng nói từ phía Mỹ đang rất dễ nghe, nhưng về cơ bản truyền thông nhà nước Việt Nam vẫn tỏ ra khá "bình tĩnh, nắm chắc phương châm đã định". Các nhà quan sát Tân Hoa Xã cho là nghiêm túc thì nhận định, chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nếu thành công sẽ có ý nghĩa lịch sử và mang tính biểu tượng.

Đầu tiên Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đường hoàng thăm chính thức nước Mỹ với vai trò lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam là điều "chưa từng có trong lịch sử Việt Nam", nên ý nghĩa chuyến thăm vô cùng to lớn, Tân Hoa Xã bình luận.

Thứ hai, việc Nhà Trắng chính thức mời một nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm chính thức Hoa Kỳ cũng là việc chưa từng có. Tân Hoa Xã lưu ý, phía Hoa Kỳ sẽ đón tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở cấp độ nào, lễ nghi nào sẽ là những điểm nhấn đáng chú ý.

Ông đã từng công du nhiều nước châu Á, châu Âu với cương vị Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và được các nước này đón tiếp với nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia, lần này Mỹ có làm như vậy hay không, có làm "mát mặt Việt Nam" hay không, Tân Hoa Xã đặt câu hỏi.

Hợp tác giữa bất kỳ quốc gia nào với nhau cũng đều dựa trên lợi ích chung, đồng thời nỗ lực tối đa hóa lợi ích của quốc gia mình. Và giữa các quốc gia đều có những khác biệt, hai bên đều sẽ giữ giới hạn của mình, Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như vậy.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Lợi ích chung của Việt nam và Mỹ theo Tân Hoa Xã là khá nổi bật và dễ thấy. Trên nền tảng đó 20 năm qua quan hệ Việt - Mỹ đã tiến được một chặng đường dài. Trong mối quan hệ phức tạp giữa Việt Nam và Mỹ, hợp tác là một mặt rất quan trọng, nhưng đấu tranh cũng là một mặt không thể xem nhẹ, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc bình luận.

Những năm gần đây Mỹ đã tăng cường giao lưu với đối tác mới là Việt Nam. Mức độ hợp tác song phương Việt - Mỹ bị Tân Hoa Xã gọi là "mức độ lôi kéo Việt Nam", đây là một mắt xích trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á. Tuy nhiên hãng thông tấn nhà nước  Trung Quốc cho rằng mức độ "gây áp lực, thúc đẩy biến đổi" của Mỹ đối với Việt Nam cũng chưa hề buông lơi, thậm chí hiệu quả không phải tầm thường?! 

Chủ trương đối ngoại nhất quán của Việt Nam là độc lập tự chủ, đa phương hóa đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, chính sách quốc phòng Việt Nam duy trì là 3 không: Không tham gia liên minh quân sự, không cho nước nào lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình, không dựa vào nước này chống lại nước kia.

Tân Hoa Xã bình luận: "Nếu không biết được quốc sách cơ bản của Việt nam thì sẽ dễ bị truyền thông như bong bóng xà phòng mê hoặc, dễ dẫn đến phán đoán sai lầm, hiểu lầm mang tính biểu tượng trong một số vấn đề cụ thể."

Tân Hoa Xã cho rằng, trong cái hãng tin này gọi là trò tung tin của truyền thông xung quanh quan hệ Việt - Mỹ, thường bắt gặp logic đơn giản và nông cạn rằng "Việt Nam ngả theo Mỹ đối phó với Trung Quốc" hoặc "Mỹ lôi kéo Việt Nam kiềm chế Trung Quốc". Tuy nhiên, cái "logic đơn giản và nông cạn" ấy lại xuất hiện hàng ngày trên báo chí nhà nước Trung Quốc chứ không phải Mỹ hay Việt Nam - PV.

Tân Hoa Xã kết luận rằng, trong thế giới ngày nay bất kỳ mối quan hệ song phương quan trọng nào đều có thể ảnh hưởng đến các quốc gia liên quan, vấn đề là ít hay nhiều, nhỏ hay lớn mà thôi. Báo chí Việt Nam quan tâm đến sự thay đổi trong quan hệ Trung - Mỹ, thì báo chí Trung Quốc cũng "mẫn cảm"  với sự phát triển, thay đổi của quan hệ Việt - Mỹ.

Hồng Thủy