Thông tin này được Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung – Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết tại lễ tổng kết chương trình 05 ngày 19/5/2011 về “Tăng cường quốc phòng – an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội” diễn ra chiều 30/6.
Chương trình có sự tham dự của ông Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Thượng tướng Tô Lâm - Thứ trưởng Bộ Công an.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung – Giám đốc Công an TP Hà Nội (Phó Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 05) cho biết, chương trình đã quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương về công tác xây dựng Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về Xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Trong chương trình này, Công an Hà Nội đã có rất nhiều nỗ lực thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh quốc gia.
Đầu tiên phải kể tới việc bảo vệ tuyệt đối an toàn hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế, các mục tiêu trọng điểm và trên 5000 lượt sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội diễn ra trên địa bàn Thủ đô; không để xảy ra khủng bố, phá hoại; tập trung đông người trái phép quy mô lớn, bạo loạn chính trị, bạo loạn vũ trang, đình, lãn công bất hợp pháp kéo dài.
Điển hình là bảo vệ tuyệt đối an toàn Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11, Bầu cử Quốc hội khóa 13 và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016; 11 hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, 9 kỳ họp Quốc hội và hơn 20 sự kiện chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô, 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung phát biểu tại lễ tổng kết chương trình số 05 của Thành ủy Hà Nội chiều 30/6. ảnh: Ngọc Quang. |
Trong công tác an ninh nội bộ, bảo vệ an toàn tuyệt đối, ngăn chặn có hiệu quả dấu hiệu “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ, không để các thế lực thù địch tác động, chuyển hóa từ bên trong; tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước.
Đối với công tác bảo đảm an ninh tư tưởng, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho biết, đã thành lập ban chỉ đạo chống diễn biến hòa bình trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa (Ban chỉ đạo 94) phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, hoạt động chiến tranh tâm lý, tác động phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch; triển khai thực hiện nhiều biện pháp tác động, hạn chế hoạt động gây phức tạp của văn nghệ sỹ, trí thức, nhất là việc thành lập các hội nhóm trái phép. Đã phát hiện, xử lý trên 1000 vi phạm trong hoạt động tuyên truyền.
Bên cạnh đó, trong công tác bảo đảm an ninh kinh tế, đã giải quyết hiệu quả trên 50 vụ đình, lãn công, không để phát sinh điểm nóng, không để địch lợi dụng kích động biểu tình gây phức tạp về an ninh, trật tự; phục vụ thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong thời kỳ hội nhập.
Đối với công tác đảm bảo an ninh xã hội, đã giải quyết ổn định 245 vụ tranh chấp, khiếu kiện phức tạp trong nội bộ nhân dân; khoảng 2.700 lượt đoàn đông người, trên 120.000 lượt công dân khiếu nại tại các trụ sở tiếp dân của Trung ương Đảng, Nhà nước, Thành phố và các mục tiêu bảo vệ.
Vận động trên 1000 lượt người khiếu kiện trở về địa phương, không để các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo vào các hoạt động gây phức tạp về an ninh, trật tự.
Đặc biệt, đã chủ động tiến hành các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả gần 30 cuộc tập trung đông người, tuần hành, biểu tình trái pháp luật trên địa bàn thành phố.
Lực lượng Công an truy bắt một số đối tượng phạm tội. ảnh: Cẩm Linh. |
Về các nhiệm vụ trong thời gian tới, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho biết, tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định, bất trắc, khó lường.
Các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, gia tăng hoạt động kích động, tập hợp lực lượng nhằm hình thành các tổ chức phản động, tổ chức “xã hội dân sự”.
Những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ bộc lộ rõ nét hơn; một bộ phận cán bộ, đảng viên còn mơ hồ, mất cảnh giác với âm mưu, phương thức, hoạt động chống phá của địch. An ninh mạng, an ninh kinh tế, tài chính, an ninh trong tôn giáo, dân tộc còn tiềm ẩn những nhân tố phức tạp.
Từ những vấn đề trên, ban chỉ đạo Chương trình 05 đã đề ra 11 nhiệm vụ thực hiện trong thời gian tới, trong đó đáng chú ý là đẩy mạnh công tác bảo vệ chính trị nội bộ; phòng chống suy thoái và ngăn ngừa những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Đồng thời, tăng cường công tác đấu tranh, vô hiệu hóa hoạt động liên kết, tập hợp lực lượng, công khai hóa, nhen nhóm phản động trong nước. Phát hiện, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tôn giáo, khiếu kiện, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân để kích động tập trung đông người gây phức tạp về an ninh trật tự. Chủ động phòng ngừa các hoạt động tập trung đông người biểu tình trên địa bàn Thủ đô.