LTS: Tiếp tục loạt bài Sóng dậy Biển Đông và 8 ngày đi biển cùng ngư dân xứ Nghệ, hôm nay, bài viết thứ 4, là câu chuyện của những người ngư dân trong đấu tranh bảo vệ ngư trường, biển đảo tổ quốc.
Trong khó khăn nhiều mặt, hiểm nguy luôn rình rập nhưng họ không nản lòng, dũng cảm đấu tranh đến cùng trước mọi thế lực sai trái...
…Thiếu thốn trên tàu không phải là nỗi lo ngại lớn nhất của người ngư dân, những đòn đánh lén của cả tàu cá và tàu liên ngành Trung Quốc mới là điều khiến họ e ngại.
Tàu cá Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam giữa biển khơi
Trong những ngày lênh đênh trên biển chúng tôi đã có những thời gian tâm sự cùng các ngư dân. Bên cạnh các câu chuyện cuộc sống hàng ngày thì chúng tôi vẫn nhớ mãi câu chuyện của máy phó Hồ Xuân Liêu và thuyền viên Trần Ngọc Thành về lần bị tàu cá Trung Quốc đâm khi họ đang ngủ.
Máy phó Hồ Xuân Liêu vẫn chưa quên được lần tàu của mình bị tàu cá của Trung Quốc đâm lén cách đây hơn 1 năm (ảnh Xuân Hòa) |
Cả hai thuyền viên bực mình nhớ lại lần bị tàu cá Trung Quốc đánh lén:
Vào tháng 3/2014, khi đó cả anh Liêu và anh Thành đang làm thuyền viên trên một tàu đánh mực 2 sào.
Lúc ấy, tàu mới ra khơi đánh bắt được 4 ngày tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ thuộc tỉnh Nghệ An, sau một đêm dài đánh mực đến hơn 8 giờ sáng các thuyền viên trên tàu vào ngủ.
Cũng như những ngày khác, tàu của các anh chỉ neo lại bằng dù để nghỉ. Cả đêm thức trắng để hành nghề nên tất cả nhanh chóng chìm vào giấc ngủ sâu.
"Đều là ngư dân cả nhưng tàu cá Trung Quốc ỷ thế lớn hơn đâm vào tàu của chúng tôi là hành động thiếu nhân văn, không chấp nhận được", thuyền viên Trần Ngọc Thành bức xúc khi nhớ lại lần tàu câu mực của mình bị tàu cá Trung Quốc đâm lén khi đang đánh bắt trên biển (ảnh Xuân Hòa) |
Nhưng khi tất cả đang say giấc, bỗng chiếc tàu bị hất mạnh về phía trước sau một va chạm lớn từ phía sau tàu. Tất cả nhanh chóng vùng dậy và lao nhanh ra phía đuôi tàu xem có chuyện gì.
Trong lúc các thuyền viên chạy ra đuôi tàu chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì tiếp tục bị chiếc tàu cá Trung Quốc đâm cú thứ 2 làm tất cả ngã ngửa ra sàn tàu.
Ngay lập tức các thuyền viên trên tàu nhanh chóng lấy các vật dụng trên tàu để đáp trả. Thấy vậy chiếc tàu cá Trung Quốc nhanh chóng lùi lại rồi tăng ga bỏ chạy.
Trên tất cả các tàu đánh bắt xa bờ đều có thiết bị định vị giúp các ngư dân không xâm phạm lãnh hải nước khác (ảnh Xuân Hòa) |
“Lúc đó, tàu chúng tôi chỉ có hơn 300CV quá nhỏ so với con tàu cá khoảng hơn 1000CV của Trung Quốc. Bị họ đâm lén nên tất cả quá bất ngờ, nhưng khi tỉnh lại thấy vậy chúng tôi sẵn sàng chống trả.
Tàu cá Trung Quốc thường lớn hơn tàu cá của mình, họ còn có cả tàu sắt với công suất lớn. Đối đầu với họ thì tàu chúng ta bất lợi, hôm đó nếu trúng phải tàu sắt đâm chắc tàu chúng tôi đã vỡ tan.
Nhưng chúng tôi đánh bắt trên biển của đất nước mình sao phải sợ. Có sao chúng tôi cũng phải cho kẻ xấu biết chúng tôi không phải là những người dễ bắt nạt”, máy phó Hồ Xuân Liêu nói.
Ngư dân Bùi Duy Phương vẫn chưa thể quên được lần tàu cá của mình bị tàu liên ngành Trung Quốc giở trò xảo trá kéo vào biển của Trung Quốc để bắt giam giữ và đòi tiền chuộc (ảnh Xuân Hòa) |
Bị tàu cá Trung Quốc đâm mạnh 2 lần nên phía đuôi tàu câu mực của anh Liêu bị bay mất một phần lan can. Sau khi sửa chữa lại tạm thời chiếc tàu vẫn tiếp tục đánh bắt đến khi đầy khoang mới vào bờ.
“Tàu chúng tôi không phải là tàu duy nhất bị các tàu cá Trung Quốc đâm lén khi đánh bắt trên ngư trường Biển Đông. Nhiều tàu ngư dân khác của ta cũng đã bị tàu Trung Quốc đâm lén như vậy”, thuyền viên Trần Ngọc Thành cho biết.
Hành động xảo trá của tàu liên ngành Trung Quốc
Trước khi lên tàu ra khơi cùng các ngư dân, chúng tôi đã có dịp gặp các ngư dân là nạn nhân của những hành động xảo trá do tàu liên ngành Trung Quốc.
Đến tận bây giờ anh Bùi Duy Phương (SN 1970, trú tại ở thôn Thành Tiến, xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu) vẫn không thể quên được thời điểm năm 2002. Lúc đó, mặc dù còn khó khăn nhưng anh cùng các ngư dân khác đã vay vốn ngân hàng đóng tàu câu mực để ra khơi bám biển.
Tàu của ngư dân Nguyễn Đình Thắng và Đậu Văn Quân cũng bị tàu cá Trung Quốc bắt giam 6 tháng để đòi tiền chuộc (ảnh Xuân Hòa) |
Nhưng khi con tàu chỉ mới ra khơi được vài chuyến, đến tháng 8/2002 khi anh cùng 8 ngư dân khác đang đánh bắt ở trên Vịnh Bắc Bộ, thuộc vùng biển Việt Nam thì bị 4 tàu của lực lượng liên ngành Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam áp sát.
Ngay sau đó, đội tàu liên ngành Trung Quốc áp sát tàu của anh Phương rồi tạo sức ép, móc kéo tàu của anh chạy thêm khoảng 4 tiếng sang địa phận thuộc lãnh hải của Trung Quốc.
Đến lúc này lực lượng liên ngành Trung Quốc mới dở trò xảo trá bằng cách chụp ảnh, quay phim lại thiết bị trên tàu anh Phương để làm chứng cứ chứng tỏ tàu cá này vi phạm lãnh hải của họ.
Khi giữa trùng khơi, những ngư dân với con tàu gỗ nhỏ bé không thể chống lại lực lượng đông với đầy sự xảo quyệt của 4 chiếc tàu sắt lực lượng liên ngành Trung Quốc. Sau đó, anh Phương cùng toàn bộ thuyền viên và chiếc tàu đã bị kéo về đảo Hải Nam giam giữ.
Để được thả về lực lượng liên ngành Trung Quốc bắt gia đình anh Thắng phải trả khoản tiền chuộc 160 triệu đồng. Sau đó, gia đình các thuyền viên trên tàu anh Thắng phải đi vay mượn để gửi tiền sang chuộc người thân.
Trường hợp anh Nguyễn Đình Thắng (trú tại thôn Phong Thái, xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) cùng với 7 ngư dân khác cũng bị tàu liên ngành Trung Quốc dùng cách xảo trá như với anh Thắng để bắt về giam giữ đòi tiền chuộc.
Anh Thắng bị giam cùng chiếc tàu trên đảo Hải Nam suốt 6 tháng trời. Chỉ đến khi gia đình gửi tiền chuộc sang anh Thắng mới được lực lượng liên ngành Trung Quốc thả cho về.
“Bọn họ (tàu liên ngành Trung Quốc – PV) rất gian xảo, dùng sức mạnh và tàu công suất lớn có trang bị vũ khí kéo các tàu cá Việt Nam sang lãnh hải của Trung Quốc để quay phim chụp ảnh làm chứng cứ tàu cá của mình xâm phạm lãnh hải.
Tàu ngư dân của mình thì bé, công suất nhỏ nên khi tàu liên ngành Trung Quốc đuổi không thể chạy kịp được. Không dừng lại thì họ cho tàu đâm vào tàu mình vỡ tan tành ra đó chứ.
Sau khi đã có chứng cứ tự tạo dựng, họ bắt nhốt các tàu cá và thuyền viên cho đến khi nào nhận được tiền chuộc mới thả cho về. Họ chỉ chọn các tàu lớn và còn mới để ép bắt, vì như vậy mới ép được tiền chuộc cao.
Đây đúng là hành động xấu xa, không chấp nhận được. Chứ tàu ngư dân chúng tôi đều có máy định vị không dại gì xâm phạm lãnh hải của họ”, ngư dân Nguyễn Đình Thắng bức xúc cho biết.
Chỉ riêng 3 xã Tiến Thủy, Sơn Hải, Quỳnh Long (huyện Quỳnh Lưu) từ năm 1998 đến năm 2009, đã có 12 tàu đánh bắt xa bờ của hàng trăm ngư dân bị tàu liên ngành của Trung Quốc dùng cách gian xảo trên bắt giữ trái phép để đòi tiền chuộc.
Còn tiếp ...