Kền kền "chính thống" và tư thế ngủ "kém duyên" của Hoa hậu Kỳ Duyên

02/07/2015 06:04
Xuân Dương
(GDVN) - Đến bao giờ thì những bài viết kiểu “kền kền” mới không còn đất sống trên các báo chính thống?

Truyện dân gian kể rằng, chuẩn bị tiếp sứ thần nhà Thanh, triều đình không muốn để các đại thần danh cao vọng trọng ra đón sợ có gì thất thố. Sau khi thương nghị, vua Lê, chúa Trịnh nhất trí giao việc tiếp sứ cho Trạng Quỳnh.

Vốn là bạn cùng học lại đã quá rõ tài nhau nên Quỳnh xin vua triệu bà Đoàn Thị Điểm cùng giúp mình. Trạng đóng vai người lái đò chở phái bộ sứ Tàu, còn bà Đoàn Thị Điểm đóng vai cô bán hàng ở bờ sông.


Thời ấy, phụ nữ Việt đều mặc váy, đến thời vua Minh Mạng mới ban chiếu cấm mặc váy, điều này được lưu truyền qua bài ca dao:

Tháng Tám có chiếu vua ra, 
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng, 


Đoàn Thị Điểm mặc váy lại ngồi ở bờ sông lộng gió nên váy có lúc “phất phơ”, sứ Tàu thấy thế buông lời khinh mạn:

Nam bang nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh” câu này nghĩa đen là “Một tấc đất của nước Nam, không biết bao nhiêu người cày” nhưng lại còn mang hàm ý xấu khi ngụ ý về một bộ phận trên cơ thể người phụ nữ.

Nghe sứ Tàu nói vậy Đoàn Thị Điểm điềm nhiên đáp:

Bắc quốc đại trượng phu giai do thử đồ xuất, nghĩa là “Các đại trượng phu Bắc quốc đều “từ chỗ ấy” mà sinh ra”.

Người Việt, ngày xưa vốn coi trọng lời ăn, tiếng nói, càng ý tứ trong cử chỉ giao tiếp chốn đông người, chuyện “váy bay” của Đoàn Thị Điểm vốn chỉ là giai thoại không được kiểm chứng.

Phụ nữ Việt ngày nay, đặc biệt là nữ thanh niên, chuyện ăn mặc, xử sự nơi công cộng đa phần bị đặt xuống hàng thứ yếu. Có lẽ vì thế mà Vietnamnet.vn ngày 24/6/2015 phải có bài viết “Con gái Hà Nội rất xinh nhưng… nói tục quá”! Không chỉ nói tục mà không ít người còn cố tình khoe những chỗ mà không biết gia đình, người thân họ sẽ nói thế nào nếu nhìn thấy.

Mới đây, ảnh tân hoa hậu Kỳ Duyên ngủ trên máy bay được cư dân mạng chia sẻ, bàn bán rôm rả. Cần phải thấy rằng việc chụp trộm ảnh rồi phát tán trên mạng là việc làm trái pháp luật, xâm phạm đời tư của công dân. 

Tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, một số đại biểu đã đề cập đến chuyện phát tán hình ảnh khiến một thiếu nữ phải tự tử, xem đó là lời cảnh tỉnh những kẻ cố tình xâm phạm đời tư người khác.

Thay vì phụ họa theo mạng xã hội, cần tìm người làm việc này và có chế tài xử lý bởi hành động đó có thể mang lại những hệ lụy khôn lường. 

Luật Dân sự 2005 điều 31 và điều 38 quy định: 

Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”.

Có thể người chụp ảnh và đăng tải hiểu biết kém về pháp luật, nhưng không thể vì thế mà bỏ qua không xử lý theo luật. Điều đáng nói là một số cơ quan báo chí cũng sử dụng hình ảnh trên mạng xã hội cho các bài viết của mình.
Luật Báo chí hiện hành có quy định những điều không được phép thông tin trên báo chí, còn Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi thì quy định các hành vi bị cấm, ví dụ “cấm thông tin nhiều vấn đề trên báo chí: bí mật đời tư cá nhân và bí mật khác mà pháp luật Việt Nam quy định; thông tin sai sự thật, xuyên tạc lịch sử; ...”. [1]

Dự thảo luật báo chí: “Cấm tiết lộ bí mật đời tư…” (Ảnh chụp màn hình)
Dự thảo luật báo chí: “Cấm tiết lộ bí mật đời tư…” (Ảnh chụp màn hình)

Những bài đăng trên báo chính thống sử dụng hình chụp hoa hậu Kỳ Duyên ngủ trên máy bay phải chăng là đã được đương sự đồng ý, phải chăng việc đó không ảnh hưởng đến uy tín của Kỳ Duyên trước công chúng?

Điều đáng nói không phải là tư thế ngủ “kém duyên” của Kỳ Duyên mà là một số phóng viên và báo chính ngạch cũng tranh thủ “ăn theo” cộng đồng mạng, xem đó là một sự kiện để thu hút sự chú ý của bạn đọc.

Tại sao lại tồn tại một nghịch lý là báo chí “đàng hoàng” phải “ăn theo” mạng xã hội? Chẳng lẽ không còn gì để viết, để bình luận? Khi mà Biển Đông dậy sóng, ngư dân hàng ngày bị ngoại bang đe dọa tính mạng. Khi mà rừng bị phá, sông bị lấp, trẻ em bị bỏ rơi ngay từ lúc lọt lòng thì vì sao phải xúm nhau vào cái chuyện không đâu xuất phát từ mạng xã hội? Chẳng lẽ cái sự “lá cải” người ta hay dùng ngày nay không còn chỉ dành riêng cho báo “lá cải”?

Nói theo ngôn ngữ trên diễn đàn Nhà báo trẻ (một diễn đàn tập hợp rất đông thành viên là các nhà báo, phóng viên) thì đó là những bài viết kiểu kền kền, sự khác nhau có chăng là ở chỗ kền kền thật chỉ rình xác động vật chết, còn đây là kền kền thời @, loại kền kền này không sống bằng xác động vật mà bằng “lá cải”. Một đặc tính mà loại kền kền này đã và đang phát triển tới mức siêu phàm là đánh hơi phân loại “vùng nhạy cảm”. Có “vùng nhạy cảm” người ta rầm rộ lao vào, có “vùng nhạy cảm” thì “lờ lớ lơ” coi như không biết, không nghe, không tìm hiểu, không bình luận. 

Có bài viết mới đọc cái tít thì thấy rất nhân văn, kiểu như "Hoa hậu Kỳ Duyên không đáng bị phê phán"..., khi đọc xong mới thấy nó cũng chỉ như là loại kền kền mới lớn, chầu rìa vòng ngoài để giành chút “thị phần”, chẳng khác nào góp thêm một viên đá mà cộng đồng mạng đang hè nhau ném vung ném vãi.

Tuy vậy, về phía hoa hậu Kỳ Duyên, chấp nhận đội lên đầu vương miện hoa hậu nghĩa là chấp nhận vinh hạnh và sự khắt khe của dư luận. Trước khi biện minh, hoa hậu cần nghiêm túc xem lại mình. Sự mệt mỏi trên các chuyến bay và các sự kiện nếu có cũng không thể so sánh với các chị công nhân giao thông hay những bà mẹ trẻ mùa này đang cắt lúa ngoài đồng.

Trở thành hoa hậu, bên cạnh sự may mắn trời cho về hình thể còn là sự nỗ lực trau dồi văn hóa, con người có ý tứ, người ta cũng ý tứ ngay cả trong giấc ngủ. Các bà mẹ xưa dạy con gái nằm ngủ trong nhà chỉ nằm nghiêng chứ không nằm ngửa, các bà mẹ ngày nay không mấy ai biết dạy con gái như vậy. Nói thế có thể không được một số người chấp nhận nhưng đó lại là điều không phải chỉ hoa hậu mà cả những người bên cạnh hoa hậu cần để tâm suy ngẫm.

Cũng xin nói thêm, một quốc gia Đông Nam Á ngày nay có những quy định ít người nghĩ đến, chẳng hạn nếu từ ngoài nhìn qua cửa kính thấy người khỏa thân trong phòng thì người khỏa thân sẽ bị phạt, mức phạt lên đến cả ngàn đô la. Đó là điều luật giáo dục công dân của họ ý thức tôn trọng cộng đồng ngay khi bạn ở trong phòng ngủ nhà mình chứ không chỉ ở nơi công cộng.

Để cung cấp năng lượng cho muôn loài sinh sôi nảy nở, mặt trời phải tự thiêu đốt chính mình. Muốn trở thành biểu tượng để hàng triệu bạn trẻ mến phục, hoa hậu phải biết tiết chế những sở thích đời thường. Máy bay là chốn công cộng, không phải phòng riêng để ai cũng có thể thoải mái gác chân khi ngủ. 

Đến bao giờ thì làng báo mới chấm dứt được “hội chứng đám đông” như trên mạng xã hội? Đến bao giờ thì những bài báo kiểu “kền kền” mới không còn đất sống trên các báo được gọi là "chính thống"?

Câu hỏi này không chỉ dành cho người làm báo mà còn dành cho cơ quan quản lý và chính những người đọc.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://tuoitre.vn/tin/nhieu-diem-moi-trong-du-thao-luat-bao-chi-sua-doi/754053.html

Xuân Dương