Lính hải quân Trung Quốc, hình minh họa: NDTV. |
Amanda Conklin, một học giả chuyên nghiên cứu các vấn đề an ninh và quan hệ quốc tế khu vực châu Á ngày 1/7 bình luận trên The National Interest về lý do tại sao ASEAN không thể chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) đang kéo dài sang năm thứ 13 trong khi Trung Quốc đã tiến hành chiến dịch bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo (bất hợp pháp) quy mô lớn, làm thay đổi hiện trạng vùng biển này.
Các nhà phê bình đã than thở, ASEAN không có khả năng hình thành một chính sách thống nhất chống Trung Quốc bành trướng. Mơ hồ về sự trỗi dậy của Trung Quốc là một "quái thai" trong tiến trình hội nhập của khu vực Đông Nam Á, mặc dù ASEAN có kế hoạch hình thành một Cộng đồng kinh tế vào cuối năm nay.
Hội nhập khu vực vào trụ cột chính trị - an ninh vẫn đang rất chậm. Từ những năm 1990 đến nay ASEAN đã không thành công trong việc ngăn chặn Trung Quốc đẩy khu vực vào tình trạng bất ổn và đe dọa hội nhập của ASEAN.
Trung Quốc đối đầu với Philippines ngoài bãi Cỏ Mây (trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) năm ngoái chỉ 9 ngày trước một phiên tham vấn với ASEAN, Bắc Kinh cho thấy họ ít quan tâm đến mục tiêu của ASEAN trong một trật tự hợp tác khu vực.
Trong khi ASEAN thiếu thống nhất về nhiều vấn đề chính trị và an ninh, Trung Quốc đã khai thác triệt để mâu thuẫn, chia rẽ giữa các thành viên trong cộng đồng, gây áp lực kinh tế chống lại sự đồng thuận của ASEAN trong vấn đề an ninh hàng hải ở Biển Đông.
Đường băng 3000 mét Trung Quốc đã xây xong trên đảo nhân tạo bồi lấp bất hợp pháp ngoài đá Chữ Thập, Trường Sa phục vụ âm mưu bành trướng, độc chiếm Biển Đông. Ảnh: Reuters. |
Hơn nữa ASEAN không có một phương pháp tiếp cận trước sự hung hãn leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông, đây là lý do chính tại sao đến giờ ASEAN vẫn bị chia rẽ trong vấn đề ứng xử với Trung Quốc.
Sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, ASEAN đã thiếu vắng một nhà lãnh đạo giống như vai trò của Đức trong Liên minh châu Âu EU. Singapore và Thái Lan cũng đã đóng vai trò lãnh đạo hạn chế trong khối về các vấn đề kinh tế. Nhưng khả năng thực hiện vai trò này của Thái Lan đã suy yếu vì những rắc rối nội bộ.
Sự vắng mặt của một thủ lĩnh lãnh đạo nòng cốt trong khi không có một cơ chế nội bộ mạnh mẽ giảm thiểu sự khác biệt giữa các thành viên đã đẩy ASEAN tới chỗ phải đối mặt với các vấn đề an ninh nổi bật. Thiếu vắng thủ lĩnh trong ASEAN đã góp phần tạo ra môi trường mà nhiều thành viên theo đuổi các hoạt động, chính sách song phương với Trung Quốc.
Nếu không có một sáng kiến lãnh đạo tập trung hơn của ASEAN, rất ít khả năng tạo ra được thay đổi đáng kể trong chính sách của khối đối với Trung Quốc. Jakarta vẫn là "đầu tàu tượng trưng", nhưng Indonesia hiện đang thiếu ý chí trong việc đóng một vai trò lanh đạo dứt khoát.
Tương lai của ASEAN gắn chặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Với một loạt khác biệt về chính trị, kinh tế và quân sự giữa các thành viên ASEAN, tổ chức cần một tiếng nói mạnh mẽ giữa các quốc gia thành viên để định hướng các tham vấn nội bộ và bên ngoài nếu các thành viên đều muốn ASEAN trở thành nòng cốt trong các vấn đề an ninh khu vực.
Nếu không xuất hiện một nhà lãnh đạo tận tâm và có khả năng dẫn dắt ASEAN trong các vấn đề chính trị - an ninh, ngọn "núi lửa Biển Đông phun trào định kỳ các cuộc khủng hoảng" có thể đẩy khu vực vào tình trạng bất ổn kinh niên, Amanda Conklin nhận định.