Prashanth Parameswaran, biên tập viên của The Diplomat . Ảnh: The Diplomat. |
Prashanth Parameswaran, biên tập viên của The Diplomat chuyên bình luận các vấn đề Đông Nam Á ngày 2/7 phân tích về khả năng đương đầu với các thách thức quân sự mới Trung Quốc tạo ra trên Biển Đông. Ông cho rằng Bắc Kinh mới đang chỉ bắt đầu cuộc chơi, và hành động của Trung Nam Hài đòi hỏi phải có một phản ứng.
Đầu tuần này Trung Quốc đã thông báo rằng họ đã bồi lấp, xây dựng xong một số đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Thông báo này có nghĩa là Bắc Kinh đã chuyển trọng tâm từ bồi lấp xây đảo nhân tạo sang giai đoạn mới, cài đặt các cơ sở quân sự trên chúng. Những hành động khiêu khích này rõ ràng làm tăng nguy cơ phá hoại hòa bình, ổn định của khu vực cũng như lợi ích của Hoa Kỳ.
Trung Quốc có thể dùng căn cứ quân sự trên đảo nhân tạo tấn công các bên yêu sách khác
Sự nhấn mạnh các hành động đơn phương của Trung Quốc thách thức ngoài Biển Đông rất đáng suy nghĩ, đặc biệt là những gì Washington và các bên liên quan có thể làm để đương đầu với Bắc Kinh. Bước đầu tiên là phải hiểu rõ về những gì Trung Quốc đang làm, chúng có ý nghĩa như thế nào đối với các bên yêu sách khác cũng như Hoa Kỳ và các nước có cùng mối quan tâm, lợi ích ở Biển Đông.
Hình ảnh chụp từ vệ tinh mới nhất đã khẳng định điều mà một số người đã biết từ lâu: Bắc Kinh đang xây dựng căn cứ quân sự trên một số bãi đá, một trong số này có thể được sử dụng vào mục đích tấn công chống lại các nước nhỏ khác cũng có yêu sách ở BIển Đông.
Các căn cứ này bao gồm đường băng, đơn vị đồn trú quân, hỏa lực phòng không và hỏa lực mặt đất, radar cũng như các thiết bị thông tin liên lạc. Chúng sẽ làm tăng khả năng Trung Quốc tuần tra (bất hợp pháp) các vùng biển xung quanh, do thám hoạt động của các bên yêu sách khác và khiến Bắc Kinh dễ dàng hơn trong việc bành trướng yêu sách lãnh thổ (vô lý, phi pháp) của họ, trong khi đẩy lùi những nỗ lực của các bên khác.
Quân sự hóa (bất hợp pháp) các đảo nhân tạo ở Trường Sa là hành động làm mất ổn định khu vực, vi phạm các cam kết Trung Quốc đã thỏa thuận với các nước láng giềng. Đáng chú ý nhất, nó đi ngược lại Tuyên bố Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà họ ký với ASEAN năm 2002.
Bắc Kinh đã chứng minh rằng họ luôn sẵn sàng sử dụng các công cụ, thủ đoạn gây mất ổn định Biển Đông. Điển hình là cuộc khủng hoảng Scarborough năm 2012 hay khủng hoảng giàn khoan 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam năm ngoái, xâm lấn cả vùng biển của Malaysia và Indonesia.
Hành động của Trung Quốc cũng là một mối đe dọa trực tiếp đến lợi ích của Hoa Kỳ trong khu vực Thái Bình Dương. Mỹ mong muốn một khu vực tự do, hòa bình và ổn định mà họ đã bảo lãnh thành công kể từ sau Thế chiến II. Sau khi hưởng lợi từ sự hòa bình và ổn định mà Mỹ bảo lãnh ấy trong vài thập kỷ để phát triển, Bắc Kinh hiện đang quay lại đe dọa nó bằng các hành động vi phạm quy tắc và chuẩn mực quốc tế.
Trung Quốc xây dựng các cơ sở quân sự ở Biển Đông sẽ đẩy các bên yêu sách khác cũng phải nhanh chóng củng cố quốc phòng, dễ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Tên lửa Trung Quốc, hình minh họa. Ảnh: mod.gov.cn. |
Mỹ và các bên yêu sách khác có thể làm gì để đối phó với Trung Quốc?
Khi đã nhận diện được các thách thức nghiêm trọng từ Trung Quốc, bước thứ 2 là làm thế nào để đối phó với nó. Mục tiêu ở đây không nên chỉ là dừng lại, làm chậm hoặc làm phức tạp quá trình quân sự hóa bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, mà còn phải ngăn chặn các hành động của Bắc Kinh gây bất ổn trong khu vực.
Điều này đòi hỏi một loạt các hành động, từ việc phải làm cho Trung Quốc cảm thấy hổ thẹn bằng cách tiết lộ thông tin về các hoạt động leo thang của Bắc Kinh trước. Nó sẽ giúp các bên ngăn chặn Bắc Kinh, đồng thời khắc phục sự mất cân bằng quân sự có lợi cho Trung Quốc ở Biển Đông. Hoàn toàn có thể làm được việc này khi các bên yêu sách sẵn sàng, và những nước khác đưa ra sáng kiến giúp đỡ họ nâng cao năng lực.
Đồng thời Hoa Kỳ và các bên liên quan phải xem thử thách mới này như là một bước đi chiến lược mới của Trung Quốc theo đuổi sự hung hăng trên Biển Đông. Ví dụ hoạt động bồi lấp xây đảo nhân tạo không nên làm mất sự tập trung vào tính bất hợp pháp của bản thân các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Hoạt động bồi lấp của Bắc Kinh rõ ràng vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc 1982 về Luật Biển, cộng đồng quốc tế phải nhấn mạnh điều này, bất kể là thông qua tuyên bố ngoại giao hay các hành động pháp lý, hoặc tự do qua lại sát các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp ngoài thực địa.
Tương tự như vậy, tập trung vào các chi tiết mới của những căn cứ quân sự mới sẽ không làm giảm các bước leo thang tiếp theo của Trung Quốc, bao gồm nguy cơ đơn phương tuyên bố áp đặt vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông. Có cái nhìn toàn cục là điều quan trọng không chỉ để bất kỳ bên nào phản ứng trước các hành động của Bắc Kinh, mà còn đóng vai trò trong việc dự báo, ngăn cản Trung Quốc leo thang.
Điều quan trọng cuối cùng Prashanth Parameswaran cho là cần phải nhấn mạnh, đó là sự tập trung vào Biển Đông không nên bị các bên xem là vấn đề riêng biệt, mà phải coi nó là một phần của những thách thức lớn hơn để đối phó với một Trung Quốc đang lên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang thay đổi.
Washington và các bên liên quan cần quan tâm, suy nghĩ cẩn thận về việc làm thế nào để xác định các trình tự, hiệu chỉnh, cân đối các hành động khác nhau về Biển Đông, đối phó với Trung Quốc. Với Hoa Kỳ, thách thức sẽ là giữ cho mối quan hệ Mỹ - Trung ổn định trong khi không sợ đối đầu với các hành vi phạm pháp của Bắc Kinh làm suy yếu ổn định khu vực.