LTS: Thời gian vừa qua, các đề văn thi vào lớp 10 hay đề văn của kì thi chung quốc gia đều có các câu đọc hiểu và nghị luận xã hội mở theo hướng cuộc sống (vấn đề thời sự Hoàng Sa, Trường Sa; vấn đề vô cảm, bạo lực, thiện ác; vấn đề kĩ năng, kiến thức trong cuộc sống…). Sự đổi mới trong cách ra đề văn nghị luận gây hoang mang cho không ít học sinh và giáo viên.
Liệu cách dạy và học truyền thống của môn Ngữ Văn THPT, THCS có còn phát huy được hiệu quả. Trong bài, người viết sẽ trình bày một số quan điểm của cá nhân mình về vấn đề này.
Bài viết dưới đây của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền, tổ trưởng tổ Xã hội – Trường THPT FPT cho chúng ta một góc nhìn để dần dần thay đổi cách học cũng như các dạy văn hiện nay.
Gần đây nhất, vấn đề người lính Trường Sa làm nóng đề thi môn Văn – kì thi THPT quốc gia. Trước đó, đề thi văn vào lớp 10 của trường THPT Chuyên Hùng Vương – TP Pleiku Gia Lai gắn với kĩ năng từ chối sự cám dỗ.
Không chỉ đòi hỏi tư duy và suy nghĩ về lối sống thực tại của học sinh trong xã hội hiện nay, đề thi của trường này còn nói về tình yêu quê hương đất nước, và suy nghĩ của các em về biển đảo quê hương qua trích đoạn bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của nhà thơ Huy Cận.
Hay đề tuyển vào lớp 10 của Sở Giáo dục Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh nói về lối sống vô cảm ngay trong chính gia đình của mình của nhiều bạn trẻ và vấn đề thời sự U23 Việt Nam thi đấu bóng đá tại SEA Games, đề nghị thí sinh nêu cảm xúc của tác giả khi hát quốc ca Việt Nam cũng như từ đó nhận xét về thực trạng hát quốc ca trong học sinh…
Nhiều thí sinh thấy đề khá bất ngờ nhưng không khó khăn, giúp phát huy tính sáng tạo của học sinh, không yêu cầu học sinh phải học thuộc lòng. Tuy nhiên, không ít bạn ngỡ ngàng, hụt hẫng vì đề thi lại thực tế và đòi hỏi kiến thức xã hội như vậy.
Chắc chắn rằng với cách ra đề đổi mới và ít theo khuôn mẫu này, thí sinh chỉ “học tủ” thì không làm tốt được.
Vốn sống và kĩ năng sống đa dạng giúp học sinh bày tỏ quan điểm cá nhân một cách thuyết phục. Ảnh Thu Hiền |
Đề văn ngày càng mở và gắn liền với cuộc sống. Vì vậy học sinh không chỉ cần những kiến thức trong sách vở mà còn phải có tư duy xã hội tốt thì mới làm cho bài văn hay và sáng tạo.
Tuy nhiên, cách dạy môn Văn truyền thống là cảm thụ, phân tích các nhân vật, tình huống văn học dựa theo khuôn mẫu, không kết nối với thực tế sẽ khiến học sinh trở thành người học thụ động, chỉ biết học thuộc lòng, học văn người.
Bên cạnh đó, vốn sống và kĩ năng sống đa dạng sẽ giúp học sinh có những tình huống minh họa sinh động hay bày tỏ quan điểm cá nhân một cách thuyết phục.
Điều này đòi hỏi sự đổi mới trong cách giảng dạy của giáo viên và việc tạo điều kiện để học sinh hoạt động, trải nghiệm, va chạm ở mỗi trường học.
Bởi việc dạy kĩ năng sống tốt nhất là để cho trẻ được thực hành các kĩ năng đó vào tình huống thực tế và đúc rút thành kĩ năng của riêng mình.
Hiện nay, theo người viết tìm hiểu một số trường phổ thông ở Hà Nội đã bắt đầu lồng ghép các buổi học rèn luyện kỹ năng sống song song với việc học tập kiến thức phổ thông thông thường.
Những việc làm này nhằm giúp học sinh phát triển tối đa khả năng của bản thân, trang bị những kỹ năng sống, cũng như những kiến thức văn hóa, xã hội cho các em trong thời đại toàn cầu hóa.
Theo quan điểm của người viết, đối với việc dạy môn Văn, thầy cô nên dạy học sinh kĩ năng và kiểm tra việc sử dụng kĩ năng nhào nặn kiến thức ra sản phẩm mà bộ yêu cầu để khi thi học sinh sẽ không còn cảm thấy bỡ ngỡ.
Hay tạo ra nhiều tình huống, gắn kết văn học với các vấn đề thực tiễn, thời sự để học sinh có dịp bày tỏ quan điểm, đưa ra dẫn chứng, hiểu biết xã hội để bảo vệ ý kiến của mình.
Giáo viên cần dạy cho học sinh cách tự tìm tòi, nghiên cứu tài liệu trong các trường hợp để học sinh phát huy được khả năng của mình.
Với đề văn thuyết minh yêu cầu “Giới thiệu, trình bày về một chủ đề em quan tâm trong cuộc sống”, thay vì các bài viết truyền thống, người viết đã cho học sinh khối 10 Trường THPT FPT làm video thuyết minh.
Việc tự làm video thuyết minh đã cho các em những cơ hội được trải nghiệm, quan sát, thu thập thông tin từ thực tế để hoàn thiện suy nghĩ của mình về vấn đề mà các em quan tâm, không bị giới hạn về nội dung cũng như hình thức thể hiện, mà vẫn đáp ứng được yêu cầu của môn học.
Đánh giá học sinh dựa trên năng lực tự chiếm lĩnh kiến thức là mục tiêu giáo dục mới. Ảnh Thu Hiền |
Các em có thể làm một video thông thường, hay một bộ phim… tùy vào khả năng của mình.
Mục đích của đề văn vừa để tạo sự hứng thú cho học sinh, cho các em được trải nghiệm thực tế, vừa cho các em cơ hội có thêm hình thức kiểm tra kỹ năng nói, trình bày vấn đề vì xét cho cùng, nói và viết cũng là hai kỹ năng quan trọng mà môn Văn, đặc biệt là văn thuyết minh mong muốn rèn luyện, bồi đắp cho các em.
Hay ở bài kiểm tra học kì của học sinh khối 11, tôi đã đưa một phần thông tin về bạo lực học đường trên báo và yêu cầu các em bày tỏ quan điểm cá nhân.
Đã có rất nhiều ý kiến và quan điểm trái chiều ngay cả việc lên án nền giáo dục quá tải, hiện tượng thầy cô không quan tâm đến học sinh xảy ra phổ biến… Tôi lấy đó làm vui mừng và trân trọng từng ý kiến của các em chứ không bắt học sinh phải đi theo khuôn mẫu nào.
Qua các hoạt động này, tôi tin rằng học sinh được học kĩ năng để chiếm lĩnh kiến thức.
Và đánh giá học sinh dựa trên năng lực tự chiếm lĩnh kiến thức, đó là mục tiêu giáo dục mới. Như vậy cũng không còn tình trạng học sinh ngã ngửa khi nhìn thấy đề văn mở nữa.
Các em sẽ tự tin khi được rèn luyện kĩ năng phân tích, cảm thụ thực sự để không chỉ đề thi hôm nay mà các kĩ năng ấy còn được áp dụng trong cuộc sống để cảm nhận và thấu hiểu mọi người xung quanh.