Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: The Guardian. |
The Guardian ngày 7/7 bình luận, Trung Quốc và Nga là đối tác thương mại lớn của nhau với một mục tiêu chung: Thách thức địa vị bá chủ toàn cầu của Mỹ. Nhưng những tranh chấp trong quá khứ và cạnh tranh lợi ích trong hiện tại làm cho mối quan hệ giữa 2 cường quốc này trở nên phức tạp hơn nhiều, giống như 2 mặt của 1 đồng xu.
Nga và Trung Quốc có rất nhiều điểm chung ngoài một đường biên giới dài 2500 dặm. Hai cường quốc này luôn có mối liên hệ mạnh mẽ và trùng lặp lợi ích trên các diễn đàn Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, APEC, G-20...Tuy nhiên về mặt tuyên bố chính thức, Tổng thống Nga Putin đã bác bỏ khả năng hình thành một liên minh quân sự với Trung Quốc.
"Chúng tôi không tạo ra một liên minh quân sự với Trung Quốc. Chúng tôi không theo đuổi phương pháp tiếp cận dựa trên đồng minh, chúng tôi đang cố gắng tạo ra một cách tiếp cận toàn cầu", ông Putin cho biết.
Mặc dù về bản chất, Moscow và Bắc Kinh chia sẻ mong muốn hạn chế sức mạnh của Hoa Kỳ. Quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Trung - Nga đang phát triển, trong đó tài nguyên năng lượng của Nga được "đổi lại" bằng hàng tiêu dùng giá rẻ của Trung Quốc.
Tổng kim ngạch thương mại 2 chiều Trung - Nga đã tăng gấp 6 lần trong thập kỷ qua. Năm ngoái 2 nước ký một thỏa thuận mua bán khí đốt lớn nhất trong lịch sử. Mùa hè năm nay tàu chiến Nga và Trung Quốc "lang thang với nhau" ở Đông Địa Trung Hải - "ao nhà" của NATO.
Ông Tập Cận Bình và Putin là thượng khách của nhau trong 2 cuộc duyệt binh lớn, một vào ngày 9/5 tại Hồng Trường, một sẽ diễn ra tại Thiên An Môn ngày 3/9 tới. Vậy thực tế trục Nga - Trung mạnh đến mức nào?
Đối với Trung Quốc, một trong những điểm thu hút chính của việc hợp tác gần gũi hơn với Nga là tiềm năng để thách thức địa vị chi phối toàn cầu của Hoa Kỳ.
Alexander Korolev, một học giả từ đại học Quốc gia Singapore cho biết: Ở Trung Quốc gần đây đã xuất hiện những tranh luận nội bộ về việc từ bỏ chính sách không liên kết, nhiều tiếng nói kêu gọi Trung Nam Hải xây dựng liên minh chiến lược toàn diện với Điện Kremlin.
"Họ tranh cãi trên tạp chí Học tập, một ấn phẩm nội bộ của Trường Đảng trung ương rằng quan hệ chiến lược Trung - Nga là trọng yếu nhất và Trung Quốc sẽ không thể thay đổi cục diện thế giới từ đơn cực sang đa cực trừ phi hình thành liên minh chính thức với Nga", ông Korolev cho biết. Tuy nhiên hợp tác và cạnh tranh là 2 mặt của cùng một đồng xu.
Với chiến lược "Con đường Tơ lụa mới" của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đã (cam kết) đổ hàng tỉ USD đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mở rộng quyền lực mềm vào khu vực "sân sau truyền thống" của Nga ở Trung Á.
Ông Putin đã có một cử chỉ "gây chú ý" khi khoác chiếc áo choàng lên vai bà Bành Lệ Viện, phu nhân của ông Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh APEC năm ngoái. Ảnh: The Guardian. |
Dmitry Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow bình luận, khi Moscow và Bắc Kinh ủng hộ nhau cùng chống lại sự thống trị của Washington, Trung Quốc và Nga cũng sẽ mặc nhiên nỗ lực bảo vệ ảnh hưởng riêng của mình. Trong 2 năm qua, Nga đã sáp nhập Crimea từ Ukraine còn Trung Quốc đã "tranh thủ" bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) trên Biển Đông.
"Trung Quốc thừa nhận rằng Nga có lợi ích ở Đông Âu, trong khi Moscow thừa nhận Trung Quốc có lợi ích xung quanh chu vi đường biên giới của nó. Không phản ứng tích cực là cách Trung Quốc và Nga ngầm ủng hộ nhau trong vấn đề khủng hoảng Ukraine hoặc Biển Đông. Sẽ không có những chỉ trích Moscow và Bắc Kinh nhằm vào nhau trong các lĩnh vực lợi ích cốt lõi của hai phía."
Trong hoạt động hợp tác buôn bán, Trung Quốc chỉ quan tâm đến nguồn tài nguyên thiên nhiên và vũ khí công nghệ cao của Nga, ngoài ra Bắc Kinh chẳng có hứng thú nào trong các lĩnh vực khác. Hầu hết các dự án hợp tác song phương đều phải có sự hỗ trợ của chính phủ 2 bên, khối lượng giao dịch thương mại qua biên giới 2 nước khá nhỏ.
Sự mất cân bằng trong hoạt động kinh tế thương mại Trung - Nga còn thể hiện rõ qua việc Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Nga sau EU, trong khi Nga chỉ lọt vào danh sách 10 đối tác quan trọng của Trung Quốc.
Xuất khẩu của Moscow chiếm chỉ khoảng 3% tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc. Về hợp tác năng lượng, hai bên đã ký hợp đồng trị giá cực lớn, nhưng đường ống dẫn khí đốt công bố hàng thập kỷ qua vẫn giậm chân tại chỗ vì bất đồng về giá cả và điều kiện đi kèm.
Doanh số bán vũ khí của Nga sang Trung Quốc năm ngoái ước tính đạt 1 tỉ USD, người Nga trước đây do dự với quyết định cung cấp vũ khí tiên tiến cho đối thủ quân sự một thời của Liên Xô. Nhưng tuyên bố gần đây của các nhà xuất khẩu vũ khí quốc doanh Nga sẵn sàng cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Trung Quốc.
Động thái này đã đưa quan hệ mua bán vũ khí giữa 2 nước lên tầm cao mới trong lúc Bắc Kinh đang khát vũ khí công nghệ cao cho hải quân, không quân.
Việc bán vũ khí tiên tiến của Nga cho Trung Quốc đi kèm với hợp tác quân sự mà đã thể hiện rõ trong hoạt động tập trận chung ở Địa Trung Hải, địa bàn "ao nhà" của NATO. Mặc dù vậy người Nga vẫn cứ nơm nớp lo ngại doanh thu từ vũ khí công nghệ cao của mình có thể bị đảo ngược bởi sự sao chép của Bắc Kinh.
Chính Thời báo Hoàn Cầu cũng từng khẳng định trong một bài xã luận gần đây: "Quan hệ đối tác chiến lược Trung - Nga là kết quả của thời gian, nhưng nó hoàn toàn khác với tính chất liên minh quân sự giống như Mỹ và Nhật Bản