Chia sẻ quan điểm với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), nhận định kỳ thi THPT quốc gia vừa qua giờ chỉ có thể đánh giá sơ bộ qua hình thức tổ chức thi. Việc đánh giá thực chất của kỳ thi còn quá sớm.
Về hình thức thi, ông Khuyến cho rằng kỳ thi vừa qua cũng giống như các kỳ thi mọi năm, cũng chỉ xung quanh vấn đề giữ gìn kỷ cương, đẩy mạnh thanh tra, giám sát… nhằm bảo đảm tính nghiêm túc của kỳ thi, năm nào cũng vậy.
Tuy nhiên, khác với mọi năm đây là kỳ thi đầu tiên nhằm hai mục đích. Muốn có những đánh giá xác đáng về kỳ thi THPT quốc gia này thì còn phải chờ kết quả chấm, thông qua phổ điểm của các môn thi.
Ảnh minh họa. Xuân Trung |
Vậy thì phổ điểm như thế nào mới được xem là “đẹp”? Ông Khuyến cho biết, phổ điểm của các môn thi muốn “đẹp” phải có dạng phân bố chuẩn kiểu hình chuông đối xứng (giống như phổ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội vừa qua).
Ông Khuyến còn dẫn chứng, kinh nghiệm thế giới, tỉ lệ thí sinh tốt nghiệp phổ thông chỉ khoảng 70- 80% là vừa phải, còn nếu tỉ lệ đỗ đạt 99% thậm chí là cao hơn như ở các kỳ thi vừa qua là phi lý và dễ làm cho xã hội có ấn tượng “nếu thi như thế thì cần gì phải thi”.
Các phổ điểm nếu có dạng chuẩn sẽ phản ánh tính phân hóa cao của đề thi, do đó các trường thuộc đẳng cấp khác nhau dựa vào điểm có mức phân hóa này để chọn người học.
“Như vậy, chúng ta vẫn phải chờ phổ điểm của Kỳ thi THPT quốc gia, để xem phổ điểm này và qua đó biết được có đạt được mục tiêu đã đề ra cho kỳ thi quốc gia này hay không. Nếu không đạt được yêu cầu đó thì năm tới Bộ nên chấp nhận kiểu kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội vừa qua” ông Khuyến đưa ra khuyến cáo như vậy.
Theo ông Khuyến, phổ điểm của kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội vừa qua là chuẩn, thể tin tưởng về chất lượng kỳ thi. Ảnh trên là phổ điểm kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trong vài ngày qua, các cụm thi đã tiến hành chấm thi các môn đầu tiên. Theo nhận định của một số hội đồng chấm, có thể sẽ xuất hiện trường hợp trớ trêu khi có thí sinh rớt tốt nghiệp nhưng một số tổ hợp xét tuyển đại học, cao đẳng lại đỗ.
Những câu hỏi khó của thầy Văn Như Cương với Kỳ thi quốc gia (GDVN) - Nhà giáo Văn Như Cương bằng kinh nghiệm, quan sát của mình đã đặt ra hàng loạt câu hỏi liên quan tới Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. |
Ông Lê Viết Khuyến cho rằng các trường hợp như vậy sẽ không hiếm. Tuy nhiên theo Quy chế tuyển sinh, thí sinh phải đỗ tốt nghiệp mới được công nhận học đại học.
Trở lại câu chuyện các trường đại học sẽ gặp khó trong tuyển sinh năm nay vì một số người cho rằng đề thi ra rất dễ.
Ông Lê Viết Khuyến cho rằng, nhận định đề dễ hay khó chỉ mới do một số thí sinh và giáo viên chủ quan nhận định, còn khó hay dễ phải được thể hiện qua phổ điểm. Nếu phổ điểm bất đối xứng thì khả năng phân hóa không cao, các trường mới khó tuyển.
Như vậy, Kỳ thi THPT quốc gia đã khép lại và điều dư luận quan tâm và chờ đợi Bộ GD&ĐT sẽ sớm công bố phổ điểm của các môn thi để qua đó xã hội giám sát, đánh giá công khai mức độ thành công của kỳ thi này.
Hy vọng rằng, phổ điểm của kỳ thi cũng sẽ đẹp như phổ điểm kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố cách đây gần 1 tháng.