Bộ Giáo dục bác bỏ thông tin có sai sót trong đề thi môn tiếng Anh

10/07/2015 06:20
Phương Thảo
(GDVN) - Trước băn khoăn của độc giả Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về Đề môn Tiếng Anh, ngày 8/7 tổ Tiếng Anh (Ban đề thi) đã có phúc đáp.

Trước đó, độc giả Báo Giáo dục Việt Nam có nêu ý kiến cho rằng trong câu hỏi số 4, mã đề thi 194 môn Tiếng Anh có sai sót. Cụ thể, Question 4: A. conceal B. contain C. conserve D. conquer.

Theo từ điển Oxford Advanced Learner’s Dictionary, CONSERVE khi là động từ (bảo tồn) thì trọng âm rơi vào âm tiết số 2, còn trong trường hợp nó là danh từ (mứt = jam) thì âm tiết số 1 sẽ nhận trọng âm chính. 

Theo quan điểm của độc giả này, thì từ này không được xuất hiện trong câu hỏi kiểm tra về trọng âm (vì: không ngữ cảnh => không rõ từ loại => không xác định được trọng âm).

Ảnh minh họa. Xuân Trung
Ảnh minh họa. Xuân Trung

Ngày 8/7, tổ Tiếng Anh (Ban đề thi – Bộ GD&ĐT) đã có phúc đáp kịp thời.

Theo giải thích của tổ Tiếng Anh,  Question 3: A. conquer B. conserve C. conceal D. contain. Để phép so sánh có giá trị và có thể thực hiện được, các yếu tố ngoại vi cần phải đồng nhất. Do vậy, các từ trong mỗi câu hỏi từ 3 đến 5 (trong mọi mã đề thi) được biên soạn một cách có dụng ý theo nguyên tắc sau:

Thứ nhất, các từ thuộc cùng câu hỏi cần đồng nhất về hình thức (loại từ - part of speech, số lượng âm tiết – number of syllables) và chỉ còn yếu tố cần so sánh là vị trí trọng âm chính. Ví dụ, Question 3: động từ; Question 4: tính từ; Question 5: danh từ.

Sự sắp xếp này là tường minh, thí sinh cần nhận biết được điều này. Sự đồng nhất này là cần thiết vì trọng âm của từ tiếng Anh thường thay đổi khi từ đó chuyển đổi về hình thái/chức năng loại từ.

Bộ Giáo dục bác bỏ thông tin có sai sót trong đề thi môn tiếng Anh ảnh 2

Sai sót đề thi, Bộ Giáo dục phải cộng điểm cho tất cả thí sinh ở môn Vật lí

(GDVN) - Bộ GD&ĐT thừa nhận có sai sót trong đáp án môn Vật lí kỳ thi THPT quốc gia 2015 vừa kết thúc.

Do đó, chỉ có từ “conquer” là đáp án đúng trong Question 3, mã 582 và trong câu tương tự ở các mã đề thi còn lại (Q 4/194; Q5/362; Q3/425; Q5/796; Q5/931).

Về thắc mắc tại sao không nêu rõ loại từ trong câu hướng dẫn (instruction), nhóm biên soạn đề thi phúc đáp như sau: Đề thi muốn kiểm tra trọng âm thuộc các loại từ khác nhau (như nói ở trên) nên không thể dẫn các loại từ trong một lời hướng dẫn chung, càng không thể viết lời hướng dẫn riêng chỉ định loại từ cho từng câu hỏi mà chỉ cần trình bày một cách tường minh là đủ.

Học sinh THPT trung bình nào cũng có thể nhận biết được cách trình bày này.

Thứ hai, bài thi này là nhằm đo lường xem học sinh làm chủ kiến thức/kĩ năng được học đến mức nào theo yêu cầu của chương trình trung học phổ thông.

Nói cách khác, đề thi này là đề thi kiểm tra thành tích học tập (syllabus-based/ achievement test). Khác hẳn cách trình bày đề thi của những năm trước, tất cả 6 mã đề thi đều thống nhất bắt đầu bằng phần kiến thức cơ bản thuộc chương trình THPT, tiếp theo là kiến thức/kĩ năng tăng dần về độ khó/độ phức tạp.

Các câu hỏi 1 đến 5 chỉ tập trung kiểm tra khả năng nhận biết nội dung cơ bản đã học trong chương trình THPT. Do vậy, các lớp từ/ lớp nghĩa trong trường hợp từ đơn lẻ này nhất thiết phải sát với chủ điểm, chương trình THPT, có nghĩa là học sinh chỉ học từ “conserve” ở dạng động từ. 

Phương Thảo