LTS: Việc người thầy luôn cho là mình đúng, buộc trò nhất định phải nghe theo, không được phản biện chính là cái nguy của giáo dục.
Cô giáo Phan Tuyết đưa ra quan điểm lý giải cho nguồn gốc sự nhẫn nhịn của học sinh một phần không nhỏ nằm ở chính người thầy, cô dạy các em mỗi ngày.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết.
Việc dạy học áp đặt, một chiều tạo ra những “người thầy chân lý”. Và việc người thầy luôn cho là mình đúng, trò nhất nhất nghe theo là cái nguy của giáo dục.
Khi thời gian làm bài của các em đã diễn ra gần 100 phút, cán bộ coi thi mới phát hiện ra sự việc và phát giấy khác cho học sinh yêu cầu các em chép lại bài nhưng không bù giờ cho thí sinh.
Nhiều học sinh tỏ ra buồn, hoang mang vì làm không kịp giờ. Điều đáng nói là lỗi xảy ra hoàn toàn thuộc cán bộ coi thi nhưng tuyệt nhiên mấy chục thí sinh trong phòng thi chỉ biết im lặng phục tùng trong ấm ức.
Tôn trọng ý kiến của học trò cũng là một cách để người thầy học hỏi (Ảnh: tccl.info) |
Câu chuyện chỉ bị vỡ lở khi một số em về khóc và nói với phụ huynh. Chính phụ huynh đã đến trường yêu cầu Hội đồng coi thi phải có trách nhiệm. Và sáng ngày 2/7 các em đã được tổ chức thi lại môn Toán.
Sau sự việc xảy ra, nhiều người đặt câu hỏi: “Tại sao những thí sinh đã 18 tuổi, tuổi đủ quyền công dân mà trước một sự việc liên quan đến lợi ích của mình chỉ biết mách và khóc”?
“Tại sao các em không biết phản kháng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình?”... Nặng hơn, có người còn đặt vấn đề: “Chúng ta trông mong gì ở lớp người chỉ biết cúi đầu nghe, phục tùng dù mình không sai?”.
Và hàng loạt câu hỏi được đặt ra: “Gia đình, Nhà trường đã dạy các em những gì?”...
Giáo dục trong gia đình
Không ít những ông bố, bà mẹ đã dạy con: “Một điều nhịn bằng chín điều lành”. Nếu bạn trêu chọc con, thậm chí có bị đánh cũng không nên phản kháng lại. Có thể báo với thầy cô hoặc con tránh đi chỗ khác là xong”.
Vì sợ xảy ra nhiều chuyện không hay, vì quá lo cho con, nhiều phụ huynh đã dạy con cách sống nhẫn nhịn cho an toàn.
Ngay với cả bố mẹ hoặc người trên, các em cũng thường được dạy phải biết vâng lời, không được cãi lại chứ mấy ai khuyến khích con: “Chỉ được nghe lời những điều con cho là đúng?”
Đừng nghĩ trẻ không biết gì(GDVN) - Trong gia đình, vợ chồng nào cũng không tránh khỏi những lúc va chạm những lần cãi vã nhưng điều cấm kị là không nên cãi nhau trước mặt con. |
Vì thế, nếu em nào bày tỏ những suy nghĩ, những chính kiến của mình mà trái ngược với lời răn dạy của người lớn sẽ bị coi là ngang bướng, cứng đầu, hay “cha mẹ nói còn cãi đôm đốp, mày không để một tiếng rơi xuống đất hay sao”…
Ở nhà trường
Từ xưa, hình ảnh học sinh chăm ngoan là phải biết vâng lời thầy cô. Lời thầy cô như một mệnh lệnh, học sinh chỉ biết nghe, phục tùng mà không được phản kháng.
Nhưng sự thật, không phải lúc nào thầy cô cũng đúng. Nhiều điều thầy cô nói ra, dù các em không đồng ý cũng phải miễn cưỡng làm theo. Hay thấy thầy cô vô tình làm sai điều gì đó cũng chỉ biết im lặng.
Nếu ai đó có ý kiến khác, lập tức cũng bị liệt vào danh sách: “Học sinh cá biệt, hay lý sự và cứng đầu”. Bởi không phải ai cũng thích nghe lời nói thật.
Một học sinh lớp 10 sau khi hút thuốc bị thầy giám thị bắt gặp, thầy bắt em viết bản kiểm điểm và hạ hạnh kiểm.
Cậu học sinh ấy đã đáp lại rằng: “Nhà trường cấm hút thuốc trong trường học, con hút là sai. Nhưng con vẫn thường thấy mấy thầy giáo trường mình hút thuốc nên cứ nghĩ sẽ không vi phạm gì?”.
Cậu học sinh bỗng nổi tiếng khắp trường vì màn đối đáp ấy và dĩ nhiên được liệt vào thành phần bị để ý, theo dõi.
Ông bà ta thường nói: “Chim khôn dấu mỏ, người khôn giấu lời” nhiều thầy cô giáo đã chọn cho mình cách sống như thế cho an toàn.
Ngay cả khi quyền lợi của mình bị xâm phạm, bản thân bị ức hiếp thiệt thòi, họ cũng chọn giải pháp “im lặng cho lành”.
Họ có thể đem ấm ức của mình chia sẻ với người thân, bạn bè, thậm chí là trên Facebook nhưng tuyệt nhiên trong trường, ở các cuộc họp, họ thường giữ thái độ lặng im và khi cần biểu quyết là đưa tay trăm phần trăm. Một thầy cô nào đó bất bình, lên tiếng đấu tranh cũng sẽ gặp không ít rắc rối.
Trở lại với câu chuyện mấy chục thí sinh chỉ biết mách với cha mẹ và khóc ở Đà Lạt. Là giáo viên, tôi cũng đồng cảm với các em học sinh chỉ biết im lặng chịu đựng mà không dám phản kháng khi biết chắc thầy cô làm sai.
Sự nhẫn nhịn của các em, cũng là hệ quả từ sự giáo dục của gia đình và Nhà trường mà đặc biệt vai trò của Nhà trường là quan trọng nhất.
Chính những người dạy dỗ các em hàng ngày cũng còn chưa dám phản kháng với những điều sai, điều bất hợp lý… thì làm sao có thể dạy các em biết mạnh mẽ phản kháng với việc làm không đúng của người khác.
Tài liệu tham khảo:
http://m.vov.vn/xa-hoi/giam-thi-coi-thi-ky-nham-thi-sinh-phai-thi-lai-411437.vov