"Tôi đã từng là hạt thóc lép..."
“Người tí hon” sống trong căn nhà gần chục mét vuông mẹ ông sắm cho ở phố Hàng Cót ( Hà Nội ) từ năm 1992, ông mở một quán nước nhỏ ven đường để mưu sinh.
Mặc dù thân hình bé nhỏ và tình trạng sức khỏe không được tốt nhưng ông cũng đã tốt nghiệp trung học phổ thông như bao bạn bè cùng trang lứa, rồi cũng có mơ ước vào cổng trường đại học nhưng số phận nghiệt ngã đã dập tắt mọi ước muốn cháy bỏng của ông.
"Không có trường đại học nào dám nhận một người như tôi hết, tôi đã từng bươn trải rất nhiều nghề để kiếm sống: rửa bát, bán thuốc lá dạo, thư kí cho một xưởng sản xuất tăm tre của người tàn tật, dán bìa hộp bánh kẹo, ....nhưng công việc nào cũng chỉ được một thời gian vì tình trạng sức khỏe của tôi không cho phép, tôi đã từng nghĩ mình là đồ bỏ đi, là hạt thóc lép của gia đình..." ông buồn bã nói.
Thật may, cũng tại quán nước nhỏ bé này, ông đã gặp được cậu bạn tên Jim (người Canada).
Ông Phú trong vai "người trợ giảng" cho các học sinh, sinh viên. Ảnh Huyền Chi |
Cảm phục trước sự vươn lên của ông, Jim tận tình giúp đỡ ông học tiếng Anh, sau đó giới thiệu ông làm hướng dẫn viên du lịch cho bạn bè, Jim đã cho ông sách và dạy ông những từ tiếng Anh đầu tiên và đó cũng là ngọn lửa nhen nhóm cho ước mơ làm hướng dẫn viên du lịch bấy lâu của chàng lùn phố cổ.
Ông chia sẻ, những lúc rảnh rỗi hay khi quán vắng khách, ông đều mang sách ra lẩm nhẩm từ mới, thỉnh thoảng còn đi dạo Hồ Gươm để rèn luyện sức khỏe cũng như tiếp xúc với nhiều khách Tây để khả năng giao tiếp được thuần thục hơn và nâng cao vốn từ vựng cho mình.
Hiện nay, rất nhiều khách nước ngoài đã biết đến quán nước nhỏ bé của ông, họ mời ông đi du lịch cùng họ và nghiễm nhiên, ông trở thành hướng dẫn viên du lịch từ đó.
Để có được trình độ tiếng Anh như bây giờ đối với "chú lùn" Đinh Văn Phú là một quá trình dài bởi với ông, phát âm chuẩn tiếng việt đã khó, phát âm tiếng anh còn khó hơn.
Ông tự mua sách về mày mò học từ mới, quán nước của ông cũng có rất nhiều người qua lại, những lúc như vậy ông thường vẫy tay thân thiện và chào họ bằng tiếng Anh.
Khả năng giao tiếp tốt, cởi mở, chịu khó tìm hiểu địa danh giúp ông hoàn thành mọi công việc như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Không những thế, ông còn mở lớp học tiếng Anh cho các em học sinh mọi lứa tuổi từ trung học cơ sở cho đến đại học ngay tại quán nước bé nhỏ của mình.
Nhiều người nước ngoài đã tình nguyện đến giảng dạy miễn phí cho những bạn trẻ Việt Nam có đam mê học tiếng Anh. Được biết lớp học hoàn toàn miễn phí, hơn nữa giáo viên là các thầy giáo nước ngoài đến từ các quốc gia khác nhau.
Vì điều kiện sức khỏe không cho phép nên ông Phú tham gia trợ giảng cho các thầy để giúp các em học sinh tiếp thu bài được tốt hơn. Ông được bà con lối xóm biết đến với sự nhiệt huyết và ý chí vươn lên trong cuộc sống.
Lớp học là... quán trà đá và người trợ giảng đặc biệt
Xuất phát từ ước mơ trở thành một giáo viên tiếng anh cho những người có số phận kém may mắn như mình, ông Đinh Văn Phú chia sẻ: "Đây có lẽ là ước mơ lớn nhất trong đời tôi, là một niềm vui mới của tôi cũng như niềm vui của tất cả các em khi đến với lớp học này.
Lúc đầu chỉ có vài người đến học vì tò mò, sau đó mọi người đến ngày càng đông. Vì diện tích quán nước có hạn nên tôi chỉ nhận được phần nào học sinh, vậy mà thấm thoắt lớp học này đã kéo dài được hơn 6 năm rồi".
Ông Phú trong cuộc sống thường ngày. Ảnh Huyền Chi |
Ông Phú cho biết, vì các em còn có lịch học ở trường nên ông đã xen kẽ 1 tuần sẽ có hai buổi học vào chiều thứ 2 và chiều thứ 6, mỗi buổi học chừng 2-3 tiếng từ 4h tới 7h hoặc có thể sớm hơn.
Ở buổi học thứ nhất sẽ là những kĩ năng nghe, nói nhẹ nhàng dành cho các em mới bắt đầu học và làm quen với tiếng Anh, tầm từ 8 đến 10 em, buổi học thứ hai sẽ là những cuộc đàm thoại giao tiếp dài, kèm theo là nhiều từ ngữ khó hơn dành cho những em khá hơn, tầm từ 15 đến 20 em.
Rất nhiều em ở đây tham gia cả hai buổi, điểm chung ở họ là sự yêu thích và say mê với tiếng Anh. Giáo viên hướng dẫn là ông Drug- quốc tịch Mỹ, ông Junian người Pháp và Denis –giáo viên tiếng anh người Úc.
Vào chiều thứ 2 thầy Drug sẽ là người phụ trách lớp học. Thường thì thầy Drug sẽ dạy cách giao tiếp cơ bản nhất. Ban đầu, ông Phú sẽ là người phiên dịch ra tiếng Việt để các bạn học sinh trong lớp có thể hiểu dễ dàng hơn.
Sau khi khả năng nói và nghe thành thạo thì các em sẽ chuyển sang buổi học chiều thứ 6 do thầy Denis và thầy Junian sẽ thay nhau trực tiếp rèn luyện cho các em những cuộc đối thoại dài hơn. Trong bài học có thể là những câu chuyện về văn học như Romeo và Juliet, hoặc những tác phẩm văn học của Shakespeare.
Em Minh Tâm, học sinh lớp 7, hiện đang là học sinh nhỏ tuổi nhất của lớp học cho hay: “Em thường đi học vào chiều thứ 2. Mỗi buổi thầy Drug sẽ mang đến một số loại quả và một số đồ vật khác nhau, sau đó dạy chúng em các từ mới và sửa cách phát âm tiếng anh cho từng người sao cho chuẩn nhất”.
Thu Quỳnh, sinh viên năm cuối Trường Đại học Thăng Long chia sẻ: “Em tham gia học vào mỗi buổi chiều thứ sáu hàng tuần. Thường thì mỗi một bài học lại là một chủ đề sinh động khác nhau. Hay đơn giản chỉ là những câu chuyện thời sự vừa diễn ra trong ngày.
Những từ nào không hiểu, em tra từ điển hoặc hỏi thầy Phú. Thầy Phú rất vui vẻ, cởi mở và sẵn sàng chỉ cho chúng em những gì chúng em thắc mắc. Ngày đầu đến học em còn hơi yếu kĩ năng phát âm, nhưng giờ được nói chuyện nhiều với các bạn và thầy giáo khả năng nghe của em tốt hơn nhiều".
Bạn Bùi Khánh Nguyên ( Đại học Công nghiệp Việt Hung ) cho biết thêm: “Em học cũng được già nửa năm rồi. Em thấy lớp học khá thú vị, ở đây mọi người có thể thoải mái trao đổi với nhau, đặc biệt là được sửa cách phát âm cho nhau. Những điều gì chưa biết có thể hỏi thầy.
Những người biết nhiều sẽ chỉ cho người biết ít, để tự hoàn thiện vốn ngoại ngữ của mình. Mọi người ở đây coi nhau như anh em một nhà vậy, em rất cám ơn thầy Phú đã tạo cho chúng em một môi trường học thân thiện như thế này”.
Ngoài là một người trợ giảng đắc lực, ông từng làm hướng dẫn viên du lịch được nhiều người nước ngoài yêu mến với tài nói tiếng Anh siêu đẳng. Bằng kiến thức hiểu biết của mình, ông đã dẫn nhiều đoàn khách du lịch nước ngoài đi thăm khắp phố phường Hà Nội.
Đối tượng khách của ông là những sinh viên, người nước ngoài muốn tìm hiểu khám phá đất nước Việt Nam. “Tôi thực sự muốn giới thiệu quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam xinh đẹp, thân thương của mình đến với bạn bè quốc tế”. Ông chia sẻ.
Sự lạc quan, yêu đời, của ông Phú lùn và quán nước nhỏ đã làm nên một nét rất riêng giữa phố Hàng Cót.