LTS: Bàn về Lịch sử đã có nhiều bài viết xoay quanh chủ đề này khi mà Lịch sử nghiễm nhiên nằm trong số những môn học "phụ".
Nhưng khi vấn đề này được nhìn nhận ở góc độ một sinh viên Khoa Lịch sử thì dư luận cũng có thêm một cái nhìn mới.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả quan điểm của bạn Lê Thị Huyền Trang, một sinh viên đang học Sử.
Nếu nhật ký ghi lại những trang “đời” của một con người thì Lịch sử lại có nhiệm vụ ghi lại, gợi nhắc lại lịch sử, truyền thống của một quốc gia, dân tộc mà rộng hơn là lịch sử của nhân loại.
Và cũng chẳng biết từ bao giờ nữa tôi đam mê với nó, tình yêu lịch sử trong tôi cứ lớn lên từng ngày và rồi một quyết định táo bạo: chọn ngành Lịch sử cho 4 năm trên giảng đường Đại Học.
Đã hai năm rồi, hai năm sống trọn vẹn với niềm đam mê. Cái đam mê mà gia đình không muốn chấp nhận, cái đam mê mà cả xã hội đang quay lưng lại với nó, cười cợt nó.
Có lúc dường như nó lạc lõng một mình giữa bể người mênh mông. Buồn có, tủi có, hờn trách cái thực tại… nhưng rồi lại nhanh chóng tan đi cái cảm giác đó khi bắt gặp được những trang tư liệu, những hiện vật quý giá hay những cuốn sách hay.
Có lúc tôi tự hỏi sao mọi người lại chán ghét nó nhỉ, nó rất thú vị mà? Không trả lời được, tôi bèn đi hỏi chị cùng phòng đang học kế toán của một trường danh tiếng tại Hà Nội.
Chị cười rồi bảo, em thử nhìn xem, một đứa trẻ vừa độ tuổi đến trường đã biết gì đâu, đã được bố mẹ, thầy cô và tất cả mọi người xung quanh “dạy” rằng: phải học giỏi Toán… còn Lịch sử, Địa lý là những môn phụ không cần quan tâm.
Lịch sử là môn học được dư luận “ưu ái” quan tâm nhất (Ảnh: Thanhnien.com.vn) |
Chính cái tâm lý “môn phụ” đó theo chúng mãi cộng với áp lực từ khối lượng kiến thức quá nhiều, cách giảng bài kém phần thu hút của các thầy cô, những bài kiểm tra, rồi thi cử liên tục, liên tục…
Thế đấy, gần mười năm đi học Lịch sử ở trường để rồi kết quả cuối cùng là nỗi kinh sợ nó cũng giống như nỗi sợ các môn Marx-Lenin ở trường Đại Học.
Còn chị học Kế toán thì Lịch sử chẳng giúp ích gì cho công việc cả nên chị cũng không quan tâm lắm.
Lịch sử là môn học được dư luận “ưu ái” quan tâm nhất nên thường xuyên được đề cập nhưng “vẫn” chưa tìm được “giải pháp”.
Còn các môn khoa học xã hội khác thì sao? Thử bàn về môn Địa lý nhé! Mấy ai mà không ước ao, trong cuộc đời có một chuyến du lịch khám phá mọi miền đất nước hoặc lớn hơn là cả năm châu, bốn biển.
Đổi mới dạy học - kiểm tra, đánh giá môn lịch sử?(GDVN) - Năm nào ngành cũng hô hào cải cách, đổi mới nội dung phương pháp, cách đánh giá thi cử nhưng hiệu quả chưa được là bao nhiêu, nhiều khâu bị phê phán nặng nề. |
Thế nhưng thử làm một cuộc điều tra về kiến thức địa lý xem bao nhiêu phần trăm học sinh phổ thông biết được:
Đất nước Cu Ba nằm ở đâu trên bản đồ thế giới? Vì sao ở một số nước châu Phi thường xảy ra nạn đói? Múi giờ của Việt Nam là bao nhiêu?... còn môn Giáo dục công dân thì đã mặc nhiên được xem là môn phụ từ lâu!
Một trong những môn học quan trọng nhất là Ngữ văn, cũng chỉ là cái vỏ bề ngoài, biết bao bài văn cười ra nước mắt, hằng ngày cứ được tung lên các trang mạng xã hội.
Vậy những môn học còn lại các em học hẳn phải rất là tốt! Ồ không! Các em còn chẳng biết gì về Ngoại ngữ, nhất là các em ở nông thôn, mặc dù được theo học từ 7 đến 10 năm. Trong những năm tháng học ở phổ thông các em đã nhận được cái gì?
Ở đây tôi không muốn trách cứ ai, đổ lỗi cho ai! Nhưng thực sự đã đến lúc xã hội cần phải thay đổi, không thể cứ hỗn loạn mãi được, giáo dục Việt Nam cần có những cải cách phù hợp với những cái nhìn dài hơi và những giá trị Nhân văn cần trở về với vị trí vốn có của nó!
Bài viết là quan điểm, góc nhìn, nhận định và cách hành văn của riêng tác giả.