Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 14/7 lên tiếng cảnh báo Iran về khả năng Washington sẵn sàng dùng vũ lực chống lại tham vọng hạt nhân của Tehran ngay sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử.
Ông Carter nhấn mạnh, Mỹ vẫn sẵn sàng tăng cường an ninh với các đồng minh và bạn bè trong khu vực, gồm cả Israel, để chống lại các mối đe dọa xâm lược, đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực và hạn chế các tác động tiêu cực của Iran.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Ảnh Rian. |
"Mặc dù đã đạt được thỏa thuận lịch sử... nhưng Bộ Quốc phòng vẫn luôn sẵn sàng bảo vệ an ninh và lợi ích của Mỹ. Lực lượng vũ trang của chúng tôi, gồm hàng chục ngàn binh sĩ ở Trung Đông vẫn duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở Vùng Vịnh", ông Carter cho biết.
Theo Bộ trưởng Carters, Mỹ sẽ không từ bỏ các biện pháp răn đe: "Chúng tôi sẽ sử dụng các biện pháp quân sự nếu cần thiết", ông Carter nhấn mạnh.
Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được thông tấn Nga RIA Novosti đánh giá là mang tính răn đe mạnh mẽ hơn các bài phát biểu trước đó của Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry, những người nói rằng thỏa thuận này là hoàn toàn giúp ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Ông Obama cũng cho rằng quan hệ giữa Mỹ và Iran "sẽ mở ra một hướng đi mới", nhưng nhấn mạnh Mỹ sẽ không gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống lại Iran nếu thỏa thuận hạt nhân không được tuân thủ.
Tuy nhiên, trái với sự vui mừng của các nước phương Tây, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng: “Thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran là một sai lầm nghiêm trọng với những hậu quả mang tầm vóc lịch sử”.
Theo ông Netanyahu, Iran đã có giấy thông hành để tiếp tục sản xuất vũ khí hạt nhân và Tehran đã "trúng quả đậm" bởi sắp có hàng trăm tỉ USD để tiếp tục chính sách khủng bố khi được gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ.
Để trấn an đồng minh quan trọng hàng đầu tại Trung Đông, ông Carter dự kiến sẽ tới thăm Israel trong tuần tới để củng cố cam kết rằng Mỹ sẽ vẫn bảo vệ Israel và không cho phép "các mối đe dọa từ Iran."
Ngày 14/7, nhóm P5+1 và Iran đã đạt được thỏa thuận chiến lược về chương trình hạt nhân của Iran. Các điểm chính trong thỏa thuận này gồm: Hạn chế sản xuất plutonium: Thỏa thuận Vienna quy định lò phản ứng của nhà máy điện nước nặng Arak sẽ được cải tạo để không thể sản xuất plutonium dùng cho mục đích quân sự, ngăn chặn khả năng chế tạo bom hạt nhân. |