Dự án xây dựng tuyến Bến Thành - Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7 km, gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1km đi trên cao, 14 ga. Dự án được thực hiện từ năm 2007 và dự kiến đưa vào khai thác vận hành từ năm 2020. Tổng mức đầu tư trên 54.000 tỷ đồng. Đến nay công tác giải phóng mặt bằng dự án đã hoàn tất. Trong 5 gói thầu chính có 3 gói đang triển khai và 2 gói đang chuẩn bị đấu thầu.
Mô hình tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM). ảnh: TTXVN. |
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tới kiểm tra thi công Gói thầu 1a, được đánh giá là phức tạp nhất với đoạn ngầm từ nhà ga Bến Thành đến Nhà hát thành phố, dài 515m. Nhà thầu cho biết đã xong thiết kế kỹ thuật, dự kiến đấu thầu trong Quý III. Gói 1 b với đoạn ngầm từ Nhà hát thành phố đến ga Ba Son dài 1.315m đang thi công bước đầu. Đi dọc tuyến và dừng kiểm tra tại một số hạng mục chính của gói thầu số 2 cho thấy đã triển khai thi công đồng bộ cả với khối lượng đạt khoảng 36%.
Về cơ bản, tuyến số 1 đã qua công đoạn khó khăn của việc giải phóng mặt bằng, chỉ nổi lên vấn đề giải ngân, chậm thanh toán, phát sinh chi phí, các biện pháp để đảm bảo giữ vững tiến độ đã đề ra. Trong khi đó, tuyến tàu điện ngầm số 2 gặp vấn đề thay đổi thiết kế, cần có chủ trương điều chỉnh dự án, tuyến số 5 chờ chủ trương đầu tư...
Phó Thủ tướng ghi nhận những kết quả đạt được của các dự án, đặc biệt là tuyến Bến Thành-Suối Tiên đã hình thành cơ bản được quy mô, hình hài của một trong những dự án đường sắt đô thị đầu tiên của đất nước - giải pháp giao thông hiện đại, có tính chiến lược đối với các thành phố quá tải như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.
Phó Thủ tướng đề nghị UBND TP.Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo Ban quản lý, các nhà thầu đôn đốc, khẩn trương thi công theo đúng kế hoạch; bảo đảm an toàn lao động, tính toán giảm thiểu ảnh hưởng tới việc đi lại, sinh hoạt của người dân.
Đối với một số vướng mắc của dự án tuyến số 1, trên tinh thần có những phương án, chính sách gỡ vướng tổng thể, kịp thời cho các dự án đường sắt đô thị nói chung, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét tháo gỡ cho công tác giải ngân, cả vốn đối ứng cũng như vốn từ các Hiệp định vay. Bộ Xây dựng soạn thảo, ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với thiết kế, công nghệ để áp dụng hiệu quả, phù hợp cho các tuyến khác nhau mà TP.Hồ Chí Minh triển khai.
Đối với các tuyến còn lại, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho ý kiến kết luận về vấn đề thủ tục để trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương điều chỉnh dự án, thông qua chủ trương đầu tư dự án; công tác đào tạo, chuẩn bị lực lượng vận hành, sửa chữa, việc đấu thầu, vốn tài trợ, thiết kế kỹ thuật, vấn đề GPMB ở các khu vực giáp ranh địa phương, tiếp thu công nghệ, chế tạo các thiết bị, lấy ý kiến rộng rãi người dân về mô hình toa xe, kiểm định an toàn hệ thống...
Qua cuộc thị sát, làm việc của Đoàn công tác, UBND TP.Hồ Chí Minh cho biết sẽ trình Chính phủ cho phép sơ kết vấn đề triển khai các tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn. Thành phố cũng sẽ có báo cáo những vấn đề khung chính sách, kỹ thuật công nghệ, khó khăn trong vấn đề địa hình địa chất, cơ chế vận hành đối với việc xây dựng các công trình, mô hình giao thông hiện đại, công nghệ mới.