Tờ Guardian ngày 16/7 đưa tin, một chỉ huy quân sự hàng đầu của Nhật Bản đã cảnh báo Trung Quốc rằng chính sự gia tăng quyết đoán (leo thang) của Bắc Kinh ở Biển Đông sẽ thúc đẩy Tokyo tham gia hoạt động tuần tra ở khu vực.
Phát biểu trong chuyến thăm Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, Đô đốc Katsutoshi Kawano nói rằng Nhật Bản có thể sẽ tham gia tuần tra và giám sát an ninh hàng hải ở Biển Đông, bao gồm cả hoạt động chống ngầm.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng: "Lập trường này là một vấn đề tương lai. Khả năng đó phụ thuộc vào cách hành xử (của Trung Quốc)".
Đô đốc Katsutoshi Kawano (trái) trong chuyến thăm Washington ngày 16/7. |
Đô đốc Kawano trước đó cũng đã có cuộc gặp gỡ với người đồng cấp Mỹ, tướng Martin Dempsey, để thảo luận về các vấn đề hợp tác quốc phòng song phương trong năm nay, Guardian dẫn tuyên bố chung cho biết.
Tokyo và Washington đã nhiều lần công khai chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc đưa ra những tuyên bố chủ quyền (vô lý và phi pháp) đối với 90% diện tích Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) cũng như tiến hành xây dựng một loạt các đảo nhân tạo bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa.
Đô đốc Kawano tin rằng Bắc Kinh sẽ ngày càng hung hăng hơn và tìm cách mở rộng các tuyên bố bá quyền của mình từ Biển Đông tới cả các chuỗi đảo ở Thái Bình Dương.
Trên thực tế, Trung Quốc đã tăng chi tiêu quốc phòng liên tục ở mức cao trong những năm gần đây và hướng tới việc phát triển một lực lượng hải quân có khả năng bảo vệ các lợi ích ngày càng bành trướng theo sự phát triển kinh tế của mình. Việc Bắc Kinh theo đuổi các tuyên bố chủ quyền (vô lý, phi pháp) của mình đã tạo ra một mối đe dọa đối với các nước láng giềng.
Trên biển Hoa Đông, Trung Quốc đã không ngừng gây sức ép với Nhật Bản về vấn đề tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Senkaku hiện do Tokyo kiểm soát. Trung Quốc cũng đang triển khai kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự ở Hoa Đông gần Senkaku.
Theo Đô đốc Kawano, tần suất và mức độ Nhật Bản phải huy động máy bay để ngăn chặn các hành vi xâm phạm lãnh thổ của phía Trung Quốc hồi năm ngoái đã đạt tới mức của thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Trong những tháng gần đây, Nhật Bản đã bày tỏ ý định có thể tham gia tuần tra trên Biển Đông cùng với lực lượng Hải quân Mỹ trong bối cảnh cả Tokyo và Washington cùng đang chia sẻ một cảm giác khủng hoảng trước những bước leo thang liều lĩnh của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp trong khu vực.
"Sức mạnh quân sự của mỗi quốc gia Đông Nam Á ven Biển Đông đều rất yếu. Vai trò của các lực lượng mỹ và liên minh Mỹ - Nhật là chìa khóa cho (việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh hàng không hàng hải và luật pháp quốc tế ở) Biển Đông", tờ Yomiuri Shimbun dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết trong bài bình luận ngày 14/7.
Mỹ trước đó đã bày tỏ sự hoan nghênh đối với ý định trên của Nhật Bản. Reuters ngày 29/1 đưa tin, Đô đốc Robert Thomas - chỉ huy hải quân hàng đầu của Mỹ tại châu Á lên tiếng cho biết, Washington sẽ chào đón hoạt động tuần tra mở rộng của Nhật Bản xuống vùng trời Biển Đông, hành động được xem như đối trọng với hoạt động (bất hợp pháp) của lực lượng tàu Trung Quốc ngày càng đông đảo thúc đẩy yêu sách (vô lý, phi pháp) trên Biển Đông.
Trước đó, cùng ngày 16/7, liên minh cần quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tiến hành bỏ phiếu thông qua dự luật để mở rộng vai trò của Lực lượng phòng vệ (SDF) ở nước ngoài, nhằm siết chặt liên minh với Mỹ. Dự luật sẽ cần có sự thông qua của Thượng viện trước khi có hiệu lực chính thức.
Phát biểu trước báo giới sau khi thông qua dự luật trên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định dự luật này có ý nghĩa quan trọng để bảo vệ sinh mạng của các công dân Nhật Bản và ngăn chặn một cuộc chiến tranh trong bối cảnh môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang ngày càng nghiêm trọng.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cũng cho rằng chính phủ chịu trách nhiệm đảm bảo sinh mạng và cuộc sống hòa bình cho nhân dân trong bối cảnh an ninh ngày càng phức tạp, từ đó nhấn mạnh sự cần thiết phải thông qua dự luật.
Đạo luật an ninh nêu trên sẽ cho phép Nhật Bản bảo vệ Mỹ và các quốc gia hữu hảo khác trước cuộc tấn công vũ trang nhằm đối phó với môi trường an ninh mới đầy thách thức. Đạo luật cũng tạo cơ sở để Tokyo gia tăng đóng góp cho nỗ lực gìn giữ hòa bình quốc tế.