Khó tin những sự cố tiêu dùng hy hữu tuần qua

03/10/2011 06:27
(GDVN) - Bọ gậy bơi trong nước tinh khiết Valentine, xe SH "bốc hơi" nhưng khách sạn Grand Plaza “phủi tay”… những sự cố tưởng chừng không thể xảy ra đã xảy ra.
Khác với những tuần trước, trong tuần này, NTD chứng kiến sự xuất hiện của một số “hiện tượng lạ” có thể coi là hy hữu nhưng lại phản ánh chân thực việc thiếu trách nhiệm của một số cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng, cung cấp dịch vụ.

Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam xin điểm lại một số sự cố khiến người trong cuộc bất bình, “khó hiểu” về cách “hành xử” của nhà sản xuất.

Bất ngờ phát hiện bọ gậy bơi trong nước Valentine

Ngày 20/9/2011, trong một lần rót nước từ bình nước tinh khiết Valentine loại 19,5 lít ra cốc để uống, anh Sơn - nhân viên tại văn phòng luật sư Việt Thái (Vạn Phúc, Hà Đông) - bất ngờ phát hiện trong cốc có... hai con bọ gậy đang bơi ngoe ngoẩy và nhiều vẩn đục lợn cợn. Không tin vào mắt mình, anh Sơn gọi mọi người trong công ty đến xem và... sự thật đúng là như vậy.
Anh Nguyễn Anh Sơn rùng mình khi phát hiện ra bình nước lọc mình thường xuyên uống lại chứa bọ gậy và có nhiều vẫn đục. (Ảnh: GDVN)
Anh Nguyễn Anh Sơn rùng mình khi phát hiện ra bình nước lọc mình thường xuyên uống lại chứa bọ gậy và có nhiều vẫn đục. (Ảnh: GDVN)
Theo quan sát của phóng viên Giáo Dục Việt Nam, vỏ bình không bị bóp méo hay rò rỉ vì nước trong bình vẫn còn khá nhiều (chỉ mới được sử dụng 1/3). Nắp bình vẫn được đóng kín, không có nứt nẻ. Tuy nhiên, bằng mắt thường sẽ khó phát hiện các chất lợn cợn vẩn đục hoặc bọ gậy bên trong vì vỏ chai màu xanh đục, rất khó quan sát.

"Nhìn những con bọ gậy bơi trong cốc nước, tôi cũng như các nhân viên tại công ty không khỏi rùng mình vì biết đâu, trong thời gian dài vừa qua, chúng tôi đã uống phải nước tinh khiết Valentine chứa... bọ gậy mà không biết", anh Sơn nói.
Ngay sau khi phát hiện nước chứa bọ gậy và vẩn đục, anh Sơn đã gọi đến đại lý kinh doanh nước uống đóng chai vốn là trung gian phân phối nước Valentine và thường xuyên giao nước cho công ty anh để phản ánh vụ việc đồng thời thông báo đến cơ sở sản xuất nhưng cho tới thời điểm này, Công ty TNHH thực phẩm và nước giải khát Đại Dương (địa chỉ Đồng Danh – Phú Thành – Lạc Thủy – Hòa Bình) vẫn chưa đưa ra được lời giải thích nào hợp lý.

Xe SH “bốc hơi” tại khách sạn Grand Plaza vì không có... vé xe

Khách sạn hạng sang tầm cỡ như Grand Plaza nhưng lại yêu cầu khách hàng "bảo quản tài sản của mình" mỗi khi đến nghỉ ngơi, ăn uống, sử dụng dịch vụ vì gửi xe... không có vé. Không ít người tiêu dùng dù đã khóa xe cổ, khóa càng xe cẩn thận nhưng vẫn phải “ngậm bồ hòn” khi mất xe.
Khách kêu trời vì xe SH “bốc hơi” tại Grand Plaza nhưng ban quản lý khách sạn "phủi" trách nhiệm bồi thường.
Khách kêu trời vì xe SH “bốc hơi” tại Grand Plaza nhưng ban quản lý khách sạn "phủi" trách nhiệm bồi thường.
Theo đơn phản ánh gửi báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, anh Đinh Trọng Dũng (trú tại Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Vào hồi 7h30' ngày 8/6/2011, anh đi cùng với anh rể và hai người bạn đến Grand Plaza mua sắm. Anh đã gửi chiếc xe SH125 phiên bản 2010 màu trắng vào hầm gửi xe B2 của Trung tâm (thuộc khu vực quản lý của khách sạn Grand Plaza), lúc đó có một bảo vệ trông xe tại đây.

“Sau khi gửi xe, tôi có cẩn thận khóa cổ xe lại và đi lên Trung tâm mua sắm, giải trí. Nhưng vào hồi 16h00 cùng ngày, tôi và anh Trần Quang Huy xuống tầng hầm B2 lấy xe về thì không thấy chiếc xe đâu nữa. Bảo vệ cho tôi hay rằng nếu có xảy ra mất mát, Trung tâm không chịu trách nhiệm cũng như bồi thường thiệt hại về việc mất xe của tôi vì… tôi không có vé”.
Mặc dù, có camera và đội ngũ công an phường Trung Hòa đã vào cuộc nhưng vẫn không thể tìm ra đối tượng lấy cắp chiếc xe SH của anh Dũng. Tiếc của, anh Dũng yêu cầu ban lãnh đạo Grand Plaza bồi thường 100% giá trị tài sản và phải có trách nhiệm trong việc mất xe của khách hàng. Tuy nhiên, trái với mong muốn và kỳ vọng của anh Dũng, phía khách sạn Grand Plaza tỏ ra không thiện chí, những phản hồi từ người đại diện ban điều hành của khách sạn lại khiến anh càng thêm bất bình, phẫn nộ.

Trái với siêu thị, hàng bình ổn giá tại chợ nghèo nàn và “loạn” giá

Điểm mới nhất của chương trình bình ổn giá (BOG) năm 2011 là đã có 57 điểm bán hàng BOG tại chợ dân sinh và 5 bếp ăn tập thể tại các trường đại học và khu công nghiệp. Đây là một sự nỗ lực của các doanh nghiệp (DN) tham gia BOG trên địa bàn Hà Nội.

Tuy nhiên, tại một số chợ dân sinh mà phóng viên báo Giáo Dục Việt Nam đi qua, những điểm bán hàng bình ổn giá chỉ treo biển để lấy thành tích. Những mặt hàng tại đây quá ít ỏi, nhiều người dân còn chưa biết đến. Không những thế, những quy định về bán hàng bình ổn hầu như bị phá vỡ khi ra đến ngoài chợ từ giá bán đến đối tượng mua hàng.
Theo khảo sát của pv, hàng BOG tại những điểm bán hàng trong nhiều chợ trên địa bàn HN rất nghèo nàn. (Ảnh: GDVN)
Theo khảo sát của pv, hàng BOG tại những điểm bán hàng trong nhiều chợ trên địa bàn HN rất nghèo nàn. (Ảnh: GDVN)
Để bán được hàng, người bán hàng còn hạ giá thấp hơn giá bình ổn, theo lí giải của chủ cửa hàng, ăn lãi ít đi, bán giá thành hạ hơn để hút khách.
Trong khi nhà nước đang dốc sức đưa những chủ trương an sinh xã hội đến với người dân, các điểm bán hàng trong siêu thị cũng căng sức BOG cho người dân, thì những điểm bán hàng ngoài chợ lại đang đi ngược lại, bởi không ai kiểm soát và xác định đối tượng cần phục vụ là ai.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đồng, phó giám đốc sở Công thương Hà Nội lại phân trần: mở điểm bán hàng BOG tại chợ dân sinh rất khó, bởi các hộ kinh doanh trong chợ không ủng hộ. Nguyên nhân là do các hộ kinh doanh trong chợ chưa hiểu hết về hàng BOG, họ sợ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ vì hàng bình ổn sẽ cạnh tranh về giá và thương hiệu.

Sốc với thông tin Ford Việt Nam bán linh kiện han gỉ


Công ty TNHH Ford Việt Nam (Ford Việt Nam) vừa rò rỉ một thông tin gây sốc: Năm 2008, công ty này bán gần 50 bộ linh kiện ô tô (có bộ nhập khẩu từ năm 2005) do lưu kho quá thời hạn, dẫn tới kém chất lượng đã được "mổ" ra bán rẻ cho các đại lý trên toàn quốc.
Cty TNHH Ford Việt Nam bị "tố" bán linh kiện hoen rỉ (Ảnh minh họa)
Cty TNHH Ford Việt Nam bị "tố" bán linh kiện hoen rỉ (Ảnh minh họa)
Theo điều tra riêng của phóng viên, năm 2008, một bản báo cáo mật bằng tiếng Anh của Ford Việt Nam do Tổng GĐ Mike Pease, GĐ Tài chính Bruce Bell và GĐ Kỹ thuật Balasundaram ký gửi lên cấp trên.

Bản báo cáo mật này cho biết có 48 bộ linh kiện (không phải linh kiện rời), bao gồm 20 bộ của Escape 3.0 (nhập khẩu về Việt Nam tháng 6/2006), 20 bộ của xe Focus số tự động 1.8 và 2.0 (nhập khẩu tháng 12/2005) và 8 bộ của xe Mondeo (nhập khẩu tháng 2/2007).

Tình trạng những bộ linh kiện trên được lãnh đạo Ford VN đánh giá: Chức năng và hình thức không tốt, cầu trước bị han gỉ và chảy dầu (đối với Escape). Có nhiều phụ tùng (body part) không có khả năng hoạt động nếu lắp ráp vào xe.
Trước thực trạng trên, lãnh đạo Ford VN đề nghị cấp trên cho xử lý bằng cách tháo ra bán rời, phần nào không bán được thì tiêu hủy. Và Ford VN đã bán nhiều phụ tùng dạng này cho một số đại lý nằm rải rác khắp cả nước.

Doanh nghiệp vàng bỗng dưng kêu: "Khan hàng"

Giá vàng thế giới vài ngày qua sụt giảm khá mạnh, song giá trong nước lại chỉ giảm nhỏ giọt, có thời điểm khoảng cách giá giữa hai thị trường lên tới hơn 3 triệu đồng mỗi lượng.
Dễ thấy, giá thế giới càng giảm mạnh thì khoảng cách giữa giá vàng nội và ngoại càng bị đẩy lên cao. Theo ông Nguyễn Thanh Trúc - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Agribank, nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp quota nhập khẩu vàng mới đây đã không tham gia vào việc bình ổn thị trường vàng.

Ông Trúc cho rằng, một số doanh nghiệp vàng lớn như SJC thời gian qua chỉ sản xuất, gia công cầm chừng, tạo hiện tượng khan hiếm vàng giả, khiến giá trong nước bị đẩy lên quá cao so với giá thế giới.
Ông Trúc cho rằng, một số doanh nghiệp vàng lớn như SJC thời gian qua chỉ sản xuất, gia công cầm chừng, tạo hiện tượng khan hiếm vàng giả, khiến giá trong nước bị đẩy lên quá cao so với giá thế giới.
Ông Trúc cho rằng, một số doanh nghiệp vàng lớn như SJC thời gian qua chỉ sản xuất, gia công cầm chừng, tạo hiện tượng khan hiếm vàng giả, khiến giá trong nước bị đẩy lên quá cao so với giá thế giới.

Một ví dụ cụ thể như lúc 15h ngày 23/9, giá vàng thế giới ở mức 1.736,28 USD một ounce bán ra, quy đổi ra tiền Việt tương đương 43,72 triệu đồng một lượng. Trong khi đó, giá vàng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu cùng thời điểm được giao dịch mua bán tương ứng 46,45 – 46,75 triệu đồng mỗi lượng. Vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội có giá mua – bán là 46,45 – 46,67 triệu đồng… Như vậy, giá vàng bán ra trong nước đang cao hơn giá thế giới hơn 3 triệu đồng mỗi lượng, một mức chênh lệch khó mà chấp nhận được.
Theo ông Nguyễn Thanh Trúc, khi các doanh nghiệp nộp hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu vàng lên Ngân hàng Nhà nước, họ thường đưa ra lý do, nếu không cho nhập chính thức, nguy cơ nhiều đơn vị có chân rết ở vùng biên sẽ đi theo đường tiểu ngạch và sẽ thao túng thị trường. Còn nếu doanh nghiệp được nhập công khai, người dân sẽ biết nguồn cung dồi dào hơn, giá trong nước chắc chắn sẽ giảm về sát giá thế giới.
 
“Vậy sao lần cấp quota nhập khẩu này lại càng khiến nguồn cung khan hiếm, đẩy giá trong nước đi xa hơn so với giá thế giới? Ngân hàng Nhà nước cần kiểm soát và có biện pháp can thiệp kịp thời”, ông Trúc nói.