LTS: Tiếp theo bài "Ts Trần Công Trục: Tại sao Trung Quốc phải dự phòng thua kiện Philippines?" báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài phân tích thứ hai của Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ về thái độ ứng xử của Việt Nam trước vụ kiện đường lưỡi bò. Xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả bài viết này.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. Ảnh: Tuấn Nam/GDVN. |
Ngày 11/12 năm ngoái, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố trong buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao tại Hà Nội rằng: "Để bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý của mình ở Biển Đông có thể bị ảnh hưởng bởi vụ kiện Trọng tài Biển Đông, Việt Nam đã bày tỏ với Tòa trọng tài lập trường, quan điểm của mình đối với vụ kiện và đề nghị Tòa trọng tài quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý đó của Việt Nam”
“Lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng nước phụ cận cũng như yêu sách “các quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với vùng nước, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển bên trong “đường đứt đoạn” do Trung Quốc đơn phương đưa ra”.
Cá nhân tôi cho rằng, tuy Việt Nam không tham gia vụ kiện, nhưng việc trình bày quan điểm của mình và đề nghị tòa quan tâm cũng có thể coi như thái độ hậu thuẫn của Việt Nam.
Giáo sư Carlyle Thayer từ Canberra bình luận về việc Việt Nam đã gửi "thông báo quan tâm" (statement of interest) của mình tới Tòa Trọng tài thường trực Liên Hợp Quốc rằng: "Với thông báo này, Việt Nam không tham gia vụ kiện của Philippines, nhưng đề nghị của Việt Nam sẽ được tòa ghi nhận và do vậy tầm quan trọng của vụ kiện sẽ được nâng lên."
Ông Thayer bình luận: "Nói cách khác, tuy vụ kiện vẫn chỉ là giữa hai quốc gia Philippines và Trung Quốc, các trong tài viên sẽ phải tính tới quyền lợi của các bên khác nữa".
Dù Tòa không mời, Việt Nam cũng cần chủ động xin tham gia quan sát
Ngày 9/7 vừa qua, ông Lê Hải Bình cho biết: “Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam đã cử đoàn đến dự và theo dõi phiên tranh tụng về vấn đề thẩm quyền của Tòa Trọng tài vụ kiện này với tư cách quan sát viên".
Tôi cho rằng, đây là một việc làm hoàn toàn cần thiết và chính đáng, đáp ứng tích cực lời mời của Tóa án Trọng tài thường trực. Giả sử Tòa không mời, Việt Nam cũng phải chủ động đề nghị được đến để chứng kiến phiên tòa. Điều này không những thể hiện lập trường, sự quan tâm của Việt Nam trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình ở Biển Đông, mà còn thể hiện vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam trước cộng đồng khu vực và quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. Ảnh: Vietnam Breaking News. |
Bằng việc tham gia theo dõi các hoạt động tố tụng của Tòa án Trọng tài thường trực xung quanh vụ kiện này, Việt Nam đang sử dụng một trong các phương tiện giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, vì hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển chung trong khu vực cũng như trên thế giới.
Việt Nam đã nhiều lần chính thức tuyên bố sẵn sàng áp dụng mọi phương thức giải quyết hòa bình các tranh chấp trong Biển Đông. Tuy nhiên, đàm phán với các bên liên quan vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu của Việt Nam.
Trong cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 Trung Quốc đơn phương hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm ngoái, phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định:
“Việt Nam đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Việt Nam cũng luôn chân thành mong muốn cùng với Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Song, Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với Luật pháp quốc tế.”
Như vậy, việc sử dụng các Cơ quan tài phán là một trong những phương thức giải quyết hòa bình các tranh chấp trong quan hệ quốc tế. Về nguyên tắc Việt Nam cũng sẽ vận dụng giải pháp này như đã từng đề cập đên trong các nội dung tuyên bố chính thức của mình.
Tuy nhiên, đúng như một số chuyên gia cho rằng vấn đề không dễ dàng như nhiều người tưởng. Bởi vì không phải bất kỳ vụ việc nào cũng có thể đơn phương đệ đơn kiện và đều thuộc thẩm quyền của các Cơ quan tài phấn quốc tế.
Chúng ta không thể kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ hay tranh chấp trong việc phân định vùng biển chồng lấn được, vì Tòa này đòi hỏi hai bên phải thỏa thuận cùng đưa vụ việc ra Tòa và cam kết thi hành án thì Tòa mới xét xử. Trung Quốc không bao giờ cam kết như vậy.
Vì thế Philippines phải đưa vụ kiện đường lưỡi bò ra trước Tòa án Trọng tài thường trực của Liên Hợp Quốc về việc Trung Quốc giải thích và áp dụng sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Như vậy, Tòa Trọng tài thường trực mới có thẩm quyền thụ lý hồ sơ và sẽ tiến hanh xét xử.
Có điều vấn đề thi hành án sẽ gặp khó khăn vì Trung Quốc sẽ không chịu thi hành, bên thắng kiện phải nhờ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc can thiệp. Nhưng tại đây Trung Quốc có quyền phủ quyết.
Điều 39 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc đã quy định: “Hội đồng Bảo an xác định sự tồn tại mọi sự đe doạ hòa bình, phá hoại hòa bình hoặc hành vi xâm lược và đưa ra những kiến nghị hoặc quyết định các biện pháp nào nên áp dụng phù hợp với các điều 41 và 42 để duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế.”
Lính Trung Quốc đồn trú bất hợp pháp trên đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. |
Nhưng điều 27 lại dành quyền phủ quyết cho 5 thành viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Từ năm 1945, năm thành lập Liên Hợp Quốc cho đến năm 2012 đã có tất cả 269 lần phủ quyết, trong đó Nga 128 lần, Hoa Kỳ 89, Anh 32 lần, Pháp 18 lần và Trung Quốc 9 lần. Đó là một thực tế cần được tính toán kỹ trước khi khởi kiện.
Hiện nay, vụ kiện của Philippines đã đến bước thứ 4. Để khiến Trung Quốc từ bỏ dã tâm mà tuân thủ phán quyết của Tòa không phải là điều dễ. Nhưng, việc khiến Trung Quốc đối mặt với một vụ kiện, hoặc bị phán quyết thua cũng có tác động không nhỏ đến hình ảnh của quốc gia này.
Đồng thời, điều này sẽ luôn là bằng chứng khẳng định tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc thực chất chỉ là lời nói dối. Trong cục diện Trung Quốc muốn tranh giành ảnh hưởng với các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nga, EU..., thì đây sẽ là “đòn đả kích” không nhỏ vào những lời nói của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Việt Nam nên làm gì trong tình hình hiện nay?
Trên cơ sở những nhận định nói trên, trong tình hình hiện nay, nên chăng chúng ta phải tính đến các giải pháp khả dĩ sau đây:
a. Khuyến khích các nước Đông Nam Á có liên quan đến Biển Đông cần nhận định lại về cách hành xử của Trung Quốc để từ đó có tiếng nói chung mạnh mẽ hơn, nếu muốn ngăn chặn được “con bạch tuộc” khổng lồ này tiếp tục tiến sâu vào những vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của các nước ven Biển Đông để hút cạn nguồn tài nguyên thiên nhiên; chiếm đoạt, cắt đứt nguồn sống của cả cộng đồng quốc gia, khu vực…
b. Trung Quốc đang ráo riết đầu tư cải tạo, xây đắp, biến các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thành các đảo nhân tạo nhằm vào những mục đích cực kỳ nguy hiểm trong bối cảnh diễn ra những tranh chấp địa chính trị, địa chiến lược khu vực và quốc tế rất phức tạp hiện nay.
Vì vây, một trong những việc làm quan trọng của chúng ta lúc này là phải để cho dư luận thế giới hiểu rõ rằng các quyền hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông đến đâu và những hành động của Trung Quốc đã bất hợp pháp như thế nào. Công việc tuyên truyền này cần được đẩy mạnh và tiến hành thường xuyên.
c. Tiếp tục có những phản ứng ngoại giao mạnh mẽ, hiệu quả, trên cơ sở đảm bảo thực hiện chính sách ngoại giao đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với các nước láng giềng trong khu vực và quốc tế.
d. Có lẽ đã đến lúc Viêt Nam nên triển khai mặt trận đấu tranh pháp lý mạnh mẽ hơn, thiết thực cụ thể hơn, bằng cách trước hết phải huy động được đội ngũ luật gia, luật sư Việt Nam có trình độ, có kinh nghiệm ở trong và ngoài nước, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của các luật sư người nước ngoài để cùng xúc tiến hoàn thiện quá trình kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế theo đúng thủ tục và nội dung mà UNCLOS đã quy định.
Đây là việc làm cần thiết, thích hợp và là thế mạnh của Việt Nam trong tình hình hiện nay. Để làm được việc này, đội ngũ luật gia, luật sư phải là lực lượng nòng cốt, là những chiến sỹ tiên phong trên măt trận pháp lý. Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần phát huy vị trí, vai trò của mình với tư cách là nhưng tổ chức xã hội nghề nghiệp để đảm nhiệm trọng trách này trước quốc gia, dân tộc.
Chúng ta không nên chỉ dừng lại ở những hoạt động mang ý nghĩa chính trị, hình thức chung chung…Nhà nước cần đầu tư và tạo điều kiện cho giới Luật gia và Luật sư Việt Nam tham gia vào mặt trận đấu tranh pháp lý hết sức khó khăn phức tạp này.
Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc tập trận đổ bộ trên Biển Đông. |
Nhân nhượng không khởi kiện không có nghĩa là Trung Quốc sẽ dừng lại
Cá nhân tôi cũng như không ít học giả, các nhà quan sát thấy rằng, dù chúng ta và các bên liên quan khác (Malaysia, Brunei) có tạm thời không/chưa khởi kiện Trung Quốc vì thiện chí thì họ vẫn không ngừng các thủ đoạn leo thang trên thực địa, gây căng thẳng ở Biển Đông hòng chiếm quyền kiểm soát trên thực tế. Càng để lâu, họ càng có lợi.
Thậm chí dù cuối cùng họ chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, thì Trung Quốc lúc đó cũng đã chiếm thế thượng phong khi một thời gian dài họ hoạt động bất hợp pháp trên các vùng biển của chúng ta mà chúng ta không có các biện pháp bác bỏ được quốc tế thừa nhận, đó là khởi kiện.
Vì vậy, không có nghĩa là chúng ta ngồi chờ thì Trung Quốc sẽ thiện chí xuống nước. Ngược lại, nếu kéo dài tình trạng hiện này sẽ càng có lợi cho Trung Quốc mà bất lợi cho các bên liên quan, trong đó có Việt Nam.
Mặt khác, tôi cũng nhiều lần nhấn mạnh, việc các thành viên UNCLOS nhiều lần đàm phán với nhau không xong thì đưa ra cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền hoàn toàn không có gì ảnh hưởng đến quan hệ chính trị, ngoại giao.
Trung Quốc là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, là thành viên phê chuẩn UNCLOS, họ phải có trách nhiệm tuân thủ quy định của UNCLOS mà đầu tiên là áp dụng và giải thích đúng quy định.
Họ làm không đúng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, các bên liên quan đã nhiều lần tổ chức đàm phán giải quyết nhưng không xong thì phải đưa ra cơ quan tài phán. Chỉ có đưa ra trọng tài phân xử chúng ta mới đảm bảo được tính khách quan cũng như giữ được nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
Nếu chúng ta cứ ngồi chờ và hy vọng sự thay đổi, nhân nhượng của Trung Quốc thì tôi e sẽ không thể giải quyết được vấn đề vì mục tiêu của họ vẫn không thay đổi. Nếu không giải quyết được vấn đề này, thì các hoạt động ngoại giao, đàm phán sẽ rơi vào bế tắc.
Thậm chí ngay cả COC cũng sẽ không thể đạt được nếu Trung Quốc tiếp tục né tránh, họ không muốn đàm phán mà chỉ tham vấn. Ngày nào Trung Quốc vẫn kiên quyết giữ yêu sách đường lưỡi bò, chắc chắn sẽ không bao giờ có COC, bởi yêu sách của họ vi phạm nghiêm trọng UNCLOS, vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của các quốc gia ven Biển Đông, thì mọi câu chuyện sẽ đi vào ngõ cụt.
Những lời kêu gọi tham vấn COC hiện nay của Trung Quốc chỉ là thủ đoạn ngoại giao để đánh lạc hướng chú ý của dư luận, câu giờ cho những hoạt động leo thang của Trung Quốc trên thực địa, vấn đề sẽ không thể giải quyết.
Mặt khác, cũng cần phải nói rõ rằng lo ngại Trung Quốc gây chiến tranh hay xung đột quân sự ở Biển Đông rất ít khả năng xảy ra. Nhưng thâm hiểm hơn là việc Trung Quốc sẽ tiếp tục lợi dụng các thủ đoạn phi quân sự từ kinh tế - chính trị - ngoại giao cho đến pháp lý.
Bắc Kinh thường xuyên ra các lệnh cấm đánh bắt cá, ra các quy định, luật lệ áp đặt hoạt động hàng hải – hàng không ở Biển Đông, dùng lực lượng bán quân sự xua đuổi, quấy rối, mời thầu dầu khí, thăm dò khai thác, áp đặt ADIZ, kéo giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam…để khẳng định yêu sách vô lý, phi pháp của họ.
Như vậy, thực tế là lợi ích của các bên đang mất đi, chỉ Trung Quốc được lợi. Bắc Kinh đang tính toán nước đi này. Tôi cho rằng thời gian tới Trung Quốc sẽ còn làm nhiều hoạt động tương tự như vậy nhằm chiếm quyền kiểm soát thực địa, xâm phạm quyền hợp pháp của các quốc gia, cản trở hoạt động thông thương của các nước được tự do đi qua Biển Đông lâu nay.
Rõ ràng chúng ta có đủ hồ sơ và lập luận cần thiết để khởi kiện. Không riêng Việt Nam, còn có cộng đồng quốc tế, khu vực, cơ quan tài phán. Đặc biệt, trong lúc các bên đang khởi động tiến trình pháp lý về vấn đề Biển Đông nếu Trung Quốc có hành động leo thang, có nghĩa là họ bất chấp luật pháp, bất chấp dư luận quốc tế.
Điều đó sẽ là yếu tố hết sức quan trọng để kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn chặn các hành động phi pháp của Trung Quốc, bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và luật pháp quốc tế. Tôi nghĩ điều này chỉ có lợi.
Cho rằng không kiện Trung Quốc thì họ sẽ xuống nước ở Biển Đông là không có cơ sở thực tế và hết sức nguy hiểm. Kiện trong lúc này là thích hợp, đúng lúc, cần thiết và có tác dụng mạnh mẽ trong việc ngăn cản các hoạt động leo thang Trung Quốc dự định sẽ làm ở Biển Đông.
Kiện là thái độ hết sức sòng phẳng để dư luận hiểu rõ quan điểm, thái độ của mình, tỏ rõ sự cầu thị, thượng tôn pháp luật và mới tập hợp được sức mạnh và sự ủng hộ trong cũng như ngoài nước trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông. Ngược lại, chúng ta càng để lâu sẽ càng bất lợi.
Trên đây là một số nhận xét của cá nhân tôi với tư cách một công dân Việt Nam đã từng ghiên cứu về pháp lý liên quan đến biên giới lãnh thổ bao gồm UNCLOS, từng trực tiếp đàm phán hoạch định về biên giới lãnh thổ. Tôi tin rằng Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng đã có các phương án cụ thể làm sao để đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.