Tờ Guardian ngày 22/7 đưa tin, Bắc Kinh tin rằng các sòng bạc thuộc sở hữu của ông trùm cờ bạc tỷ phú và nhà tài trợ cho đảng Cộng hòa Mỹ Sheldon Adelson, đã tham gia hỗ trợ tình báo Mỹ lừa phỉnh và tống tiền các quan chức Trung Quốc.
Guardian dẫn một báo cáo "tuyệt mật" của ngành công nghiệp cờ bạc cho biết, một cuộc điều tra độc lập được tiến hành trong năm 2010 cho thấy chính quyền Bắc Kinh tin rằng các sòng bạc thuộc sở hữu của Adelson tại Ma Cao có hợp tác với CIA.
Khu nghỉ dưỡng và sòng bạc Venetian Ma Cao, điều hành bởi Sands Ma Cao. |
"Nhiều quan chức (Trung Quốc) mà chúng tôi đã liên lạc đều nói rằng các cơ quan tình báo Mỹ đang rất tích cực hoạt động ở Macao và họ đã thâm nhập, sử dụng các sòng bạc của tỷ phú Mỹ để hỗ trợ hoạt động của mình", báo cáo dẫn lời nhà điều tra cho biết.
Cuộc điều tra trên được tiến hành bởi Sands China, một công ty thuộc sở hữu của Adelson tại Ma Cao. Adelson đã lo ngại rằng hành động trên của chính phủ Mỹ có thể kích động sự thù địch với ngành công nghiệp cờ bạc nói chung cũng như với Sands China.
Nguồn tin cho biết, chính quyền Trung Quốc tin chắc rằng Sands đã cho phép các nhân viên CIA/FBI hoạt động tại các sòng bạc của họ để theo dõi các quan chức Trung Quốc tới đây đánh bạc.
Ngoài ra, các nguồn tin Trung Quốc nói rằng nước này thu thập được một số bằng chứng cho thấy các tình báo Mỹ hoạt động tại Sands đã tìm cách dụ dỗ, bẫy các quan chức Trung Quốc để buộc họ phải hợp tác vì lợi ích của chính phủ Mỹ.
Báo cáo không đưa ra các bằng chứng cho thấy Sands đã hợp tác với Mỹ trong vấn đề này, nhưng nhấn mạnh các quan chức Trung Quốc tin vào điều đó.
Guardian khẳng định nguồn tin là những người có ảnh hưởng. Họ gồm có 3 người làm việc trong cơ quan chịu trách nhiệm giám sát Ma Cao và Hong Kong, 2 nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các doanh nhân quyền lực tại Ma Cao có quan hệ gần gũi với Bắc Kinh.
Ron Reese, đại diện của Sands, đã lên tiếng bác bỏ báo cáo trên và rằng nó là một tập hợp các suy đoán vô nghĩa. Ngành công nghiệp kinh doanh cờ bạc tại Ma Cao đem lại lợi nhuận rất lớn và có quan hệ chặt chẽ với nhiều đối tác nước ngoài, cũng như các tổ chức tội phạm.
Những tin đồn về việc nơi đây là một mảnh đất màu mỡ đối với hoạt động tình báo nước ngoài hoặc ngay cả bản thân Trung Quốc cũng không phải là mới.
Sự phát triển ở Trung Quốc đại lục đã tác động khá lớn tới quy mô phát triển ở Ma Cao, nơi nhiều quan chức chính phủ nước này sử dụng nó như một nơi để rửa tiền và đưa tiền tham nhũng ra nước ngoài.
Theo một báo cáo nội bộ của chính phủ Trung Quốc, ước tính các quan chức nước này mỗi năm đưa khoảng 2 tỷ USD đến Ma Cao.
Bắc Kinh lo ngại cờ bạc có thể thúc đẩy hành vi tham nhũng và phản quốc bởi thực tế, tiền lương của phần lớn quan chức nước này kiếm được một cách đàng hoàng không bao giờ có thể đủ để giúp họ đến đây chơi một ván bài.
Trung Quốc gần đây đã tiến hành một loạt các biện phát ngăn chặn tham nhũng, trong đó bao gồm cả việc hạn chế các quan chức đến Ma Cao đánh bạc. Tuy nhiên, tiết lộ mới cho thấy lệnh cấm này không chỉ xuất phát từ vấn đề ngăn chặn tham nhũng mà còn liên quan nhằm để tránh đưa các quan chức nước này rơi vào tay tình báo Mỹ.
Hơn nữa, Trung Quốc cũng tìm cách giảm ảnh hưởng của Mỹ trong các sự kiện tại Ma Cao. Theo báo cáo, Bắc Kinh đã từ chối cho phép Mỹ mở lãnh sự quán tại đặc khu này vì xem đó là một nỗ lực can thiệp vào chính trị địa phương của Washington.
Trung Quốc từ lâu đã nghi ngờ ý định trên của Mỹ. Ngay sau sự kiện ngày 11/9/2001, Bắc Kinh đã tận dụng cơ hội này để thắt chặt các quy định tại ngân hàng Ma Cao với lý do chống rửa tiền.
Trong năm 2005, một báo cáo của chính phủ Mỹ nói rằng Ma Cao là một đầu mối quan trọng trong hoạt động rửa tiền của Triều Tiên đã khiến Bắc Kinh không khỏi sốc, choáng váng và lo ngại hơn về các hoạt động gián điệp tại Ma Cao.
Trong khi đó, Sands cũng đang quan ngại sâu sắc về việc Bắc Kinh tăng hạn chế đối với sự phát triển của ngành công nghiệp cờ bạc ở Ma Cao và khiến công ty này vừa khó thu lợi nhuận lại vừa khó bán tài sản của mình./.