Quan hệ Trung-Nhật lại đóng băng, biển Hoa Đông có thể là thùng thuốc súng

26/07/2015 16:49
Đông Bình (Tổng hợp)
(GDVN) - Do tranh chấp đảo, quan hệ hai nước ngày càng bất ổn, biển Hoa Đông thậm chí có thể trở thành thùng thuốc súng mới.

Thùng thuốc súng

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 24 tháng 7 có bài viết tuyên truyền cho rằng, lần này, Chính phủ Nhật Bản chỉ trích Trung Quốc khai thác mỏ dầu ở biển Hoa Đông là có ý đồ khác.

Giếng dầu Trung Quốc ở biển Hoa Đông do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Giếng dầu Trung Quốc ở biển Hoa Đông do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố (nguồn mạng sina Trung Quốc)

Ngày 23 tháng 7, hãng tin Kyodo, Nhật Bản cho rằng, tháng 4 năm 2015, sau khi cấp cao Trung-Nhật tiến hành hội đàm, trong không khí duy trì đối thoại, thế lực bảo thủ Nhật Bản rất không hài lòng với ông Shinzo Abe. Vì vậy, lúc này chính quyền Shinzo Abe mới công khai hình ảnh Trung Quốc khai thác mỏ dầu khí ở biển Hoa Đông.

Tờ "Mainichi Shimbun" Nhật Bản cho rằng, đến nay, Trung Quốc nắm quyền chủ đạo đối với chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 9 tới của ông Shinzo Abe, để tăng khả năng mặc cả trên bàn đàm phán, Chính phủ Nhật Bản mới công bố những thông tin và hình ảnh Trung Quốc xây dựng thêm các công trình ở biển Hoa Đông.

Mạng tin tức Toàn cầu của Đức ngày 23 tháng 7 cho rằng, Nhật Bản đang tìm cách để tranh chấp biển Hoa Đông gây chú ý cho toàn cầu. Gần đây, dư luận thấy quan hệ Trung-Nhật có xu hướng tan băng, thậm chí có tin ông Shinzo Abe sẽ tham dự hoạt động kỷ niệm Chiến tranh thế giới lần thứ hai ở Bắc Kinh vào tháng 9 tới.

Nhưng, cùng với việc Nhật Bản thông qua Luật bảo đảm an ninh mới, Sách trắng quốc phòng lại kêu gọi Bắc Kinh dừng thi công giếng khoan ở biển Hoa Đông, đã làm cho Bắc Kinh bất mãn, quan hệ hai nước lại rơi vào đóng băng.

Bản đồ giếng khoan dầu khí của Trung Quốc ở biển Hoa Đông do Bộ Ngoại giao Nhật Bản công bố (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Bản đồ giếng khoan dầu khí của Trung Quốc ở biển Hoa Đông do Bộ Ngoại giao Nhật Bản công bố (nguồn mạng sina Trung Quốc)

Theo mạng "Tin tức châu Á" Thái Lan ngày 23 tháng 7, Nhật Bản muốn thông qua chứng minh với cộng đồng quốc tế là Trung Quốc thực sự đã đơn phương khai thác mỏ khí, qua đây để ngăn chặn hành động của Trung Quốc.

Một nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết, Chính phủ Nhật Bản cảm thấy "công bố những số liệu này cho cộng đồng quốc tế làm chứng cứ có thể phản ánh tốt hơn việc Trung Quốc thúc đẩy bành trướng trên biển sau khi xây đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông".

Theo tờ "Daily Telegraph" Anh ngày 23 tháng 7, Nhật Bản quyết định công bố chùm hình ảnh này là để hỗ trợ cho quan điểm của họ, đó là Trung Quốc đang phá hoại hiệp định hợp tác khai thác tài nguyên khu vực này đạt được vào năm 2008.

Bài viết cho rằng "xét tới chủ trương trên biển của Trung Quốc ngày càng tăng cường, Nhật Bản trở nên ngày càng bất an".

Tờ "Nam Hoa buổi sáng" Hồng Kông cho rằng, trước khi Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố chùm ảnh và bản đồ này, Sách trắng quốc phòng do Nhật Bản công bố đã quan ngại và phê phán hành động gây sức ép cao và đơn phương của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông, đã gây ra một đợt đối chọi mới về vấn đề biển giữa hai nước Trung-Nhật.

Hạm đội Hải quân Trung Quốc đến Tây Thái Bình Dương diễn tập, bị Nhật Bản theo dõi chặt chẽ (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Hạm đội Hải quân Trung Quốc đến Tây Thái Bình Dương diễn tập, bị Nhật Bản theo dõi chặt chẽ (nguồn mạng sina Trung Quốc)

Theo hãng tin Reuters Anh, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga vào thứ Tư vừa qua cho hay, sau tháng 6 năm 2013, ở bên phía Trung Quốc của tuyến trung gian Nhật-Trung có 12 công trình khai thác mới, cộng với 4 công trình đã biết trước đó, tổng cộng có 16 công trình.

Mạng kinh tế tài chính Đức cho rằng, sau khi Trung Quốc cơ bản hoàn thành lấn biển xây đảo (bất hợp pháp) ở Biển Đông, hiện nay, Nhật Bản lại công bố Trung Quốc khai thác 16 mỏ dầu khí ở biển Hoa Đông. Do tranh chấp đảo, quan hệ hai nước ngày càng bất ổn, biển Hoa Đông thậm chí có thể trở thành thùng thuốc súng mới.

Hai nước lớn châu Á cần đối thoại và hợp tác, nếu không sẽ là nhất tố bất ổn mới của kinh tế châu Á và thế giới.

Tờ "Washington Post" Mỹ ngày 22 tháng 7 bình luận: "Chiến tranh Trung-Nhật đã kết thúc 70 năm, nhưng đối đầu giữa hai nước vẫn còn đang tiếp tục". Giữa Tokyo và Bắc Kinh chỉ trích lẫn nhau ngày càng gay gắt về vấn đề biển Hoa Đông và Biển Đông.

Tuy nhiên, có thể nhìn thấy, hai bên cũng đang có những nỗ lực rộng lớn hơn để cải thiện quan hệ hai nước, tìm cách tránh để quan hệ song phương vượt ra khỏi quỹ đạo.

Lục Khang - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Lục Khang - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Quan điểm của Trung Quốc và Mỹ

Đối với việc trang mạng Bộ Ngoại giao Nhật Bản chiều ngày 22 tháng 7 công bố những thông tin như vị trí, hình ảnh của các giếng khoan dầu khí của Trung Quốc ở biển Hoa Đông, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khang đã trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề này.

Theo Lục Khang, hoạt động khai thác dầu khí của Trung Quốc ở biển Hoa Đông được tiến hành ở “vùng biển do Trung Quốc quản lý, không có tranh chấp”, là công việc “trong phạm vi quyền lợi chủ quyền và quyền quản lý của Trung Quốc”.

Ông Lục Khang còn yêu cầu Nhật Bản cần đối chiếu tinh thần đồng thuận nguyên tắc 4 điểm đã đạt được giữa hai bên vào năm 2014, xem xét lại một cách bình tĩnh về cách làm của mình.

Lục Khang nói rằng, Trung Quốc không thay đổi lập trường coi trọng thực hiện đồng thuận nguyên tắc vấn đề biển Hoa Đông, cũng sẵn sàng tiếp tục duy trì trao đổi với Nhật Bản về vấn đề biển Hoa Đông, quan trọng là Nhật Bản phải tạo không khí và điều kiện tốt cho thực hiện nguyên tắc đồng thuận.

Lục Khang chỉ trích: Nhật Bản thổi phồng vấn đề dầu khí biển Hoa Đông rõ ràng không có lợi cho Trung Quốc và Nhật Bản triển khai đối thoại và hợp tác về các vấn đề liên quan ở biển Hoa Đông.

Tàu chiến Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Tàu chiến Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc (nguồn mạng sina Trung Quốc)

Trong khi đó, báo chí Mỹ dẫn lời Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 22 tháng 7 cho biết, Mỹ không có lập trường về tranh cãi khai thác dầu khí giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở biển Hoa Đông, nhưng kêu gọi hai bên giải quyết hòa bình các chủ trương bất đồng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết: “Chúng tôi hy vọng, bất cứ chủ trương có tranh chấp nào đều có thể giải quyết bằng phương thức hòa bình giữa các bên liên quan. Mỹ sẽ không có lập trường đối với chủ trương có tranh chấp, kể cả trong vấn đề này”.

Vào thứ Tư, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã công bố trên trang mạng của mình những hình ảnh và bản đồ về các công trình khai thác dầu khí của Trung Quốc ở biển Hoa Đông.

Theo Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, do ở Nhật Bản và ở các nước cảm thấy ngày càng quan ngại đối với việc Trung Quốc đơn phương làm thay đổi hiện trạng, vì vậy, Chính phủ Nhật Bản quyết định công bố những hình ảnh này.

Tháng 6 năm 2008, Trung Quốc và Nhật Bản đạt được đồng thuận nguyên tắc về cùng khai thác biển Hoa Đông. Nhưng, sau đó, hai nước có xung đột ở vùng biển này. Chính phủ Nhật Bản cho rằng, việc Trung Quốc đơn phương khai thác tài nguyên đã phá hoại đồng thuận của hai nước. 

Tàu chiến Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Tàu chiến Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Đông Bình (Tổng hợp)