Tư lệnh Mỹ thị sát Biển Đông để đảm bảo nhanh chóng điều binh khiển tướng

27/07/2015 07:05
Hồng Thủy
(GDVN) - Hoạt động của quân đội Mỹ ở Biển Đông chủ yếu là nhằm đảm bảo khả năng cơ động quân sự nhanh chóng giữa Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương một khi xảy ra sự cố.
Đô đốc Scott Swift, tân Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương.
Đô đốc Scott Swift, tân Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương.

Vượng Báo ngày 27/7 bình luận, tần suất quân đội Mỹ tiến hành các hoạt động giám sát ở Biển Đông ngày một gia tăng. Mới đây tân Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Đô đốc Scot Swift đã trực tiếp đáp chiếc P-8A Poseidon thị sát ở Biển Đông cho thấy mức độ can thiệp vào Biển Đông từ Lầu Năm Góc đã gia tăng đáng kể.

Theo giới truyền thông Nga, hoạt động của quân đội Mỹ ở Biển Đông chủ yếu là nhằm đảm bảo khả năng cơ động quân sự nhanh chóng giữa Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương một khi xảy ra sự cố, tránh để cho lực lượng quân đội Mỹ đồn trú ở châu Á - Thái Bình Dương bị tấn công.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 26/7 dẫn bình luận trên tờ Sputnik của Nga cho rằng, cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc bắt đầu ngày 22/7 vừa qua (bất hợp pháp, trên vùng biển phụ cận Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) và kéo dài 10 ngày lằm nhằm đối phó với các hoạt động quân sự của Nhật Bản - Philippines ở Biển Đông, bất chấp "giải thích" của người phát ngôn hải quân Trung Quốc.

Để chống lại ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, Trung Quốc ngoài tiếp tục phát triển tàu ngầm hạt nhân, hàng không mẫu hạm, binh chủng hàng không chiến lược, các cuộc tập trận gần đây đã thể hiện rõ nét hơn trước sự kết hợp chặt chẽ giữa thủy quân lục chiến với lực lượng đổ bộ lưỡng thê của lục quân, lực lượng trực thăng vũ trang và các binh chủng khác tiến hành tập trận đổ bộ cho thấy tham vọng bành trướng của Trung Quốc hòng độc chiếm Biển Đông không có gì thay đổi.

Giới chuyên gia Nga cho rằng, hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông được triển khai đồng thời với Nhật Bản và Philippines, mục tiêu là nhằm ngăn chặn Trung Quốc trở thành đối thủ chính trị - quân sự chủ yếu của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Nhật Bản sẽ tham dự tập trận chung Malabar với Mỹ tháng 10 năm nay.

Sputnik dẫn lời một số chuyên gia Nga cho rằng trong bối cảnh Mỹ tiếp tục can thiệp vào Biển Đông, các nước ven Biển Đông sẽ buộc phải có chiến lược quân sự mới, ví dụ như Philippines, Việt Nam, Thái Lan đều đang mở rộng ảnh hưởng của mình trên Biển Đông. Điều này làm cho Biển Đông trở nên căng thẳng và tăng nguy cơ nổ ra xung đột.

Tuy nhiên báo Nga, học giả Nga đã quên mất một điều cội nguồn mọi căng thẳng trên Biển Đông hiện nay đều xuất phát từ tham vọng bành trướng lãnh thổ, xưng hùng xưng bá của Trung Quốc với mục tiêu cụ thể là cụ thể hóa đường lưỡi bò, độc chiếm Biển Đông thành ao nhà - PV.

Hồng Thủy