Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (ĐH TNMT) thành lập theo Quyết định số 1583/QĐ-TTg ngày 23 tháng 08 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (thuộc địa bàn phường Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Tuy nhiên, từ khi trường ĐH TNMT đi vào hoạt động lại có các ki ốt bán hàng, kinh doanh các loại hình tại mặt đường Phú Diễn, gây phản cảm, bức xúc trong nhân dân,...các cửa hàng này không phục vụ vào mục đích học tập của sinh viên trong trường...
Trường Đại Học Tài nguyên Và Môi Trường Hà Nội. ảnh: Phan Thiên |
Theo phản ánh của người dân (phường Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhiều năm nay tại khu vực trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có nhiều ki ốt nằm dưới tầng 1 tòa nhà C của trường này kinh doanh bán hàng tran lan, lấn chiếm hết vỉa hè, mất mỹ quan đô thị...
"Đoạn đường này có ngã 4, lượng người đổ về đây là đông và đoạn có giao cắt nên lượng xe lưu thông rất lớn. Tuy nhiên vỉa hè tại khu vực này đã bị phong tỏa bởi các ki ốt bán hàng tại trường ĐH Tài nguyên và Môi trường nên rất nguy hiểm khi tham gia giao thông tại khu vực này" anh Thành một người dân sống gần đó cho biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các ki ốt bán hàng mà người dân phản ánh nằm tại tầng 1 của tòa nhà C (thuộc ĐH TNMT) cao 5 tầng, mỗi tầng gồm 2 dãy, mỗi dãy có 9 phòng, không kể phần diện tích cầu thang.
Tòa nhà này vốn được thiết kế quay vào phía trong khuôn viên của trường và là nơi làm việc của lãnh đạo, các phòng ban, khoa của trường Đại học Tài nguyên và Môi trường.
Mặt trước của tòa nhà C nằm quay vào khuôn viên trường. Tuy nhiên tại tầng 1 của tòa nhà bị xẻ thịt vô tội vạ tại mặt đường Phú Diễn. Ảnh: Phan Thiên |
Nhưng không hiểu vì lý do gì, toàn bộ tầng 1 mặt sau của tòa nhà này nằm sát đường Phú Diễn đã được thiết kế thông với mặt đường.
Hiện toàn bộ 9 phòng “mặt tiền” này đã biến thành các ki ốt bán hàng. Trong khi 9 ki ốt buôn bán tấp nập thì trong các phòng còn lại của tòa nhà, cán bộ nhà trường vẫn làm việc bình thường (!?)
Theo quan sát của phóng viên, ngoài một hai cửa hiệu photocopy thì hầu hết các ki ốt này đều được người dân thuê để kinh doanh như hiệu sửa xe máy, quán nước,…toàn bộ những cửa hàng này đều lấn chiếm vỉa hè.
Toàn bộ vỉa hè trên đường Phú Diễn bị lấn chiếm để sử dụng múc đích kinh doanh. Ảnh: Phan Thiên |
Nếu thời điểm sinh viên đi học thì toàn bộ những người đi bộ phải đi xuống lòng đường, gây mất an toàn giao thông. Ảnh: Phan Thiên |
Theo nguồn tin riêng mà phóng viên nhận được, các ki ốt này là dành cho cán bộ, giáo viên của nhà trường để ở. Tuy nhiên các giáo viên được giao nhà lại không ở mà đem cho thuê để lấy tiền.
Theo người bán hàng nước nằm trên khu vực cho biết: "Ở đây hợp đồng thuê là 8 tháng, mỗi tháng là 6,5 triệu đồng. Tuy nhiên, phải đóng tiền nhà cả 8 tháng lại một lần. Riêng tiền điện, nước thì 3 tháng đóng 1 lần cho những thầy, cô trong trường có ki ốt ngoài này"
"Luật lá, tiền đóng là vậy nhưng khi có đoàn kiểm tra thì họ thông báo phải đóng cửa. Như mấy hôm trước có Đại hội gì đấy chúng tôi phải đóng cửa mất 1 ngày" một người bán hàng tại ki ốt cho biết.
Các loại hình kinh doanh tại địa điểm này. Ảnh: Phan Thiên |
Nếu người nào không để ý thì rất khó nhận ra những ki ốt này nằm trong đất của trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Ảnh: Phan Thiên |
Chưa biết trường Đại học Tài nguyên và Môi trường có được phép cho thuê ki ốt hay không, nhưng chắc chắn là hầu hết những cửa hàng này không hề phục vụ cho mục đích giáo dục, gây phản cảm đối với sinh viên cũng như người dân quanh khu vực.
Câu hỏi đặt ra là trong thiết kế dự án xây trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có tầng 1 tòa nhà C để kinh doanh hay không?
Nếu số tiền đúng như phóng viên tìm hiểu mà hàng tháng các chủ cửa hàng nộp về cho chủ sở hữu là thầy, cô trong trường thì câu hỏi được đặt ra là số tiền ấy sẽ đi đâu, chi vào mục đích gì?