Quyết định số 22 ngày 22/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần quy định, với các đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo thì đẩy mạnh hoạt động theo cơ chế tự chủ, tiến tới tự chủ hoàn toàn, hạch toán như doanh nghiệp.
Khuyến khích liên kết hợp tác trên cơ sở bảo toàn tài sản và mục đích cung cấp dịch vụ công. Thí điểm cho thuê quản lí, thuê cơ sở vật chất, thí điểm cổ phần hóa trên nguyên tắc bảo đảm tiếp tục cung cấp dịch vụ công với chất lượng tốt hơn.
Trước đó, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã có loạt bài viết xung quanh vấn đề “Tự chủ đại học” hiện nay, vướng mắc gì và nhiệm vụ, phương hướng trong thời gian tới của giáo dục đại học là gì. Ngay lập tức, loạt bài này đã được các chuyên gia giáo dục, xã hội đánh giá cao bởi tính thời sự.
Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT GS. Trần Hồng Quân cho rằng, Giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp là khâu cuối cùng của quá trình giáo dục, là bộ phận trực tiếp góp phần quan trọng nhất để xây dựng sức mạnh trí tuệ và nguồn lực lao động của đất nước. Đáng tiếc là ta chưa làm tròn vai trò và sứ mạng đó.
Ảnh minh họa. Trà My/VNU |
GS. Quân cho rằng, tự chủ là thuộc tính của các cơ sở giáo dục đại học. Có tự chủ các trường mới năng động sáng tạo được.
Đối với giáo dục đại học, GS. Quân bày tỏ, nhà nước chỉ cần định hướng và xây dựng hệ thống pháp luật và pháp quy, tạo một hành lang thật rộng rãi để các trường hoạt động không thấy gò bó.
Hoàn toàn không cần "cầm tay chỉ việc", không nên duy trì cơ chế "xin- cho".
Trong cải cách giáo dục đại học trên thế giới, xu thế chung là trao quyền tự chủ cho các trường đại học.
Mục đích của chính sách này là để các trường đại học sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực của mình và phản ứng tốt hơn trước tác động của thị trường và với những yêu cầu của xã hội. Do vậy, trao quyền tự chủ là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển giáo dục đại học.
Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), thì tự chủ đại học thường được thể hiện chủ yếu trên 3 nhóm nội dung lớn như sau: Học thuật; Tổ chức-Nhân sự; Tài chính.
Ông Khuyến cũng cho rằng, trao quyền tự chủ cho các trường đại học không có nghĩa là mọi trường đại học đều được hưởng mức độ tự chủ như nhau.
Quyền tự chủ của trường đại học càng lớn thì trách nhiệm xã hội càng cao. Ở đây trách nhiệm xã hội không phải chỉ là lời hứa xuông mà là trách nhiệm của nhà trường đối với sinh viên, cha mẹ sinh viên, người sử dụng lao động, công chúng và Nhà nước.
Trách nhiệm này bao gồm: việc đảm bảo chất lượng đào tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thông tin minh bạch và trách nhiệm báo cáo giải trình công khai với công chúng, đem lại sự thỏa mãn cho sinh viên và cộng đồng,...
Quyền tự chủ của nhà trường không thể trao cho một cá nhân (Hiệu trưởng ) mà phải trao cho một Hội đồng trường có thành viên chủ yếu là các đại diện ưu tú của cộng đồng xã hội.
Cũng trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, GS. Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, sẽ không có một trường đại học nào có thể hoàn thành sứ mệnh của mình mà không có quyền tự chủ cần thiết.
GS. Mai Trọng Nhuận cho rằng, vấn đề sâu sa nhất của tự chủ đại học đó là bản chất của trường đại học đích thực phải tạo ra tri thức mới, và trường đó phải đào tạo ra những con người để đáp ứng những yêu cầu của một xã hội liên tục thay đổi.
Do đó, để quyết định được hai vấn đề này thì mặc định của trường đại học là được tự chủ.
Theo GS. Nhuận, mấu chốt các trường muốn tạo ra cái mới thì phải có quyền quyết định về đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường mình, đó mới đầy đủ nghĩa là một trường đại học. Và đã là đại học thì tất yếu phải được tự chủ.
“Tự chủ đại học không những tạo ra cái mới mà còn tạo ra nguồn lực” GS. Nhuận cho hay.
Trong khi đó, GS. Lâm Quang Thiệp – Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) quan niệm, trước hết phải thực sự hiểu được khái niệm “tự chủ đại học” là gì.
Theo ông, nói rộng ra tự chủ đại học nói rộng hơn là cộng đồng đại học phải phấn đấu lâu dài mới đạt được chứ không thể nghĩ tự chủ đại học là hiển nhiên trường đại học phải được tự chủ, cũng như con người là phải được thở.
GS. Lâm Quang Thiệp cho rằng, việc ra đời Luật Giáo dục đại học và đưa khái niệm “tự chủ đại học” vào Luật Giáo dục năm 1998 là một bước tiến.
GS. Thiệp cũng cho rằng, đã là tự chủ, các trường phải gắn liền với trách nhiệm giải trình với những bên có liên quan- Đó là người cấp tiền cho nhà trường (có thể là Nhà nước, công ty, doanh nghiệp…), người dạy, người học, người dùng các sản phẩm của nhà trường…
Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cũng cho rằng, với Việt Nam, để đảm bảo quyền tự chủ với một thực thể dân chủ thì phải có cơ chế Hội đồng trường. Trường đại học muốn tự chủ thì phải dân chủ, chứ không thể tự chủ lại độc tài ở một người nào đó.
GS. Thiệp cũng có quan điểm, năng lực trường đại học càng cao thì nên mở rộng quyền tự chủ cho các trường (đó là hàm lượng trí tuệ cao, hàm lượng trí tuệ ở đây có thể xem là trình độ giảng viên, số lượng Giáo sư, tiến sĩ, nghiên cứu khoa học và kết quả…).
“Tự chủ không chỉ để thực hiện được mục tiêu đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, mà quan trọng hơn là tạo động lực để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giúp hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam phát triển nhanh và bền vững”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói trong cuộc họp về giao quyền tự chủ đối với các trường đại học công lập cuối năm 2014. |