Thông tấn Yonhap ngày 30/7 đưa tin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tham gia giám sát một cuộc tập trận không quân quy mô lớn tại căn cứ quân sự Calma gần thành phố cảng Wonsan ở bờ biển phía Đông Bắc.
Yonhap dẫn tuyên bố của KCNA cho biết, Kim Jong-un đã bay đến sân bay Calma bằng chiếc chuyên cơ Chammae-1 để "chỉ đạo" cuộc tập trận không được tiết lộ thời gian diễn ra chính thức.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bước xuống từ máy bay tham gia chỉ đạo tập trận tại Wonsan. |
Cuộc tập trận này được tiến hành lần thứ 2 trong lịch sử 70 năm của đất nước, KCNA cho biết. Nó được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 62 ký kết thỏa thuận đình chiến cuối chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Ngoài Kim Jong-un, tham gia cuộc tập trận còn có Tổng Tham mưu trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Gil.
Phát biểu tại sự kiện, ông Kim Jong-un tuyên bố rằng bán đảo Triều Tiên hiện nay đang trên bờ vực cuộc chiến tranh quy mô không kém so với xung đột 65 năm trước đây. Ông cũng cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc "dối trá" đang “điên cuồng thúc đẩy chiến tranh".
Kim Jong-un cho biết, cuộc tập trận là một sự chuẩn bị cho cuộc chiến tranh chống lại "đế quốc Mỹ cầm đầu xâm lược" và "con rối Hàn Quốc".
Trong một bài phát biểu sau đó, tướng Ri Yong-gil, cũng tuyên bố bán đảo đang ở trên bờ vực của một cuộc xung đột như Chiến tranh Triều Tiên. Ông cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục có những hành động "bóp méo, khiêu khích liều lĩnh".
Hôm thứ Tư, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã ra tuyên bố yêu cầu các đồng minh hủy bỏ các cuộc tập trận phòng thủ chung thường niên của mình để nối lại đối thoại. Bộ này cũng nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng không thể nối lại là do chính sách thù địch của Washington đối với quốc gia này.
Trong khi đó, Viện nghiên cứu Johns Hopkins mới đây cho biết, Triều Tiên đã hoàn thành việc hiện đại hóa các bệ phóng chính dành cho tên lửa đạn đạo, nhưng chưa phát hiện ra dấu hiệu cho thấy chuẩn bị phóng tên lửa.
Hình ảnh do truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố về cuộc tập trận kỷ niệm lần thứ 62 ký kết thỏa thuận đình chiến cuối chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 . |
Tuy vậy, Hàn Quốc đã tăng cường cảnh giác đối phó với "sự khiêu khích chiến lược" từ Bình Nhưỡng. Seoul lo ngại rằng nhân dịp nhân dịp kỷ niệm lần thứ 70 ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên sắp tới, Bình Nhưỡng có thể tiến hành phóng tên lửa tầm xa và gia tăng kích động tình trạng căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên.
Triều Tiên không có khả năng kích động chiến tranh
Khi so sánh tiềm năng quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, có thể thấy Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ không dám kích động một cuộc xung đột trên bán đảo, tờ Sputnik dẫn lời chuyên gia quân sự Nga từ Viện Nghiên cứu phương Đông Vladimir Evseyev cho biết.
Theo ông, tiềm năng quân sự của Hàn Quốc mạnh hơn nhiều so với Triều Tiên. Do đó, Bình Nhưỡng không thực sự sẵn sàng khởi động bất kỳ hành động tấn công quân sự nào. Điều này thể hiện rõ trong cấu trúc quân đội, số lượng quân và vị trí bố trí lực lượng.
Chính thức, quân đội Triều Tiên có khoảng 1,2 triệu người, nhưng trên thực tế chỉ có khoảng 700.000 binh sĩ trong quân ngũ, tương đương với quân số của Hàn Quốc. Phần còn lại của quân đội tham gia trong các hoạt động dân sự của CHDCND Triều Tiên như nuôi lợn, nuôi cá, hoặc làm việc trong hầm mỏ. Tức là trong thực tế họ được sử dụng như nguồn lao động không phải trả lương.
Ngoài ra, Triều Tiên không đủ máy bay và xe tăng cho các hoạt động tấn công một khi xảy ra chiến sự thực sự. Các phương tiện bay không người lái cũng cực kỳ hạn chế về số lượng. Đồng thời Triều Tiên kém hơn nhiều so với Hàn Quốc về khả năng Hải quân./.