Hàng loạt cán bộ từ quan: Hội chứng hưu sớm hay cách mới hạ cánh an toàn?

01/08/2015 08:02
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Nhiều ý kiến cho rằng, việc nhiều quan chức "treo ấn, từ quan" sớm hơn quy định nên coi là chuyện bình thường, đáng hoan nghênh...

Sau sự việc ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An xin nghỉ hưu sớm hồi cuối tháng 5, hàng loạt lãnh đạo quận, huyện Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hải Dương, Bí thư tỉnh Quảng Nam cũng bất ngờ “treo ấn từ quan”.

Lãnh đạo các đơn vị này đã đưa ra rất nhiều lý do (sức khỏe, nghỉ chờ hưu, tạo cơ hội cho lớp trẻ…) để giải thích cho việc “từ quan” của mình.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội (ảnh: Báo Dân trí)
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội (ảnh: Báo Dân trí)

Nhận định về vấn đề này, hôm 31/7, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, việc quan chức xin nghỉ hưu sớm là điều đáng hoan nghênh.

"Xã hội chúng ta đang cần những người có đạo đức, chuyên môn giỏi.

Trong khi đó, một số cán bộ được bầu vào vị trí lãnh đạo, nhưng họ thấy mình không cáng đáng nổi công việc, hoặc vì bất kỳ một lý do nào khác, xin “từ quan” để nhường chỗ cho người khác là việc cần thiết, đáng hoan nghênh.

Cũng cần coi việc "từ quan" của những cán bộ đó là chuyện bình thường, giống như việc con người ta hít thở không khí hàng ngày để sống", ông Kiên ví von.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, câu chuyện "quan" xin nghỉ hưu sớm, sẽ chẳng có gì đáng nói nếu

Hàng loạt cán bộ từ quan: Hội chứng hưu sớm hay cách mới hạ cánh an toàn? ảnh 2

Ông Vũ Quốc Hùng: Từ bỏ danh lợi, rất đáng để ngưỡng mộ, hoan nghênh

dư luận coi việc các vị “treo ấn” là chuyện bình thường trong xã hội.

Nhưng điều “bất thường” lại xuất phát từ những suy nghĩ không bình thường ấy.

"Chuyện này không có gì mà phải đem ra bàn tán.

Còn ai đó cho rằng việc quan chức xin về hưu sớm là điều không bình là người ta “suy bụng ta ra bụng người”, ông Kiên nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Đức Kiên cũng đưa ra nhận định, những suy nghĩ “không bình thường” như trên, xuất phát từ quan niệm truyền thống, tồn tại khá lâu trong đời sống, xã hội Việt Nam.

“Xã hội Việt Nam đi lên từ một nền giáo dục khoa cử. Theo quan niệm, người ta thi cử cốt để làm quan. Cho nên khi họ thấy người khác từ “quan”, từ bỏ danh lợi thì cho đó là chuyện gây “sốc”.

Tại sao chúng ta không ca ngợi đó là những tấm gương, thể hiện tinh thần nhường nhịn của người cộng sản trong thời kỳ đổi mới, mà cứ suy diễn sang một ý khác?", ông Nguyễn Đức Kiên thắc mắc .

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng cho rằng, việc quan chức viết đơn xin nghỉ hưu sớm không ảnh hưởng tới công tác nhân sự tại cơ sở.

“Chúng ta đã có nguồn quy hoạch cán bộ các cấp rất rõ ràng và sẵn sàng chờ thay thế”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình). Ảnh: Báo Tin tức)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình). Ảnh: Báo Tin tức)

Đồng quan điểm trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Bình) cũng cho rằng, việc quan chức xin về hưu sớm sẽ tạo bước đệm quan trọng, tiến tới văn hóa từ chức – thứ mà bấy lâu vẫn còn là thứ xa xỉ ở một bộ phận quan chức.

“Trong một số trường hợp cá biệt, việc xin nghỉ hưu sớm, hay từ chức là do mâu thuẫn cá nhân, nội bộ cơ sở bất ổn hay vì bất cứ một lý do nào khác, thì đó cũng quyền tự do dân chủ, cần được tôn trọng.

Việc này phải  đáng hoan nghênh chứ không có gì để bới móc", Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho biết.

QUỐC TOẢN