Đa dạng tiêu chí chọn sữa
Chị Ngọc Giang (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân), có con trai được hơn 1 tuổi chia sẻ, trước khi đi mua sữa chị đã tham khảo, tra cứu rất nhiều thông tin trên mạng, tìm hiểu từ bạn bè thân. Nhưng khi ra đến đại lý sữa hầu hết sản phẩm nào cũng có thành phần dinh dưỡng như nhau, người bán giới thiệu sản phẩm nào cũng tốt nên chốt lại, chị Giang quyết định chọn mua sản phẩm của một thương hiệu uy tín, có mặt lâu năm trên thị trường.
Còn chị Thanh Loan – giáo viên trường mầm non Chích Bông cho biết, con chị uống sữa bột từ lúc 3 tháng tuổi. “Khi chọn sữa cho con, tôi cũng chỉ dựa vào giới thiệu nhà sản xuất là sữa dành cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Mình không biết sữa hãng nào tốt hơn nên cách tốt nhất là nghe theo lời khuyên của bác sĩ, chọn sản phẩm theo lứa tuổi. Rất may cháu chịu uống và hấp thu tốt”.
Chị Thanh Loan chọn sữa cho con dựa theo khuyến cáo sữa đúng độ tuổi. |
Theo khảo sát của phóng viên, phần lớn khách hàng mua sữa cho con đều thừa nhận, họ “thuộc lòng” tên của rất nhiều dòng sữa, nhãn hiệu sữa từ quảng cáo trên ti vi.
Tuy nhiên khi mua sữa cho con, họ vẫn chọn sản phẩm của những thương hiệu có uy tín, có địa chỉ, xuất xứ rõ ràng... nếu là sữa nội. Còn sữa ngoại, thương hiệu càng lâu năm càng được đặt lên hàng đầu.
Thị trường sữa bột đa dạng chủng loại, mẫu mã, thương hiệu đồng thời cũng đa dạng mức giá. Giá sữa cũng là tiêu chí trong việc lựa chọn sữa, không ít người tiêu dùng đặc biệt gia đình có điều kiện tin rằng, sữa đắt tiền sẽ tốt hơn, sữa ngoại xách tay tốt hơn sữa sản xuất trong nước.
Chị Thanh Bắc, chủ một đại lý sữa trên đường Trần Quốc Hoàn (Cầu Giấy, Hà Nội) thừa nhận: “Sữa có thương hiệu, dù có đắt hơn một chút thì khách hàng vẫn chọn mua”.
Lựa chọn nhưng không tự tin?
Dù cuối cùng, mỗi khách hàng đều chọn được loại sữa cho con em mình mà họ cho là phù hợp nhất nhưng chỉ cần làm một phép thử mới thấy, hầu hết người mua sữa đều tỏ ra lúng túng, không chắc chắn sự lựa chọn đó có đúng hay không.
Cầm trên tay hộp sữa của một nhãn hiệu ngoại, chị Mai Lan (Đống Đa, Hà Nội) khẳng định, dòng sữa này rất thích hợp với con chị. Bằng chứng là con chị dùng gần 1 năm nay, cháu hấp thu, tăng trưởng tốt.
Rất ít người tiêu dùng trả lời được câu hỏi, công thức dinh dưỡng trên mỗi hộp sữa được đơn vị nào nghiên cứu, cung cấp? |
Tuy nhiên, trước những câu hỏi liệu chị có biết các công thức của sản phẩm được nghiên cứu thế nào, do đơn vị nào thẩm định, đưa ra? Nguyên liệu hộp sữa xuất xứ từ đâu? Nếu sản xuất trực tiếp, chị có biết thông tin gì về trang trại của nhà sản xuất… chị Mai Lan hoàn toàn... mù mờ và ấp úng.
Những câu hỏi trên cũng đã làm khó phần lớn khách hàng được hỏi.
Chị Mai Lan thừa nhận chưa bao giờ đặt những câu hỏi như thế để tìm hiểu sâu hơn về xuất xứ sản phẩm chị cho con uống hằng ngày bởi theo chị, thương hiệu uy tín thường kèm theo đó thông tin rất rõ ràng về công thức cũng như nơi sản xuất, thông tin thành phần dinh dưỡng...
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Tuyết Vân - Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Người tiêu dùng nữ Hà Nội cho biết, trong nhiều chương trình hội thảo và sinh hoạt của câu lạc bộ, chia sẻ về cách chọn sữa bột, phần lớn các hội viên cho biết dựa vào thương hiệu, quảng cáo và qua thông tin chỉ dẫn của người thân.
“Có điểm chung là trên bao bì nhãn sữa thường thông tin giống nhau từ thành phần, độ tuổi sử dụng. Thông tin quảng cáo cũng giống nhau như sữa sản xuất nguyên liệu trong nước, theo công thức tiên tiến nhất, giúp trẻ phát triển tốt nhất…”, bà Vân nhận xét.
Bà Vân cho rằng, những thông tin đó đều rất cần thiết nhưng chưa đủ, chỉ xuất phát từ phía nhà sản xuất đưa ra.
Sản phẩm này được giới thiệu sản xuất theo "Công nghệ Prolacta", là "bước đột phá thông minh của Tập đoàn Lactalis". Tuy nhiên, sẽ không nhiều người tiêu dùng biết Tập đoàn Lactalis có trụ sở ở đâu? Nguyên liệu sử dụng là trực tiếp hay được cung cấp bởi bên thứ 3... |
“Ví dụ, nhà sản xuất quảng cáo sữa có nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước nhưng nguyên liệu đó từ trang trại nào? Tiêu chuẩn sữa ở trang trại đó ra sao? Điều kiện chăn nuôi tại trang trại có tốt, các giống bò có đạt chuẩn?... Người tiêu không biết hoặc không được kiểm chứng”, bà Vân khẳng định.
Theo bà Vân giữa “ma trận” sữa hiện nay, không ai dám chắc sản phẩm mình mua được sản xuất như thế nào. Vì vậy để giúp người tiêu dùng có thêm thông tin, nhà sản phải cung cấp chi tiết và minh bạch hơn về nguồn nguyên liệu sữa, công thức sữa…
“Đây không chỉ là thông tin cần biết mà phải được biết, người tiêu dùng có quyền truy xuất nguồn gốc và thông tin xung quanh sản phẩm sữa mình sử dụng, đó chính là quyền của người tiêu dùng”, bà Vân nói.
Từ cách đặt vấn đề của chủ nhiệm Câu lạc bộ nữ người tiêu dùng Hà Nội, có thể thấy hầu hết những người đang mua sữa bột, sữa công thức hiện nay quên đi phần thông tin quan trọng mà đáng ra mình cần phải biết. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến phần lớn trong số họ không dám tự tin khẳng định, lựa chọn sản phẩm của mình đúng hay không hay chỉ chọn theo đám đông.
* Vậy, chọn sữa như thế nào là tốt nhất, lời khuyên của các chuyên gia là gì? Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam tiếp tục thông tin cho bạn đọc trong các bài viết sau.
Bầu chọn
Bạn có tự tin khẳng định biết rõ nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm sữa bột, sữa công thức khi chọn mua cho con em mình sử dụng?