Thứ trưởng Bộ Giáo dục “giải mã” chuyện đau đầu năm học mới

08/08/2015 07:16
Thùy Linh
(GDVN) - Thời gian gần đây, chuyện cho con học trước vào lớp 1, học trái tuyến luôn là vấn đề “nóng” mỗi khi mùa khai giảng tới.

Công tác tuyển sinh đầu cấp như mầm non, lớp 1, lớp 6…luôn là chủ đề nóng trong mỗi mùa tuyển sinh, tạo sức ép nặng nề cho ngành giáo dục, đặc biệt trong cuộc chạy đua quyết liệt giữa phụ huynh học sinh tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM... 

Cho con học trước khi vào lớp 1

Việc cho con “đọc thông viết thạo” trước khi vào lớp 1 đã và đang trở thành một trào lưu. Trong suy nghĩ của các bậc phụ huynh thì việc cho con biết đọc, biết viết trước khi vào học Tiểu học sẽ giúp trẻ nhanh chóng hòa hòa nhập với môi trường mới và có lợi thế hơn so với những học sinh khác. 

Chị Ngô Thị H. (trú tại Trần Cung – Bắc Từ Liêm - Hà Nội) cho biết: “Mấy chị cùng xưởng nói không cho con đi học trước khi vào lớp 1 sẽ không theo kịp chương trình. Giữa tháng 6, hai vợ chồng quyết định cho con đi học để biết đọc biết viết với mức học phí 2 triệu đồng cho 40 buổi học”. 

Cùng tâm trạng này, anh Khắc Chính - phụ huynh “đầy trải nghiệm” ở Thanh Xuân, Hà Nội đã hối hận vì không cho con học trước khi vào lớp 1:

Đứa lớn không được học trước đến khi vào lớp hầu hết các bạn đã biết viết trong khi con nhà mình vẫn bỡ ngỡ trong cách cầm bút nên khi đứa nhỏ vào lớp 1 nhất định phải cho đi học trước”.

Nhằm tháo gỡ những suy nghĩ có phần lo lắng này của các bậc phụ huynh, tối 16/7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, chính các bậc phụ huynh học sinh đã không ý thức rõ, ở cấp Tiểu học người ta dạy học từ những động tác đơn giản như ngồi, viết, đọc, và quan trọng là mức chuẩn đặt ra với học sinh Tiểu học cũng rất thấp.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục “giải mã” chuyện đau đầu năm học mới ảnh 1
Việc cho con “đọc thông viết thạo” trước khi vào lớp 1 đã và đang trở thành một trào lưu (Ảnh: Vnexpress.net)

Thứ trưởng Hiển cũng cho biết qua kiểm tra, đánh giá năm học 2014-2015, học sinh chúng ta đạt chuẩn rất cao. Riêng đối với môn Tiếng Việt, trong chương trình công nghệ tiếng Việt lớp 1, còn đặt ra chuẩn cao hơn bình thường mà học sinh vẫn đạt được. 

Điều đáng lưu ý, mô hình trường học mới không yêu cầu học sinh phải học trước, thậm chí học trước lại không bằng những học sinh chưa học bao giờ. 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục chia sẻ, các bậc phụ huynh yên tâm rằng, Bộ GD&ĐT không đặt ra yêu cầu chuẩn cao ở cấp học này.

Do nhiều em đi học trước nên khi vào lớp buộc các em khác cũng phải theo. Chính điều này đã tạo tâm lý sính bệnh thành tích ở các trường Tiểu học, giáo viên thấy một số học sinh học trước nên nâng yêu cầu chuẩn làm vượt quá mức yêu cầu đặt ra” ông Hiển nhận định. 

Lãnh đạo ngành giáo dục còn cho rằng, đây thực sự là điều nguy hiểm bởi chính các bậc phụ huynh đang buộc con mình phải chạy theo những thành tích ảo ngay từ khi còn nhỏ, biến những đứa trẻ giống như một cái máy, để bằng mọi cách để nhồi nhét kiến thức cho con. 

Học trái tuyến

Hầu hết các bậc phụ huynh đều mong muốn con mình được học ở những trường có chất lượng tốt nhất đặc biệt là các trường mang danh “trường chuẩn”, “trường điểm”. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng: “Với mô hình trường học mới (VNEN), chương trình kiến thức Tiểu học không quá khó, không đòi hỏi kiến thức sâu, kiến thức rộng chính vì vậy với học sinh ở cấp học này ưu tiên đầu tiên là chọn trường gần nhà”. 

Cũng chính do một số bậc phụ huynh có tình trạng “chọn trường, chọn lớp” nên đã sinh ra chuyện học sinh học trái tuyến. Dẫn đến tình trạng một số trường ít học sinh, nhưng một số lại quá đông, quá tải so với tiêu chuẩn khiến giáo viên khó quản lý. 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục “giải mã” chuyện đau đầu năm học mới ảnh 2

Vào lớp một khó hơn… lên giời

Công tác xét tuyển, thi tuyển đầu cấp tại TPHCM mới chính thức khởi động, song cuộc chạy đua tìm kiếm một suất vào các trường chất lượng theo ý muốn của phụ huynh đang “nóng” từng ngày.

Hiện tượng chọn trường, học trái tuyến vẫn tồn tại trong thực tế do nhiều nguyên nhân. Nhưng quan trọng nhất là cần ngăn chặn tình trạng “chạy trường”. 

 “Việc học trái tuyến ở Tiểu học là không cần thiết, vì ở cấp học này chủ yếu phụ thuộc vào khả năng thích học của các em, vì thích học nên các em sẽ học được và sẽ có lực học lâu dài chứ không phải nhồi nhét kiến thức cho học sinh ngay từ đầu. 

Chúng ta hình dung việc đi học giống như chạy ma-ra-ton, lúc đầu chạy bình tĩnh thì sau mới có sức, có lực chạy dài để đến đích chứ không phải ngay từ đầu đã tăng tốc
” Thứ trưởng Hiển ví von. 

Qua những câu chuyện đầu năm học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT mong rằng, các bậc phụ huynh chủ động trong việc cho học sinh tâm thế đến trường, có nền nếp để hoạt động theo tập thể là tốt nhất. Và điều quan trọng, các bậc phụ huynh cần cung cấp cơ sở vật chất, phương tiện để học sinh chủ động thay vì chạy theo tâm lý đám đông.

Thùy Linh