Sáng 8/8, Học viện công nghệ Việt Nhật tổ chức hội thảo với chủ đề “Tốt nghiệp THPT trở thành kỹ sư làm việc cho Doanh nghiệp Nhật Bản” nhằm định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên, giảm thiểu con số thất nghiệp đáng báo động của Việt Nam.
Do đâu mà thất nghiệp?
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này là do việc đào tạo tràn lan cung lớn hơn cầu, đào tạo không sát thực tế của doanh nghiệp khiến sinh viên ra trường không thể làm việc theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Tại buổi hội thảo, đại diện doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, nhà tuyển dụng đến từ Nhật Bản và các nhà giáo giao lưu với học sinh, phụ huynh về phương pháp học tập giúp các em định hướng tương lai rõ ràng hơn.
PGS.TS Vũ Ngọc Bảo (Đại học Thương mại) cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam cao với 2 lí do cơ bản.
Thứ nhất, do hệ thống giáo dục Việt Nam “hơi già cỗi” so với sự phát triển của xã hội hiện nay. Bởi nhiều năm nay, hệ thống giáo dục chưa có sự thay đổi toàn diện từ giáo trình, cơ sở vật chất…Các trường chủ yếu chỉ dựa vào giảng viên của trường để đào tạo.
Thứ hai, do học sinh, sinh viên của Việt Nam chọn ngành học là ngành mà bản thân thích chứ chưa đặt ra vấn đề xã hội cần nghề gì để hướng tới.
Trong khi đó, mấy năm gần đây suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam ảnh hưởng không nhỏ, hàng nghìn doanh nghiệp phá sản khiến người lao động mất việc, sinh viên ra trường không xin được việc”.
Nhà tuyển dụng đến từ Nhật Bản, đại diện doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và các nhà giáo giao lưu với học sinh, phụ huynh (Ảnh: Thùy Linh) |
Dưới cái nhìn của một nhà tuyển dụng, ông Nguyễn Thanh Sơn – Đại diện công ty cổ phần phát triển và đầu tư Việt Nhật khẳng định:
“Hiện nay, nhu cầu về lao động kỹ thuật của thị trường Nhật Bản tại Việt Nam cũng như tại Nhật là rất lớn. Tuy nhiên, hàng nghìn sinh viên vẫn không có việc làm.
Đó là do quá trình đào tạo khiến sinh viên ra trường thiếu từ kỹ năng chuyên ngành đến kỹ năng sống, thiếu kỹ năng ứng xử…và khả năng định hướng nghề nghiệp của người Việt kém”.
Nhìn nhận sự khác biệt giáo dục Việt – Nhật, đại diện công ty Ogawa (Nhật Bản) – ông IMOTO cho biết: “Sự phân chia cấp học của Việt Nam và Nhật Bản có sự khác biệt rõ rệt.
Nếu ở Nhật, học sinh chủ động lựa chọn số tiết học, chỉ có trường chuyên tự quyết định số tiết cho học sinh của mình thì tại Việt Nam, học sinh bị động về thời gian học vì số thời gian, số tiết học đã được quy định sẵn.
Hệ thống sách giáo khoa của Nhật luôn luôn được đổi mới và cải cách do chính giảng viên dựa vào tình hình thực tế học tập của sinh viên để update thông tin phù hợp cho sự phát triển của xã hội.
Hơn nữa, trong quá trình học tập, sinh viên không chỉ được học kiến thức trong sách vở mà còn được thực hành, áp dụng thực tế. Chính vì vậy mà kỹ năng của sinh viên Nhật rất tốt”.
Một lối thoát
Theo khảo sát của Cơ quan Xúc tiến Công nghệ Thông tin Nhật Bản (IPA), trong 5 năm gần đây, có trên 60% doanh nghiệp Nhật Bản thiếu nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Chính vì thiếu nguồn nhân lực công nghệ thông tin ở trong nước nên các doanh nghiệp Nhật Bản đã đẩy mạnh tìm kiếm nguồn nhân lực từ thị trường nước ngoài, trong đó Việt Nam là điểm đến ưa chuộng nhất với tỷ lệ 31,5% công ty lựa chọn.
Cử nhân thất nghiệp tăng gấp đôi, vì đâu nên nỗi? (GDVN) - Không xin được việc làm phù hợp với chuyên môn đã học, nhiều cử nhân phải giấu bằng đại học, quay trở lại học nghề để đi làm công nhân, lao động phổ thông. |
Đứng trước nhu cầu của xã hội, Học viện Công nghệ Việt Nhật (Vjtech) thành lập năm 2014 và bắt đầu từ 2015 bắt đầu chương trình tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THPT năm 2015, sinh viên Cao đẳng, Đại học yêu thích công nghệ thông tin để đào tạo trở thành kỹ sư công nghệ phần mềm, công nghệ thiết kế và công nghệ mobile và giới thiệu đi làm việc tại Nhật Bản hoặc cho các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
Điều đặc biệt, khi tới nhập học, sinh viên được kí một văn bản cam kết lao động đảm bảo có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Cơ hội có mức thu nhập có thể đạt được lên tới 2000 USD/tháng khi làm tại Nhật Bản và 500-1000 USD/tháng khi làm tại Việt Nam trở nên dễ dàng.
Đây là một cơ hội tốt cho học sinh tốt nghiệp THPT năm 2015, sinh viên Cao đẳng, Đại học yêu thích công nghệ thông tin và cũng là nút tháo gỡ phần nào cho bài toán thất nghiệp tại Việt Nam.