"Góc tối" của thị trường hàng không Việt

12/08/2015 08:32
Mai Anh
(GDVN) - Thiếu văn hóa ứng xử đang là "góc tối" trong bức tranh phát triển cả về lượng và chất của hàng không Việt Nam hiện nay.

"Đi máy bay...", cụm từ không còn xa lạ

“Đi máy bay”, “Vé máy  bay giá rẻ”… những cụm từ này đang trở nên phổ biến trong bất cứ kế hoạch đi lại nào của người dân. Thậm chí không ít người thừa nhận, có những thời điểm vé may bay rẻ hơn cả vé tàu hay vé xe khách.

Dường như, khi giá vé máy bay không còn là vấn đề đặt lên hàng đầu thì rõ ràng hàng không đang là lựa chọn số 1 cho bất cứ chuyến đi dài nào.

Trong khi đó, cách đây 10 – 15 năm đi máy bay vẫn là cái gì đó xa xỉ, nếu không phải doanh nhân, cán bộ đi công tác thì cũng chỉ số ít người có điều kiện tham gia loại phương tiện giao thông này. 

Bên cạnh yếu tố giá thành, hàng không Việt Nam cách đây 15 năm chỉ duy nhất có Vietnam Airlines với lịch trình chuyến bay nội địa không nhiều. 

Giai đoạn đó, ngay cả xe tô tô khách chất lượng cao có điều hòa, tivi cũng không nhiều, phương tiện giao thông người dân sử dụng chủ yếu xe khách đời cũ với cách gọi bình dân xe đò…

Hàng không Việt Nam đang phát triển cả về lượng và chất - Ảnh minh họa
Hàng không Việt Nam đang phát triển cả về lượng và chất - Ảnh minh họa

Nhắc câu chuyện cũ để thấy bức tranh đổi khác của hàng không Việt Nam hiện nay. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng không Việt Nam đặc biệt trong giai đoạn 2008 – 2013 mang lại diện mạo mới. Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam là thị trường hàng không đang phát triển nhanh và năng động, xếp thứ 7 trong số những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới. 

Hiện có 51 hãng Hàng không nước ngoài khai thác 68 đường bay từ 22 quốc gia, vùng lãnh thổ đến Việt Nam. Mạng đường bay nội địa do 5 hãng hàng không khai thác với 41 đường bay từ 3 trung tâm chính là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh tới 17 Cảng hàng không, sân bay địa phương.

"Góc tối" của thị trường hàng không Việt ảnh 2

Nhân viên Nội Bài trộm đồ của khách: Học cách ứng xử của cô gái Hàn Quốc

Đặc biệt trong hai năm 2014 – 2015, ngành hàng không trong nước ghi dấu ấn với loạt sự kiện như Vietnam Airlines chính thức hoàn thành “giấc mơ bay” khi mang về chiếc Boeing 787-9 Dreamliner để trở thành hãng đầu tiên trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương khai thác đồng thời hai loại máy bay hiện đại thế hệ mới là Boeing 787-9 Dreamliner và Airbus A350-900 XWB.  

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, hãng sẽ thay toàn bộ máy bay thân rộng gồm 33 chiếc, trong đó có 19 Boeing 787 và 14 Airbus A350, được chuyển giao trong hơn 3 năm tính từ giữa 2015. Các dòng máy bay này sẽ được sử dụng trên những đường bay dài, xuyên lục địa và giúp Vietnam Airlines khai thác điểm đến mới ở châu Âu, Bắc Mỹ.

Gây ấn tượng mẽ nữa là hãng hàng không tư nhân Vietjet Air. Hãng bay này đã ký hợp đồng mua 92 máy bay và thuê thêm 8 chiếc Airbus 320 với tổng trị giá 9,1 tỷ USD.

Hiện Vietjet đang khai thác 26 tàu bay A320 và A321, thực hiện 150 chuyến bay mỗi ngày, phục vụ vận chuyển hơn 12.5 triệu hành khách, với hơn 33 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các đường bay quốc tế đến Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Myanmar.

Sau gần 5 năm gia nhập thị trường hàng không, Vietjet Air cho biết mục tiêu năm 2015 của hãng là vận chuyển hơn 9 triệu lượt khách với hơn 55.600 chuyến bay, hệ số sử dụng ghế là 88,5%.

Ngoài Vietjet Air và Vietnam Airlines, Jetstar Pacific cũng được đánh giá là hãng hàng không giá rẻ hàng đầu tốt nhất nhiều năm liền theo đánh giá Sky Trax.

Jetstar Pacific có kế hoạch phát triển đội máy bay đến năm 2016 với khoảng 15 chiếc và hiện đang có 10 chiếc dòng Airbus A320/A321 phục vụ hành khách. Tổng Giám đốc Jetstar Pacific Lê Hồng Hà cho biết, định hướng của hãng là tăng thêm từ 2-3 chiếc mỗi năm, phù hợp với mức tăng trưởng hơn 10% của thị trường.

Có thể nói, với sự tham gia thị trường của các hãng hàng không như Jetstar, Vietjet đã tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ, đưa phương tiện hàng không tưởng chừng xa xỉ đến gần hơn với người dân.

Nhìn vào biểu đồ tăng trưởng và kế hoạch phát triển đội bay của các hãng bay, bất cứ ai cũng có thể hình dung một bức tranh thị trường hàng không sẽ còn sôi động hơn nữa trong tương lai.

Góc tối...

Tuy nhiên, trong bức tranh phát triển chung đó đáng tiếc vẫn còn một vài góc tối...

Trong khi ngành hàng không đang phát triển vượt bậc về cả lượng và chất, khi các hãng hàng không cạnh tranh nhau trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, mua sắm tàu bay mới hiện đại, khi nhiều nhà ga, sân bay được cải tạo xây mới để phục vụ hành khách tốt nhất thì đây cũng là lúc dư luận xã hội chứng kiến những hình ảnh không đẹp về sự văn minh của hành khách trên nhiều chuyến bay.

Chuyện hành khách hành hung nhân viên hàng không chỉ vì được yêu cầu chuyển sang làm thủ tục quầy khác, nói đùa có bom, xả rác, làm ồn gây mất trật tự trên các chuyến bay… đang khiến hình ảnh của các "thượng đế" xấu đi. 

Khái niệm “thượng đế” chỉ sự tôn trọng dành cho khách hàng. Hành khách là "thượng đế" nhưng hàng không lại là phương tiện giao thông đặc thù, có những quy định an toàn riêng không giống xe khách hay tàu hỏa.

Khi bước lên máy bay, quyền lợi của cá nhân phải gắn với tập thể, bởi khi đó vấn đề an ninh an toàn bay là quan trọng nhất. Một hành động không đẹp của bất cứ hành khách nào có thể ảnh hưởng đến cả chuyến bay và những chuyến bay sau nữa.

Sẽ có người lý giải do hàng không vẫn là phương tiện giao thông mới, nhiều người lần đầu đi máy bay nên chưa biết các quy định… Tuy nhiên, ngay cả khi được giải thích về những quy định nhiều hành khách vẫn không chấp hành hoặc tỏ thái độ rồi sau đó lên mạng xã hội than vãn dịch vụ hàng không kém. 

Hình ảnh xấu xí về cách cư xử của hành khách trên các chuyến bay phần nào phản ánh dân trí của một quốc gia. Hành khách quốc tế có thể tiếp xúc với người bản địa đầu tiên qua các chuyến bay từ đó tạo cho họ cái nhìn đánh giá đầu tiên về một quốc gia.

Do đó, hình ảnh về những ga hành khách càng văn minh thì ấn tượng với du khách về con người, đất nước Việt Nam càng tốt đẹp.

Mai Anh