Thời hạn kết thúc nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường Đại học, Cao đẳng đang cận kề. Nhiều thí sinh và phụ huynh đau đầu suy nghĩ nên hay không rút hồ sơ để nộp vào các trường Đại học, Cao đẳng khác.
Trước quy định mới của Bộ GD&ĐT về việc nộp hồ sơ xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng không chỉ có thí sinh lo lắng theo dõi tình hình nộp và rút hồ sơ mà ngay cả phần lớn các bậc phụ huynh cũng cảm thấy không yên tâm nhất là các đối tượng từ vùng xa.
Chuyển phát nhanh nhưng….vô cùng chậm
Bước vào các trường Đại học thời gian này quá dễ dàng để bắt gặp những gương mặt lo lắng của thí sinh, ưu tư của những bậc làm cha làm mẹ.
Có mặt tại điểm xét tuyển Đại học Sư phạm Hà Nội vào sáng sớm 11/8, chúng tôi được chứng kiến cảnh thí sinh và nhiều phụ huynh đã phải đến rất sớm kịp giờ hành chính để hoàn thành hồ sơ xét tuyển và rút hồ sơ. Nhiều gia đình ở Thanh Hóa, Nghệ An buộc phải đi tàu, xe từ lúc nửa đêm.
Hiện nay có rất nhiều trường hợp thí sinh nộp hồ sơ qua đường bưu điện nhưng sau 1 tuần vẫn chưa thấy tên cập nhật trên hệ thống của trường.
Thí sinh có mặt từ sáng sớm để làm thủ tục nộp và rút hồ sơ tại Đại học Điện lực (Ảnh: Thùy Linh) |
Lo lắng, ngày 11/8, hai bố con chú H. bắt xe từ Hoằng Hóa, Thanh Hóa ra Hà Nội để xem xét tình hình.
Khi tới nơi, Nhà trường thông báo do chuyển qua đường bưu điện nên hồ sơ có thể bị chậm hơn so với dự tính dẫn tới tình trạng trường chưa kịp cập nhật thông tin cho thí sinh.
Chú H. mệt mỏi cho biết: "Cháu đã nộp hồ sơ qua đường bưu điện từ ngày 6/8 nhưng đến hôm qua vẫn chưa thấy có tên. Hôm nay, hai bố con phải bắt xe Hà Nội vào trường để hỏi trực tiếp và rút hồ sơ vì qua thông tin trên mạng thấy số hồ sơ hiện tại nộp vào gấp 3 lần số chỉ tiêu của trường. Cơ hội vào trường này khó nên định đi rút hồ sơ để nộp về trường Đại học Sư phạm Vinh.
Nhưng khi tới nơi thì bộ phận tư vấn cho biết trường chưa nhận được hồ sơ nên hiện tại thí sinh chưa có tên trong danh sách của trường. Hai bố con đành phải ở lại Hà Nội thuê phòng để nghỉ đến ngày mai xem thế nào. Tiền xe 120.000 đồng/người thêm tiền ăn, ở hôm nay nữa cũng tốn gần triệu bạc, ít ỏi gì đâu”.
Điều quan trọng, sau khi chuyển phát hồ sơ đi, mỗi ngày thí sinh đều phải cập nhật thông tin của trường thường xuyên, nông thôn thì làm gì có máy tính, muốn xem thì phải ra quán net cách nhà vài cây số. Trăm thứ tốn!
Hướng dẫn cách rút hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng(GDVN) - Sau khi các trường công bố số liệu thí sinh đăng kí xét tuyển đã có nhiều thí sinh đến rút hồ sơ. Sau đây là quy định rút hồ sơ đăng kí xét tuyển. |
Thí sinh N.T.Đ nộp hồ sơ vào trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội cho biết:
“Ngày nào cũng phải ra quán ngồi truy cập. Hơn nữa do có trường cập nhật thường xuyên, có trường chưa cập nhật nên khó khăn trong việc xem vị trí của mình.
Ví dụ, ngày 8/8 thì em xếp thứ 60 của ngành nhưng đến ngày 9/8 thì lại xuống vị trí 140. Vị trí dao động như vậy mà không cập nhật rút hồ sơ đem nộp trường khác nhanh thì làm gì còn cơ hội nữa”.
Thí sinh B.Q.H – nộp hồ sơ vào Đại học Điện lực lo lắng: “Khi nộp hồ sơ đăng kí năm nay, em phải chờ lâu, suốt ngày phải chầu trực trên máy tính lên cập nhật thông tin. Đã thế, mỗi trường đăng thông tin một kiểu, trường thì đăng theo khối, trường thì đăng theo khoa. Phức tạp lắm".
Sau khi rút hồ sơ sẽ nộp đi đâu?
Phụ huynh T. quê ở Diễn Châu, Nghệ An có con nộp hồ sơ vào khoa Văn trường ĐH Sư phạm Hà Nội buồn bã tâm sự: Năm nay, nhiều bất cập quá. Các con khổ, phụ huynh chúng tôi cũng khổ. Thà cứ như mọi năm, có điểm rồi nộp hồ sơ không đỗ nguyện vọng 1 thì nộp nguyện vọng 2.
Do các thí sinh có điểm cao đều đổ dồn vào thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh khiến nhiều thí sinh hoang mang đến rút hồ sơ mà sau đó không biết sẽ nộp đi đâu, chọn trường nào nhất là khi trường thí sinh định nộp hồ sơ tiếp theo ở cách xa trường đã nộp trước đó thì các em lại phải mất thời gian và chi phí để di chuyển. Đó là chưa nói đến những rủi ro khi di chuyển nhất là phương tiện xe máy.
Thí sinh, phụ huynh mệt mỏi vì chờ đợi (Tại Đại học Sư phạm Hà Nội - Ảnh: Thùy Linh) |
“Kiểu thi cử này gây tốn kém cho xã hội nhiều quá. Nhà thì không có máy tính nên để truy cập thì phải ra quán. Con lo lắng, bố mẹ nhấp nhổm nên bố truy cập, con truy cập vẫn không ổn đành vượt 280 km để ra đây (Hà Nội) xem tình hình thế nào”, chú T. phàn nàn.
Chú T. tâm sự: Thậm chí, anh họ của tôi có con nộp hồ sơ vào TP.Hồ Chí Minh, để chắc chắn thì gia đình phải đi máy bay vào trong đó chờ cập nhật 3 ngày để xem có rút hồ sơ hay không? Vậy chi phí đi lại, ăn, thuê phòng trọ tốn kém nhiều lắm mà vẫn chưa biết đỗ, trượt thế nào?
Để tăng cơ hội đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng đòi hỏi thí sinh phải cân nhắc hết sức thấu đáo. Tuy nhiên, trường thí sinh thích thì phải rút hồ sơ vì quá đông hồ sơ dự tuyển để nộp vào trường vốn chẳng thích khiến phụ huynh thêm phần lo lắng.
Thí sinh có thể rút hồ sơ, thay đổi nguyện vọng 1 tại trường phổ thông |
Phụ huynh quê Hà Nam có con nộp hồ sơ vào trường Đại học Điện lực cho biết:
“Khi học ở trường không phải nguyện vọng của cháu mà sang năm con lại muốn thi lại. Thế là bỏ không 1 năm học mất mấy chục triệu. Kiếm đâu ra số tiền đó”
Mặc dù Bộ GD&ĐT có quy định về việc cho thí sinh làm giấy ủy quyền cho người khác rút hồ sơ hộ, nhưng không phải ai cũng có người thân ở tại điểm trường đã nộp hồ sơ để có thể thuận tiện ủy quyền.
Thí sinh N.H (quê ở Nghệ An) lo lắng: “Em nộp hồ sơ vào ngành sư phạm Tiếng Anh– Đại học Sư phạm Hà Nội với số điểm 32 (nhân hệ số 2).
So với các năm trước thì cao hơn 3-4 điểm nhưng khi theo dõi số thứ tự bảng điểm, trường lấy 60 chỉ tiêu mà em xếp thứ 69 nên em quyết định rút hồ sơ để nộp vào trường an toàn thấp hơn số điểm hiện tại của em khoảng 8-9 điểm nhưng chưa biết nộp trường nào.
Đường Hà Nội thì em không biết nên đi đến đâu thì thuê xe ôm tới đó, mất nhiều tiền lắm!".
Theo N.H, do em chuyển phát nhanh hồ sơ từ mùng 5 mà đến sáng nay 11 trường mới nhận được nên muốn rút thì phải ở lại chờ đến ngày mai. “Em ra Hà Nội một mình nên giờ không biết sẽ ở đâu”, gương mặt đầy bối rối.
Vì nhiều lý do tế nhị, tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi.