Đại Công Báo, một tờ báo được người dân Hồng Kông liệt vào danh sách 4 tờ báo lớn thân Trung Quốc và được cho là nằm dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Các vấn đề Hồng Kông - Đài Loan - Ma Cao từ sau năm 1949 ngày 12/8 đăng bài bình luận của Kha Long, bình luận viên quen thuộc của báo này và tự nhận là chuyên gia phân tích quan hệ quốc tế về quan hệ Việt - Mỹ với những lập luận xuyên tạc, sai trái chống phá quyết liệt quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ.
Chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry trở thành tâm điểm chống phá của Kha Long và Đại Công Báo. Ảnh: 24 India News. |
Nhắc đến chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Kha Long viết: "Ông John Kerry thăm Việt Nam đúng dịp hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ, Việt Nam trông đợi rất nhiều vào chuyến thăm này, tự nhiên dành sự đón tiếp cấp độ cao cho ông ta. Ngoài hội đàm với Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng hội kiến Ngoại trưởng Mỹ. Báo chí Việt Nam đưa tin đậm nét về chuyến thăm này".
Chuyện các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam hội kiến với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry là hoạt động đối ngoại hết sức bình thường, cũng như khi ông Trương Cao Lệ sang thăm Việt Nam một tuần sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Hoa Kỳ và cũng được các nhà lãnh đạo Việt Nam hoan nghênh, hội kiến, không có chuyện gì lạ - PV.
Sau khi nhắc lại nội dung trao đổi của các nhà lãnh đạo hai phía Việt - Mỹ về vấn đề hợp tác song phương, quốc phòng an ninh, Biển Đông, TPP..., Kha Long bắt đầu bình luận xuyên tạc, chống phá quan hệ Việt - Mỹ:
"Những dấu hiệu trên cho thấy quan hệ Việt - Mỹ đang gần gũi hơn một bước. Mặc dù trong chiến tranh Việt Nam đã phải hy sinh rất lớn, thương vong lên tới cả triệu người, nhưng chỉ vì lợi ích trước mắt mà có thể bỏ qua tất cả không tính toán, điều đó biểu hiện rõ lập trường chủ nghĩa thực dụng mười mươi"?!
Quá khứ không thể thay đổi, trong đó không chỉ có hàng triệu người thương vong trong kháng chiến chống Mỹ, mà còn rất nhiều xương máu của người Việt đã đổ xuống để bảo vệ biên giới phía Bắc suốt những năm 1979 - 1989 cũng như Hoàng Sa và Trường Sa. Người Việt và người Mỹ đều không quên điều này, nhắc đến bài học chiến tranh để nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, trân trọng gìn giữ hòa bình cùng nhau phát triển.
Nhưng dường như Trung Quốc thì ngược lại, họ không muốn Việt Nam nhắc đến cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc 1979, xâm lược Hoàng Sa, xâm lược 6 bãi đá Gạc Ma trong khi lại thường xuyên tuyên truyền cho dân chúng nước này không bao giờ được quên "mối thù Lư Câu". Sắp tới 3/9 Trung Quốc duyệt binh quy mô lớn kỷ niệm ngày "kháng chiến chống Nhật thắng lợi", đồng thời liên tục gây sức ép Nhật Bản phải xin lỗi về chuyện đã qua.
Kha Long xuyên tạc rằng: "Mỹ chỉ lợi dụng vấn đề tôn giáo, nhân quyền để tiến hành diễn biến hòa bình, chưa từng từ bỏ ý đồ lật đổ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong chuyến thăm này ông John Kerry không quên nhắc đến nhân quyền với ý tứ rằng, chỉ cần tình trạng nhân quyền của Việt Nam không cải thiện, nền tảng của quan hệ Việt - Mỹ không thể vững chắc"?!
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng. |
Việc Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức nước Mỹ và trân trọng tiếp ông tại Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng cho thấy các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ tôn trọng vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hai bên cũng cam kết công khai, minh bạch rằng tôn trọng thể chế chính trị của nhau và diễn biến hòa bình, lật đổ chế độ ở Việt Nam không phải mục tiêu của Hoa Kỳ, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius cũng đã nhắc đi nhắc lại lập trường này. Thiết nghĩ đây là câu trả lời đầy đủ để bác bỏ lập luận xuyên tạc của Kha Long.
Học giả này xuyên tạc tiếp: "Đồng thời các nhà chức trách Việt Nam cũng thừa hiểu, sở dĩ Mỹ coi trọng Việt Nam, ý đồ chủ yếu của họ là lấy Việt Nam làm con cờ trong chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc.
Đối với Việt Nam mà nói, Trung Quốc 1,3 tỉ dân ở ngay bên cạnh đã từng trả giá lớn vì chi viện cho Việt Nam đánh Mỹ với một kẻ thù xưa bên bờ kia Thái Bình Dương từng tàn hại hàng triệu người Việt trong chiến tranh, trong toàn cục chính sách đối ngoại của Việt Nam ai nặng ai nhẹ thì người Việt tự biết rất rõ.
Hiện nay sở dĩ Việt Nam ngả theo Mỹ mạnh mẽ như vậy chẳng qua là muốn dựa vào thế lực và ảnh hưởng của Mỹ để kiềm chế Trung Quốc trên Biển Đông. Còn Trung Quốc vừa muốn thiết lập trục quan hệ nước lớn với Mỹ, đồng thời muốn duy trì quan hệ láng giềng hữu nghị với Việt Nam, nhưng tất cả các tiền đề này quyết không được tổn hại đến lợi ích quốc gia của nước ta, lập trường này là bất di bất dịch", Kha Long tuyên truyền.
Việt Nam có đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, không ngả theo bất kỳ nước nào, không theo nước này chống nước kia, nhưng sẽ hợp tác hết mình với cộng đồng khu vực và quốc tế để bảo vệ hòa bình, luật pháp và công lý cũng như toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, độc lập tự chủ nước nhà, quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Người Việt biết rất rõ ai đang cố tình lèo lái, lấn lướt mình, gặm nhấm lãnh thổ của mình trên Biển Đông và quyết không để kẻ đó đạt được dã tâm, tham vọng bất hảo ấy.
Chia rẽ, ly gián quan hệ quốc tế giữa Việt Nam với Hoa Kỳ hay bất cứ quốc gia nào khác là thủ đoạn cũ mèm và vô hiệu. Những bài báo như của Kha Long càng tìm cách đâm bị thóc chọc bị gạo càng khiến người Việt và dư luận khu vực cũng như quốc tế thấy rõ hơn ý đồ, thủ đoạn và mục đích của họ là gì và càng thêm đề cao cảnh giác.