Tờ Sputnik ngày 18/8 đưa tin cho biết, Quân đội Philippines đã phải tính toán rất kỹ lưỡng trong việc mua sắm quân sự nhằm để gia tăng khả năng của lực lượng hải quân trong bối cảnh ngân sách quốc phòng có hạn.
Chính phủ Philippines gần đây đã lên kế hoạch tăng 25% ngân sách quốc phòng trong năm tới nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin trong lễ bàn giao 10 chiếc trực thăng mới cho lực lượng Hải quân. Ảnh Sputnik. |
Phát biểu trong buổi lễ vận hành 10 chiếc trực thăng mới mua, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin thừa nhận rằng sự gia tăng ngân sách này vẫn còn quá ít ỏi so với nhu cầu hiện đại hóa của quân đội.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng Manila xác định kế hoạch nâng cấp và hiện đại hóa lực lượng vũ trang là một quá trình lâu dài và tích tiểu thành đại.
"Điều đó có nghĩa là chúng tôi phải mua sắm tiết kiệm và hiệu quả với chi phí hợp lý... theo sự cho phép của nguồn lực tài chính ít ỏi", Bộ trưởng Gazmin nói thêm.
Kể từ khi Tổng thống Benigno Aquino nhậm chức vào giữa năm 2010, Philippines đã tích cực mua sắm trang thiết bị mới cho lực lượng hải quân như: mua hai tàu bảo vệ bờ biển cũ của Mỹ, ba tàu đổ bộ từ Australia và Hàn Quốc và bảy máy bay trực thăng UH-1H, Reuters cho biết.
Mặc dù đã tích cực tăng ngân sách để sắm mới, nhưng số lượng các trang thiết bị vẫn còn rất ít so với nhu cầu bảo vệ các vùng biển yêu sách, chống lại các mối đe dọa từ quân nổi dậy và khắc phục hậu quả của các thảm họa tự nhiên của Philippines, Bộ trưởng Gazmin và các quan chức quốc phòng Philippines thừa nhận.
Dự kiến trong năm nay, Philippines có thể sẽ nhận được lô đầu tiên gồm 2 trong 12 chiếc máy bay chiến đấu FA-50 mua của Hàn Quốc.
Chỉ huy lực lượng Không quân Philippine Trung tướng Jeffrey Delgado cho biết, mười máy bay trực thăng mới đưa vào vận hành mới chỉ giải quyết các vấn đề an ninh nội bộ.
Mặc dù rất lo ngại và tập trung nhiều sức lực để đối phó với sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông, Philippines vẫn xác định rằng việc đối phó với lực lượng phiến quân Hồi giáo nổi dậy là một ưu tiên hàng đầu, theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Peter Paul Galvez.
Trong nỗ lực hỗ trợ đồng minh Đông Nam Á đối phó với các mối đe dọa an ninh từ bên trong và bên ngoài, Đại sứ Mỹ tại Philippines, Philip Goldberg nhấn mạnh rằng nước này đã sẵn sàng hỗ trợ Manila các thiết bị quân sự và đã trích 50 triệu USD lấy từ ngân sách viện trợ quân sự nước ngoài dành cho Manila vào năm ngoái.
Sự gia tăng các hành động bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh trong khu vực khiến rất nhiều nước láng giềng quan ngại. Động thái này đã thúc đẩy xu hướng tăng cường khả năng quân sự trong khu vực, biểu hiện là mua sắm trang thiết bị mới để hiện đại hóa lực lượng vũ trang.
Đây là một xu hướng tất yếu mà các nước nhỏ như Philippines và Việt Nam buộc phải trải qua nhằm tăng cường khả năng bảo vệ lãnh thổ, hàng hải của mình trước các hành vi leo thang gây hấn ngày càng trắng trợn của phía Trung Quốc.
Do ngân sách có hạn, việc hiện đại hóa quân đội một cách từ từ và mua sắm hiệu quả là phương thức rất đáng để xem xét.