Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hôm 18/8 vừa cho ý kiến về Dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Một điểm mới đáng chú ý của dự thảo liên quan tới quy định thủ tục tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao thay cho việc phát biểu nhậm chức.
Theo đó, các chức danh (nói trên) được bầu phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp.
Nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc các chức danh được bầu tuyên thệ khi nhậm chức là ý tưởng hay, có ý nghĩa, cần thực hiện rộng rãi.
Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội): “Tuyên thệ thể hiện sự đổi mới về tư duy quản lý”
Tôi cho rằng đây là ý tưởng rất hay, có ý nghĩa và hết sức quan trọng trong đời sống chính trị ở nước ta hiện nay.
Đối với người tuyên thệ, ở những thời điểm quan trọng ấy, người ta sẽ nhớ rất lâu. Điều này sẽ nhắc nhở họ luôn ghi nhớ rằng, mình phải hoàn thành những gì đã hứa trước công chúng.
Hay nói cách khác đó cũng là cách người được bầu thực hiện trách nhiệm của mình trước nhân dân.
Ngược lại, các chức danh được bầu thực hiện tuyên thệ sẽ tạo cơ sở để nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình đối với những vị trí đó.
Do đó, lời tuyên thệ trang nghiêm, trước sự chứng kiến của nhiều người luôn có sức nặng. Đó cũng là cách người dân tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (đoàn Hà Nội). Ảnh: Báo Vietnamnet. |
Việc tuyên thệ sẽ có tác dụng lan truyền theo hướng tích cực trong quản lý Nhà nước từ cấp Trung ương tới cấp cơ sở.
Khi đó, người ta sẽ tự đặt câu hỏi: Lãnh đạo cấp cao làm được, không có lý gì mình lại không làm?
Ở một phương diện khác, tuyên thệ có thể coi là cơ sở tạo ra sự minh bạch trong quản lý Nhà nước.
Đây là yếu tố vô cùng quan trọng tạo ra sự thắng lợi trên nhiều mặt của đời sống xã hội…
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình): “Tuyên thệ là phù hợp với xu hướng thế giới”
Việc tuyên thệ nhậm chức ở nước ta vẫn còn là vấn đề mới mẻ, trong khi nhiều nước trên thế giới đã áp dụng hình thức này từ lâu.
Đây được xem là tư duy phù hợp với xu thế thời đại.
Bên cạnh lời tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, người dân còn muốn lắng nghe ở người được bầu nêu quan điểm những chương trình hành động trong thời gian nhậm chức, để họ biết, giám sát.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Vẻ ( đoàn Thái Bình). Ảnh: Báo Vietnamnet. |
Sự tín nhiệm, giám sát của nhân dân cũng chính là trách nhiệm hết sức nặng nề của người được bầu.
Họ cần nỗ lực để tạo ra bước đột phá trong thời gian, phạm vi quản lý, xứng đáng với niềm tin, sự mong đợi của nhân dân.
Ngược lại, tuyên thệ cũng là cách cách người dân biết được năng lực của người được bầu thông qua giám sát. Nếu người được bầu, quá trình thực hiện nhiệm vụ có thiếu sót, bản thân sẽ phải tự sửa chữa.
Tôi hy vọng với cách làm này, nhân dân sẽ đặt sự kỳ vọng cao hơn vào những người được tín nhiệm.
Cũng cần nhân rộng hình thức này tới các Bộ, ngành, địa phương để mọi người biết và học tập.
Ông Lê Văn Cuông (nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa (khóa XII): “Tuyên thệ có thể coi là tiền đề tạo nên văn hóa từ chức"
Trước đây, theo truyền thống khi người ta được bầu vào vị trí chủ chốt, họ thường có bài phát biểu nhậm chức với mục đích cảm ơn những người đã bầu mình.
Đây cũng là dịp người ta hứa cố gắng thực hiện nhiệm vụ và mong được sự ủng hộ, hỗ trợ của người khác trong công việc…
Ông Lê Văn Cuông (nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: Báo Tuổi trẻ. |
Tuy nhiên, với dự thảo lần này, việc tuyên thệ hay nói chính xác là lời thề của người có trách nhiệm đã được nâng tầm ở mức cao hơn, thiết thực hơn, có ý nghĩa hơn. nó khác hẳn so với việc đọc báo cáo nhậm chức như trước đây.
Lời thề gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, nhà quản lý. Bởi khi người ta làm những việc không đúng, họ sẽ cảm thấy hổ thẹn với bản thân, nhân dân.
Đây có thể coi là tiền đề tạo nên "văn hóa từ chức" trong đội ngũ quản lý nhà nước...