Tỉnh Sơn La "ra quân" ngăn chặn tình trạng "cát tặc" trên sông Mã

21/08/2015 15:03
Duy Phong
(GDVN) - Sau loạt bài phản ánh của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, liên ngành tỉnh Sơn La đã ra quân dẹp loạn tình trạng khai thác cát trái phép tại Sông Mã.

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh,  nhiều năm qua, dòng sông Mã huyền thoại chảy qua địa bàn huyện Sông Mã (Sơn La) đang phải “oằn mình” trước nạn khai thác cát không phép.

Trước thông tin phản ánh việc khai thác cát trái phép của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Ngày 19/8, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 1900 về việc thành lập Đoàn kiểm tra hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Sông Mã.

Tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra công khai, rầm rộ trên sông Mã, huyện Sông Mã (Sơn La) trong thời gian dài. Ảnh Duy Phong.
Tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra công khai, rầm rộ trên sông Mã, huyện Sông Mã (Sơn La) trong thời gian dài. Ảnh Duy Phong.

Đoàn kiểm tra liên ngành gồm các lực lượng: Sở Tài nguyên & Môi trường, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường (Công an tỉnh), Sở Xây dựng, Sở Công Thương, UBND huyện Sông Mã, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn thuộc huyện Sông Mã nơi xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép.

Cơ quan chức năng dường như đã buông lỏng quan lý trong lính vực kiểm soát tài nguyên khoáng sản tại huyện Sông Mã. Ảnh: Duy Phong
Cơ quan chức năng dường như đã buông lỏng quan lý trong lính vực kiểm soát tài nguyên khoáng sản tại huyện Sông Mã. Ảnh: Duy Phong

Đoàn kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý tất cả các tổ chức, cá nhân khai thác cát trái phép trên dòng Sông Mã (Sông Mã) theo quy định tại Nghị định số 15, ngày 9-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật khoáng sản và các quy định của pháp luật hiện hành.

Ngày 20/8, Đoàn liên ngành đã làm việc với lãnh đạo huyện Sông Mã, đi kiểm tra thực tế tại xã Chiềng Khương và yêu cầu tất cả các hộ dân dừng ngay việc khai thác cát trái phép trên dòng Sông Mã. Ảnh: VOV
Ngày 20/8, Đoàn liên ngành đã làm việc với lãnh đạo huyện Sông Mã, đi kiểm tra thực tế tại xã Chiềng Khương và yêu cầu tất cả các hộ dân dừng ngay việc khai thác cát trái phép trên dòng Sông Mã. Ảnh: VOV

Trong ngày ra quân đầu tiên 20/8, Đoàn liên ngành đã làm việc với lãnh đạo huyện Sông Mã, đi kiểm tra thực tế tại xã Chiềng Khương và yêu cầu tất cả các hộ dân dừng ngay việc khai thác cát trái phép trên dòng Sông Mã.

Các đối tượng khai thác cát trái phép trên địa bàn xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã ký cam kết ngừng khai thác. Ảnh: Báo Sơn La.
Các đối tượng khai thác cát trái phép trên địa bàn xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã ký cam kết ngừng khai thác. Ảnh: Báo Sơn La.

Đồng thời, tổ chức cho các hộ đang khai thác cát trái phép trên dòng Sông Mã tiến hành ký cam kết ngừng khai thác, nếu hộ dân nào không thực hiện, đoàn sẽ xử phạt hành chính, tịch thu phương tiện.

Tình trạng khai thác cát ngang nhiên diễn ra trên sông Mã, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Thực hiện: Duy Phong

Dự kiến, trong 5 ngày (từ 20 đến 24/8), Đoàn sẽ tiến hành kiểm tra tất các địa bàn xã có tàu khai thác cát, để có số liệu chính thức và có các phản ánh, biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng khai thác cát trái phép trên dòng sông Mã.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Bùi Đức Hải: "Huyện thu thuế là trái với chủ trương của tỉnh"

Làm việc với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Bùi Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhận định tình hình phức tạp trong quản lý khoáng sản tại huyện Sơn La và cách xử lý của chính quyền địa phương.

PV: Trong thời gian vừa qua, nạn khai thác cát không phép diễn ra một cách rầm rỗ trên dòng sông Mã. Với thực tế như vậy, ông có thể cho biết UBND tỉnh đã có động thái như thế nào?

Ông Bùi Đức Hải: Về việc này tỉnh cũng đã có chủ trương xử lý. Thực ra trên địa bàn tỉnh Sơn La chỉ có mỗi dòng sông có cát, còn các dòng sông khác không có cát để cho xây dựng. Chính vì thực trạng đấy, người dân sở tại đã khai thác cát trên dòng sông Mã. Việc dân sở tại khai thác cát như vậy, chúng tôi cho rằng là việc làm sai pháp luật. Trong luật 2010 quy định rõ không có chỗ nào cấp cho hộ dân khai thác. Vì bản chất đây là cát trôi, không tạo thành mỏ nhưng vẫn là tài sản quốc gia nên phải được quản lý theo quy định của pháp luật. Chính vì thế, hiện có một số doanh nghiệp đăng ký và chúng tôi đã giao cho Sở Tài nguyên & Môi trường tập hợp lại các hồ sơ, đăng ký việc thăm dò khai thác. Sau khi tổng hợp lại trình lên tỉnh ký. Tỉnh sẽ lựa chọn các đơn vị có năng lực. Trong chủ trương chọn doanh nghiệp có năng lực nhưng cũng cần phải phối hợp với người dân sở tại. Vì chính người dân sở tại người ta mới giữ được an ninh trật tự. Đất người ta gắn với bờ sông, chứ chủ trương không thu hồi đất người dân.  

PV: Thưa ông, trong quá trình chờ cơ quan có thẩm quyền cấp phép, tìm đơn vị có năng lực, thì trong giai đoạn này UBND tỉnh có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng khai thác cát không phép rầm rộ như thế ?

Ông Bùi Đức Hải: Vừa rồi ở đây chúng tôi cũng đã dừng 2 lần, thậm chí còn cho khóa các máy, nhưng không thu. Thế nhưng do nằm trong tình trạng rất nhiều hộ khai thác nên chúng tôi buộc phải thành lập tổ chức, doanh nghiệp. Giờ các hộ dân khai thác như vậy, đúng là không đảm bảo môi trường, vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, khi khai thác không kiểm soát được tình hình.

Ông Bùi Đức Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La làm việc với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Duy Phong
Ông Bùi Đức Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La làm việc với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Duy Phong

PV: Nhưng thực tế tình trạng khai thác cát không phép kéo dài nhiều năm và hiện vẫn đang diễn ra. Vậy phải chăng cơ quan chức năng đang bó tay với vấn nạn này thưa ông?

Ông Bùi Đức Hải:  Thực ra hiện nay đúng là như thế. Mình vẫn cấm, vẫn tổ chức các đoàn đi họ lại dừng. Giờ chỉ có cách làm nhanh việc lựa chọn được chủ đầu tư thì mới chấm dứt được tình trạng này. Việc đấy tại sao lại chậm bởi vì khi bắt tay vào làm tỉnh có công văn xin ý kiến của Bộ TN&MT có phân cho tỉnh Sơn La cấp phép và khai thác không? Với công đoạn này mất khoảng gần 2 tháng. Bộ TN&MT đã trả lời, cho phép tỉnh Sơn La được tổ chức thăm dò, khai thác.

PV: Rõ ràng việc người dân khai thác không phép, vi phạm pháp luật. Một mặt mình cấm như vậy, nhưng mặt khác mình vẫn cho thu thuế tài nguyên, điều đó chả khác nào cố tình hợp thức hóa cho nạn khai thác cát không phép. Vậy ông nhận định gì về việc mâu thuẫn này?

Ông Bùi Đức Hải: Về vấn đề này tỉnh không có chủ trương thu. Mình đã có cơ sở gì đâu mà thu. Mình phải cấp phép mới được thu chứ. Chắc là huyện thấy rằng có việc hoạt động nên mới thu. Chứ chủ trương của tỉnh là đúng quy định mới thu. Vì cấp phép thăm dò còn phải cấp quyền khai thác nữa. Quyền khai thác mới được thực hiện từ 2014.

PV: Theo ông để giải quyết vấn nạn này trong thời gian tới, UBND tỉnh có hướng xử lý thế nào để vừa tránh thất thu, đảm bảo đúng luật?

Ông Bùi Đức Hải:  Thực ra việc này tỉnh cũng trình Ủy ban thường vụ. Nếu trong trường hợp có quá nhiều nhà thầu sẽ phải đấu thầu. Đấu thầu sẽ theo tiêu chí ông vào đấy phải thu nạp được các hộ, chứ không giao đất.  Chắc một, hai tháng nữa sẽ chọn được nhà thầu.

Xin cảm ơn ông!

Duy Phong