Lính Trung Quốc, hình minh họa. |
Tiến sĩ Marvin C. Ott từ Đại học Johns Hopkins ngày 24/8 bình luận trên The National Interest, Biển Đông là một đấu trường chiến lược phát triển nhanh chóng và ngày càng nguy hiểm. Việc Trung Quốc theo đuổi yêu sách (vô lý, phi pháp) chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông đã được hỗ trợ bởi sự tích tụ sức mạnh quân sự - hàng hải nhanh chóng và một loạt hành động chiếm đoạt (xâm lược) đất đai táo bạo.
Bắc Kinh đã gây "ấn tượng mạnh" trong những tháng qua bằng thủ đoạn bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp). Các tính năng, tiện ích quân sự hầu như không cần ngụy trang, đường băng quân sự và trạm radar trên đá Chữ Thập (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam, bị Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng trái phép từ năm 1988 đến nay) là một ví dụ.
Phản ứng của các bên yêu sách ở Đông Nam Á cũng đã thay đổi với những báo động, sợ hãi, giận dữ, thách thức. Nhưng không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh xem Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines như trở ngại nghiêm trọng cho tiến trình bành trướng, độc chiếm Biển Đông trong tầm trung và dài hạn. Quốc gia duy nhất được xem như có khả năng ngăn chặn hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông là Mỹ.
Bắc Kinh đang ra sức tuyên truyền (xuyên tạc) rằng việc Washington duy trì sự hiện diện quân sự ở Biển Đông là "khiêu khích, gây bất ổn và bất hợp pháp". Thậm chí một giáo sư Trung Quốc đã phát biểu tại một cuộc họp gần đây tại Washington và hùng hổ gọi Mỹ là "ông trùm xã hội đen ở Biển Đông"?!
Người Trung Quốc đang thúc đẩy các sự kiện và đẩy Mỹ vào chỗ phải lựa chọn: Ngầm bằng lòng với yêu sách (vô lý, phi pháp) của Bắc Kinh ở Biển Đông để duy trì sự hài hòa quan hệ Trung - Mỹ; hoặc thách thức tham vọng bành trướng của Bắc Kinh và nguy cơ Mỹ phải đối mặt với cái giá rất lớn. Tuy nhiên việc chính quyền Tổng thống Obama triển khai chiến lược tái cân bằng sang châu Á - Thái Bình Dương đã là một câu trả lời rõ ràng.
Thực tế yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông không có bất cứ căn cứ pháp lý nào và nó khác với phần còn lại của thế giới địa chính trị phức tạp. Lãnh đạo Trung Quốc tin rằng Biển Đông là của họ. Đây là một bộ phim hoạt hình của chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Tiến sĩ Marvin C. Ott. |
Mỹ muốn ngăn chặn Trung Quốc bành trướng Biển Đông sẽ phải huy động sức mạnh và tài sản quốc gia. Đàm phán TPP là một chiến lược tổng thể quan trọng và lâu dài. Nhưng ngay lập tức, Mỹ cần phải có những thách thức quân sự. Nếu để Trung Quốc triển khai quân và chiếm nốt phần (đảo, đá) còn lại trên Biên Đông thì Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với tình thế không thể đảo ngược.
Do đó lựa chọn thích hợp à cần thiết là triển khai mạnh mẽ chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương, nhưng trên thực tế cho đến nay việc triển khai vẫn còn khiêm tốn. Chiến lược quân sự của Mỹ để ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục bành trướng và độc chiếm Biển Đông nên bắt đầu với một sự khẳng định lợi ích quốc gia của Mỹ tại vùng biển này phải được bảo vệ, nó có thể bao gồm các điều sau đây:
1. Lực lượng quân sự thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Hoa Kỳ nên duy trì sự hiện diện liên tục 24/7 trong suốt 365 ngày một năm ở Biển Đông và nên tuần tra thường xuyên không phận, vùng biển quốc tế trong phạm vi 12 hải lý xung quanh ít nhất 1 đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên 7 bãi đá.
2. Giới quân sự Mỹ, Philippines nên xem xét một thỏa thuận cho hải quân Mỹ hộ tống các tàu Philippines cung cấp đảm bảo cho lực lượng đóng quân đồn trú trên Biển Đông.
3. Đề xuất một chương trình tuần tra chung hải quân và không quân với các đối tác, đồng minh an ninh trên Biển Đông.
4. Tham khảo ý kiến Manila về tính khả thi của việc Mỹ xây dựng căn cứ không quân, hải quân trên đảo Palawan.
5. Tham khảo ý kiến Malaysiia và Việt Nam về việc hải quân Mỹ thăm viếng hữu nghị các cảng quan trọng trên Biển Đông.
6. Thành lập một nhóm công tác ASEAN - Mỹ thường trực về vấn đề Biển Đông với cơ chế họp định kỳ như hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN - Hoa Kỳ.
7. Chính thức khởi động một chương trình đa phương nâng cao năng lực cho các quốc gia Đông Nam Á để duy trì nhận thức về hàng hải và sự hiện diện của Cảnh sát biển trên Biển Đông. Đối tượng tham gia là Mỹ, Nhật Bản, Úc và có lẽ gồm cả Hàn Quốc.
Tất cả các biện pháp này có chung một mục đích là thiết lập sức răn đe mạnh mẽ để buộc Trung Quốc xem Biển Đông là một thách thức ngoại giao và pháp lý, chứ không phải đấu trường bành trướng quân sự.